Phải quyết liệt kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền

PTĐT -Tôi thấy chuyện này vô lý đến khó hiểu nhé. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân. Đây là lực lượng tiên phong của cách mạng, là những người có nhiều cống hiến, tích cực đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, vì nhân dân phục vụ…

PTĐT -Tôi thấy chuyện này vô lý đến khó hiểu nhé. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định, cán bộ, đảng viên là công bộc của dân. Đây là lực lượng tiên phong của cách mạng, là những người có nhiều cống hiến, tích cực đóng góp cho sự nghiệp phát triển chung của đất nước, vì nhân dân phục vụ… Thế mà “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên vẫn tìm mọi cách chạy chức, chạy quyền. Lạ thật đấy, thu nhập thấp, áp lực trách nhiệm cao mà sao họ vẫn cố kiết “chạy” vào cơ quan Nhà nước, sau đó chạy chức, chạy quyền? Không lẽ họ “chạy” để được “cống hiến”?
- Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền một phần do những quy định, quy trình cũng như văn bản quy phạm pháp luật về công tác cán bộ vẫn còn một số bất cập, hạn chế, tạo kẽ hở cho những kẻ cơ hội luồn lách…, nhưng chủ yếu là do thói háo danh, ham địa vị, hám lợi, coi trọng lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà xem thường luật pháp, tư cách đạo đức, lòng tự trọng của một số cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất…- Vậy phải có “thuốc đặc trị”, kiên quyết loại bỏ những đối tượng cơ hội ra khỏi tổ chức. Không thể để tình trạng chạy chức, chạy quyền tồn tại dai dẳng, gây nhức nhối trong dư luận xã hội, làm băng hoại giá trị đạo đức, kìm hãm phát triển đất nước… - Dĩ nhiên rồi, cùng với những quy định của pháp luật, Đảng cũng có những quy định khắt khe về tiêu chuẩn, năng lực, phẩm chất đối với cán bộ và công tác cán bộ; đòi hỏi cán bộ, đảng viên luôn phải là lực lượng tiên phong, dám hy sinh quyền lợi của bản thân và gia đình, đặt lợi ích dân tộc, Tổ quốc lên trên hết; gương mẫu đi đầu trong mọi hoạt động đời sống, xã hội… Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205 về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền. Khi Quy định này được hiện thực hóa, tham vọng quyền lực sẽ hết “cửa” lộng hành…Từ câu chuyện trên cho thấy, chạy chức, chạy quyền đang là thực trạng nhức nhối trong đời sống xã hội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ, công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Từ nhiệm kỳ trước, người lãnh đạo cao nhất của Đảng đã yêu cầu phải thảo luận cho rõ ràng, minh bạch, trả lời sòng phẳng xem ai chạy, chạy ai? Bằng luật pháp, quy chế, quy định, kiểm tra, đôn đốc ráo riết khắc phục cho bằng được tình trạng này, trước hết những người làm công tác cán bộ phải liêm chính, trong sáng, công tâm. Gần đây, Nghị quyết Trung ương 7, khóa XII về công tác cán bộ, có riêng một nội dung về kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền, nêu rõ mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế; quyền hạn, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm. Vào dịp toàn Đảng đang tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 là việc làm cần thiết và cấp bách với các biện pháp cụ thể hơn, tinh thần quyết liệt hơn đối với kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.“Dứt khoát không đưa vào quy hoạch những người có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, mất đoàn kết, gây rối nội bộ, tham nhũng tiêu cực, cơ hội chính trị như “con lươn, con chạch” - lời khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thể hiện ý chí của Đảng cũng đồng thời là mong muốn, kỳ vọng của nhân dân. Để Quy định 205 thực sự phát huy hiệu quả, những người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, người đứng đầu cơ quan làm công tác cán bộ phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức không chỉ thể hiện thái độ kiên quyết, hành động mạnh mẽ lên án hành vi chạy chức, chạy quyền của người khác mà cần ngăn ngừa nó với ngay chính bản thân mình. Có như thế, nạn chạy chức chạy quyền, tham vọng, tha hóa quyền lực mới chấm dứt. Những cán bộ tài năng, tâm huyết, trách nhiệm sẽ được trao cơ hội, tạo điều kiện thuận lợi để toàn tâm toàn ý cống hiến cho đất nước…

Trung Tín

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri//chinh-tri/xay-dung-dang/sinh-hoat-tu-tuong/201910/phai-quyet-liet-kiem-soat-quyen-luc-trong-cong-tac-can-bo-chong-chay-chuc-chay-quyen-167258