Phải quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ trưởng ngay trong năm 2021 cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để giúp Chính phủ xây dựng, ban hành và triển khai chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với khung khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm.

Nắm chắc thực trạng, đề xuất được phương án cụ thể để xử lý

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn đối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư diễn ra sôi nổi với tinh thần trách nhiệm cao và rất xây dựng. Các đại biểu đã đặt câu hỏi ngắn gọn, trúng và đúng, đi thẳng vào vấn đề. Trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Ba, Kỳ họp thứ Sáu và Kỳ họp thứ Mười và giải trình tại các Phiên họp về kinh tế-xã hội của các Kỳ họp. Có thể nói rằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng là một trong các Bộ trưởng đã dày dạn kinh nghiệm chất vấn và dày dạn kinh nghiệm nghị trường, nắm chắc thực trạng vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý. Với tinh thần cầu thị, Bộ trưởng đã trả lời đầy đủ, thẳng thắn đa số các câu hỏi của đại biểu Quốc hội và mỗi vấn đề đều có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý trong thời gian tới. Tham gia giải trình thêm tại phiên chất vấn còn có Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Ảnh: Quang Khánh

Theo Chủ tịch Quốc hội, thời gian qua trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành khác trong Chính phủ; tham mưu với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, phục hồi kinh tế, góp phần giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có thể duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động. Thủ tục chuẩn bị đầu tư, việc phân bổ kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã tuân thủ thứ tự ưu tiên bố trí vốn theo quy định pháp luật, cơ bản đã khắc phục được tình trạng đầu tư manh mún, dàn trải và kém hiệu quả trước đây.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ: quy mô các chính sách hỗ trợ còn tương đối thấp, mới chỉ khoảng 4% GDP. Vừa qua, các cơ quan của Quốc hội đã cùng với cơ quan Chính phủ tính toán thì trong năm 2020 và 2021, cả về chính sách tài khóa và tiền tệ, chúng ta đã hỗ trợ khoảng 4 % GDP và cũng mới chủ yếu tác động về phía cung của nền kinh tế, chưa thực sự hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một số bộ, ngành và địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao, việc giải ngân vốn đầu tư còn rất chậm, nhất là vốn ODA. Việc triển khai một số dự án quan trọng quốc gia bị chậm tiến độ, nhất là dự án sân bay quốc tế Long Thành và dự án đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 1 vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc nên tiến độ giải ngân thì chưa được như mong muốn.

Nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế

Qua Phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ trưởng, Trưởng ngành liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Trong đó, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh 4 vấn đề chính cần tập trung gồm:

Một là, ngay trong năm 2021, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội để giúp Chính phủ xây dựng, ban hành và triển khai chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế sau dịch Covid-19, gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế, gắn với khung khổ đầu tư công trung hạn, kế hoạch tài chính ngân sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế 5 năm.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 12.11

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng sáng 12.11

Ảnh: Quang Khánh

Về thiết kế Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các phiên thảo luận và chất vấn nổi lên một số yêu cầu rất cụ thể. Trong đó, Chương trình này phải gắn với việc xây dựng gói kích thích kinh tế bằng chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Các đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh gói kích thích tới đây phải chú trọng vấn đề tổng cung và tổng cầu, không chỉ là phục hồi kinh tế mà cả phục hồi, phát triển về xã hội. “Không phải ngẫu nhiên mà trong bốn nội dung chất vấn của Kỳ họp này chỉ có một nội dung về kinh tế mà có tới ba nội dung về xã hội vì tác động của đại dịch đối với cả vấn đề kinh tế và vấn đề xã hội là hết sức sâu sắc”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Cùng với đó, gói kích thích kinh tế này phải bao gồm cả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và phải phối hợp rất tốt giữa hai chính sách này với các chính sách vĩ mô khác, trên cơ sở đảm bảo ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô. Chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế này cũng phải có lộ trình phù hợp, dự kiến chỉ trong hai năm 2022-2023 rồi sau đó quay trở lại bình thường; có trọng tâm, trọng điểm, có tính khả thi cao và dẫn vốn được vào những khu vực thực sự cấp bách, thực sự cần thiết và có khả năng hấp thụ được vốn. Đồng thời, cần phải xây dựng các chương trình quản lý rủi ro, bảo đảm việc huy động, phân bổ các nguồn lực được công khai, minh bạch, đúng mục đích, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí, chống lợi ích nhóm, tiêucực trong quá trình phân bổ và sử dụng các gói hỗ trợ.

“Vì vậy, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế này phải được thiết kế trên cơ sở đánh giá sâu sắc, toàn diện những tác động của đại dịch Covid-19 đến tình hình kinh tế-xã hội của nước ta; các xu hướng đầu tư kinh doanh sau đại dịch; tình hình kinh tế của khu vực và thế giới. Dựa vào những kinh nghiệm mà chúng ta đã có được trong triển khai thực hiện gói kích thích kinh tế khi khủng hoảng kinh tế xảy ra vào năm 2008-2009 để khắc phục được những hạn chế và phát huy được những thế mạnh của chúng ta”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, hai “gói” này là khác nhau.

Một là, chương trình tổng thể phục hồi, phát triển kinh tế bao gồm rất nhiều lĩnh vực, rất nhiều giải pháp, đi liền với đó sẽ có một gói kích thích kinh tế để đáp ứng với việc này chứ không phải chương trình tổng thể phục hồi phát triển kinh tế, xã hội là chỉ có vấn đề tài chính và chỉ có vấn đề tiền tệ.

Hai là, về đầu tư công và các công trình quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu với Chính phủ phân tích, đánh giá kỹ lưỡng thực trạng tình hình, xác định nguyên nhân khách quan và chủ quan, xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu để có biện pháp quyết liệt trong việc chuẩn bị đầu tư, phân bổ vốn, giải ngân vốn đầu tư và quyết toán vốn đầu tư. Trong chương trình công tác năm nay, Ủy ban Tài chính và Ngân sách cũng đã được giao nhiệm vụ sẽ tổ chức một phiên điều trần, giải trình đối với các cơ quan liên quan về vấn đề này vào cuối năm nay. “Chúng ta không thể để tình trạng này kéo dài mãi. Năm ngoái, chúng ta giải ngân được 98% và Bộ trưởng đã nói hoàn toàn không có vướng mắc gì về thể chế mà quan trọng trong cách thức tổ chức thực hiện, nhất là vấn đề chuẩn bị về đầu tư công. Cần có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả. Phấn đấu là phân bổ và giải ngân năm 2021 đạt 90%. Phân bổ và giải ngân năm 2022 đạt 100% dự toán do Quốc hội giao”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ba là, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần tham mưu cho Chính phủ khẩn trương, quyết liệt triển khai nhanh chóng việc xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh để phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch. Các quy hoạch này phải đi trước một bước và theo cam kết của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời điểm hoàn thành nội dung này chậm nhất ngày 31.12.2022. Trong đó lưu ý, quy hoạch phát triển đồng bằng sông Cửu Long phải xong trước tháng 12.2021. Chúng ta có Nghị quyết rất lâu rồi và không thể để kéo dài mãi. Không có quy hoạch đi trước một bước thì sẽ khó mà làm được những việc tiếp theo. Đồng thời khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan để trình Quốc hội xem xét Đề án thí điểm tách công tác giải phóng mặt bằng và dự án tái định cư ra khỏi các dự án đầu tư công, tháo gỡ các điểm nghẽn cho đầu tư sản xuất kinh doanh trong một luật sửa một số luật và sớm trình Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.

Bốn là, đối với việc chuẩn bị các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia trong thời gian tới, cần được chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy trình, có ý kiến của cơ quan Kiểm toán nhà nước. Trong quy định pháp luật, tất cả các dự án trọng điểm quốc gia trước khi trình với Quốc hội thì phải có ý kiến của Kiểm toán nhà nước. Đây là cơ quan chuyên môn có tính chất độc lập và chuyên môn rất cao. Những dự án trọng điểm quốc gia cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng theo đúng quy trình và cân nhắc đến tính khả thi, nhất là vấn đề huy động vốn. Phải đánh giá rất kỹ và có lộ trình để trình Quốc hội xem xét, quyết định. Tiếp tục tham mưu với Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay để tiếp tục phục hồi và phát triển kinh tế.

Hồ Long

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phai-quyet-liet-thuc-hien-cac-giai-phap-da-de-ra-nrulwzkm39-66103