Phải sống thuận thiên nhiên

Bảo vệ những giá trị tự nhiên đang có và nương tựa vào tự nhiên để tạo ra giá trị mới. Đó là những gì mà người dân ở cù lao Hòa Minh, xã Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh) đang làm trong bối cảnh hạn mặn gay gắt hiện nay.

 Người dân ở ấp Cồn Chim nuôi tôm làm du lịch ảnh: H.H

Người dân ở ấp Cồn Chim nuôi tôm làm du lịch ảnh: H.H

Giữa mùa hạn mặn, phóng viên Tiền Phong tìm đến cù lao Hòa Minh, xã Hòa Minh (Châu Thành, Trà Vinh), tận mắt chứng kiến người dân bình thản, an nhiên, chăm chỉ làm ăn, cùng nhau làm giàu. Chủ tịch UBND xã Hòa Minh Trần Trung Kha phấn khởi nói: “Ở đây người dân sống thuận thiên, 6 tháng mặn nuôi tôm cua, còn 6 tháng ngọt trồng lúa sạch. Người dân coi nước mặn như một tài nguyên và tận dụng nó để làm giàu, đến nay toàn xã không còn hộ nghèo”.

Những năm 1990, cù lao này nghèo và hoang sơ do bao quanh là nước mặn. Khi ấy, địa phương đã triển khai nhiều công trình ngăn mặn để giữ nước ngọt trồng lúa. Tuy nhiên, sau vài năm, các công trình khép kín không hiệu quả, cơ quan chức năng dỡ bỏ để cho nước mặn vào thuận theo
tự nhiên.

Ông Kha giới thiệu, giờ đây cù lao này đã hình thành khu lúa, tôm, cua, hoa màu, có nơi kết hợp nuôi bò. Từ đó, đời sống người dân khá lên rõ rệt, nhà tường mọc lên san sát thay thế dần nhà lá. Năm 2019, toàn xã sản xuất 3.586 tấn lúa sạch, hơn 3.566 tấn thủy sản. Xã có 3.316 hộ với hơn 14.177 nhân khẩu, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 47,7 triệu đồng/năm, gấp nhiều lần so với trước. Đặc biệt là thu thuế đạt trên 2 tỷ đồng/năm, cao hơn nhiều xã khác trong đất liền.

Cù lao Hòa Minh được tỉnh này chọn làm nơi phát triển du lịch, tận dụng lợi thế sản xuất thuận thiên của người dân. Theo ông Kha, tuy mới thành lập từ tháng 9 năm ngoái đến nay nhưng đã thu hút khá đông khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Đó là tín hiệu mừng để hướng đến phát triển bền vững trong việc tận dụng giá trị tự nhiên trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Văn Quời, Bí thư Chi bộ ấp cồn Chim nói người dân ở đây đã ý thức được việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản tự nhiên để cá, tôm sinh đẻ tự nhiên, nếu đánh bắt phải theo mùa và quy định rõ ràng. Vợ ông Quời, bà Nguyễn Thị Bích Vân tiếp lời chồng: “Ở đây có vài trăm người nên tụi tôi ý thức được rằng bảo vệ những giá trị tự nhiên quanh mình và nương tựa vào tự nhiên để tạo ra giá trị mới. Đồng thời, đó cũng là nền tảng để chúng tôi làm du lịch cộng đồng”.

Ông Nguyễn Văn Pha (Tư Pha), 56 tuổi ở ấp cồn Chim có 3 ao với diện tích 1,3 ha. Ông làm 1 vụ lúa, 1 vụ tôm, mùa nước ngọt trồng lúa sạch (sinh thái) không phun thuốc trừ sâu nhằm cải tạo đất bằng cách cho lúa hấp thu cặn bã của tôm. Canh tác theo phương thức này, mỗi năm gia đình ông trồng lúa thu hoạch được khoảng 2 - 3 tấn gạo để dành ăn quanh năm, còn nước mặn nuôi tôm, cua. Cứ thế gia đình ông Pha sống mấy chục năm nay mà không hề lo lắng gì, trung bình mỗi năm trừ chi phí còn lời trên 100 triệu đồng.

Gia đình ông Tư Pha ngoài việc trồng lúa, nuôi tôm, giờ còn tham gia làm du lịch cộng đồng. Ông đăng ký phục vụ khách trải nghiệm câu cua, cùng với đó là phục vụ khách có nhu cầu ăn tại chỗ “Nhiều lúc không đủ cua bán cho khách”, ông Pha nói.

Hòa Hội

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/phai-song-thuan-thien-nhien-1521437.tpo