Phải thay đổi cách tính giá điện lỗi thời, thiếu minh bạch
Trước phản ánh của người dân về việc giá điện tăng đột biến, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần thay đổi biểu giá điện bậc thang để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh, Việt Nam chưa có thị trường điện cạnh tranh, việc theo biểu giá lũy tiến là hình thức phù hợp với đơn vị kinh doanh độc quyền như EVN. Vấn đề chính của biểu giá lũy tiến là các bậc thang giá điện cần được điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội.
“Bậc thang EVN xây dựng và đang áp dụng không phù hợp với thời điểm hiện tại. Trước đây, người sử dụng điện mức 1-2 tương đối đông nhưng hiện nay, đa phần người dân chuyển sang mức sử dụng bậc thang 3-4. Để phù hợp, ngành điện cần điều chỉnh theo sự phát triển của xã hội như mở rộng số lượng điện tiêu thụ trong bậc thang 1-2”, ông Minh nói.
Theo ông Minh, có thể phân chia biểu giá điện bậc thang theo mùa. Mùa hè sử dụng nhiều hơn do nhu cầu thực tế, trong khi thu nhập của người dân không tăng, nên chia bậc 1-2 với khối lượng điện tiêu thụ nhiều hơn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện mùa đông thấp, có thể áp dụng biểu giá điện như hiện nay.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng, cần nghiên cứu thêm về việc thay đổi biểu giá điện bậc thang. Với biểu giá điện bậc thang, người tiêu dùng muốn giá càng thấp, số điện càng nhiều càng tốt. Khối lượng 50 kwh/tháng chỉ đáp ứng nhu cầu tối thiểu như thắp sáng, quạt mát. Đây là sự hạn chế của biểu giá điện bậc thang, nhất là những bậc thang thấp trong giá điện.
Theo ông Thế Anh, bên cạnh việc thay đổi giá điện bậc thang của ngành điện, người dân cũng nên xem lại cách sử dụng các thiết bị điện. Cùng thiết bị điều hòa ở mức 27 độ C nhưng hoạt động trong môi trường bên ngoài nền nhiệt 30 độ C, khác với nền nhiệt 37-39 độ C.
Ông Thế Anh nói, điện là loại hàng hóa đặc thù, không được khuyến khích tiêu dùng nhiều. Điện được sản xuất từ nhiều nguồn khác nhau như thủy điện, năng lượng mặt trời, nhiệt điện. Mỗi loại điện có giá thành sản xuất khác nhau. Thủy điện chi phí rẻ, nếu có nguồn nước chỉ khoảng 200-300 đồng/kwh nhưng điện mặt trời lên tới 2.000 đồng/kwh. Giá của mỗi bậc phải nghiên cứu cho phù hợp. Hiện nay, chi phí sản xuất điện cần minh bạch. EVN cần cung cấp thông tin chi phí trung bình của các loại điện bao nhiêu.
“Trước đây, EVN hạch toán cả đầu tư ngoài ngành vào giá điện gây ra sự bất bình cho người dân nên hiện nay cần công khai giá điện”, ông Thế Anh nói.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, việc ghi chỉ số công tơ điện cũng chưa thực sự minh bạch, người dân gần như khó kiểm tra. Có 2 vấn đề cần giải quyết ngay là minh bạch giá tiền sản xuất 1 kwh và minh bạch trong ghi số điện hàng tháng của nhà đèn với hộ dân cư bởi hiện nay, đa số dân cư không theo dõi được. Giá điện bậc thang chỉ cần dồn vào tháng sau, nhảy sang bậc thang mới khiến giá điện tăng cao.
“Hiện nay, áp dụng công nghệ 4.0, EVN nên làm cách nào để người dân theo dõi được sản lượng điện tiêu thụ như thông báo qua các app, phần mềm. Như vậy sẽ không bị phản ứng như vừa qua. Nếu làm tốt vấn đề minh bạch, trong tương lai ngành điện sẽ tránh được tiếng xấu, và tránh phản ứng tiêu cực của người dân”, ông Thế Anh kiến nghị.
Minh bạch cách tính
Trao đổi với Tiền Phong, chuyên gia kinh tế độc lập Lê Minh Hoàng cho biết, biểu giá điện bậc thang được ban hành từ năm 2014. Sau một thời gian áp dụng thì nhiều bất cập xuất hiện, nhiều ý kiến yêu cầu sửa chữa. Khi đó, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo 3 miền nhưng sau đó mọi việc lại rơi vào im lặng.
Ông Hoàng cho rằng, không nên chia quá nhiều bậc để tính giá điện. Nhiều nước xung quanh ta cũng chia bậc thang giá điện nhưng rất khác nhau, tùy theo hoàn cảnh mỗi nước. Riêng nước ta, theo ông, nên chia thành 5 bậc, nhưng điều quan trọng là mức giá của mỗi bậc nên cách xa nhau. Điện đang là một mặt hàng độc quyền nhà nước về giá và Nhà nước phải định giá sao cho sát với giá thị trường. Vì định giá cao người tiêu dùng thiệt, định giá thấp ngành điện phải chịu thua lỗ. Để định nghĩa được thế nào là giá thị trường thì cần lấy chi phí cộng với mức lãi hợp lý. Để áp dụng công thức này thì phải có cơ quan chức năng quyết định và đưa ra mức giá hợp lý nhất.
Ông Hoàng đánh giá, Bộ Công Thương đã phần nào thực hiện được việc minh bạch hóa giá điện. Nhưng việc minh bạch trên vẫn chưa đủ, điều quan trọng nhất của các loại giá là cần công khai các đầu vào để tính toán chi phí. Tiếp theo là các yếu tố khác như vật liệu, tiền lương, khấu hao, sửa chữa, dịch vụ mua ngoài, phát triển khách hàng, chi phí bằng tiền khác, lãi vay… là yếu tố mà các đơn vị điện lực có khả năng kiểm soát được. Đây là những chi phí phát sinh từ chủ quan ngành điện, không thể đổ gánh nặng này sang khách hàng, bằng cách tăng giá điện nếu các chi phí này bị tăng lên do yếu kém trong quản lý. Vấn đề nữa là yếu tố năng suất lao động, bởi vì 1kwh điện năng phải gánh chịu quá nhiều chi phí, từ khâu sản xuất đến các khâu trung gian.
Anh Nguyễn Đức Bình (huyện Nhà Bè, TPHCM) cho rằng, người dân sẵn sàng trả giá cao để sử dụng điện. Vấn đề mà người dân cần là ngành điện phải minh bạch. “Đã đến lúc phải công khai mọi vấn đề, nếu Nhà nước còn độc quyền điện thì người dân càng bị thiệt thòi”- anh Bình nói.
Theo anh, ngành điện nên noi gương ngành viễn thông di động. Cả chất lượng và giá cước di động đều được cải thiện rất nhiều sau khi có sự cạnh tranh thị trường. Cụ thể, gần 20 năm trước, VNPT (Mobifone) tính giá cuộc gọi 2.900 đồng/phút thì kêu lỗ, không thể giảm giá. Khi có nhà mạng Viettel, Beeline, Vietnammobile... thì Mobifone giảm cước xuống còn 1.780 đồng/phút mà vẫn có lợi nhuận. Như vậy, cạnh tranh đã giúp cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều hưởng lợi.