Phải thu tiền nên nhiều giáo viên không muốn kiêm nhiệm làm chủ nhiệm lớp

Cơ sở giáo dục nào yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh là chưa thực hiện đúng quy định liên quan.

Thời điểm này các cơ sở giáo dục đã và đang thực hiện phân công chuyên môn cho năm học 2024-2025. Một trong những vấn đề mà lãnh đạo nhà trường thường cân nhắc, chính là việc phân công giáo viên kiêm nhiệm chủ nhiệm lớp.

Giáo viên chủ nhiệm lớp đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển phong trào thi đua, kết quả học tập … của lớp, vì vậy cần có đội ngũ chủ nhiệm lớp có phẩm chất, năng lực.

Chính vì vậy, công tác lựa chọn giáo viên chủ nhiệm trong phân công chuyên môn đầu năm đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định kết quả giáo dục của cả năm học.

Thực tế, khi thực hiện phân công chuyên môn đầu năm, nhiều giáo viên nhận dạy khối nào cũng được, nhưng không muốn kiêm chủ nhiệm lớp.

Vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp quan trọng, nhưng nhiệm vụ nặng nề, có phải định mức giảm tiết dạy công tác chủ nhiệm lớp 4 tiết/tuần chưa tương xứng, nên giáo viên ngại làm chủ nhiệm lớp?

Một giáo viên có nhiều năm làm giáo viên chủ nhiệm chia sẻ: “Tôi thấy có nhiều giáo viên rất ngại khi phải thu tiền học sinh lớp mình làm chủ nhiệm, nên không thích kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm lớp.

Trong một lớp học đâu phải học sinh nào cũng có điều kiện kinh tế, có học sinh đóng tiền nhanh, cũng có học sinh đóng tiền chậm, giáo viên chủ nhiệm muốn thu đúng hạn quy định của nhà trường thì phải nhắc nhở học sinh nộp, bản thân giáo viên sẽ cảm thấy không thoải mái.

Phải thu tiền học sinh, nhắc nhở học sinh đóng tiền, giáo viên chủ nhiệm sẽ có cảm giác mất đi điều thiêng liêng nhất của người thầy, mất đi hình ảnh đẹp nhất của người thầy, lo lắng để lại ký ức xấu xí về mình cho học trò, giáo viên chủ nhiệm như người đòi nợ.

Trong lúc đó, muốn quản lý lớp tốt, giáo viên chủ nhiệm phải thân thiện, yêu thương học sinh, nên tốt nhất là đừng để giáo viên chủ nhiệm phải dính đến chuyện tiền bạc với học sinh. Làm sao để giáo viên chủ nhiệm không phải thu tiền.

Biết làm giáo viên chủ nhiệm lớp sẽ vất vả hơn nhưng tôi vẫn thích làm chủ nhiệm lớp, nếu không phải thu tiền học sinh lại càng vui vẻ hơn”.

 Một lớp học Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng. Ảnh Sơn Quang Huyến

Một lớp học Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng. Ảnh Sơn Quang Huyến

Cô giáo Nguyễn Thị Hoa, Trường Trung học cơ sở Bưng Riềng (Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: "Nhiều giáo vên chia sẻ không muốn kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm không phải vì vất vả mà vì phải thu tiền đóng góp của học sinh lớp mình phụ trách.

Thực tế, làm chủ nhiệm rất vất vả, nhưng cũng có nhiều niềm vui mà giáo viên bộ môn không có được. Vì vậy, theo tôi để mối quan hệ giáo viên chủ nhiệm với học sinh vui vẻ, trong sáng, vô tư, không nên giao giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh.

Ở trường tôi, tất cả các khoản đóng góp đều do bộ phận tài chính thu. Vì thế, giáo viên viên chủ nhiệm không còn phải lo mình trở thành … người đòi nợ học sinh.

Giáo viên chủ nhiệm chúng tôi chỉ phải thông báo các khoản thu, số tiền mỗi khoản, nơi đóng cho học sinh, hay cho phụ huynh trong cuộc họp phụ huynh đầu năm.

Chúng tôi thường in thông báo của nhà trường dán ở lớp, thông báo trên nhóm Zalo hay mạng xã hội khác của phụ huynh và giáo viên chủ nhiệm. Các thông tin công khai nên học sinh và phụ huynh nắm rõ các khoản phải đóng góp trong năm học.

Thực tế, giáo viên chủ nhiệm trường tôi cũng thỉnh thoảng có thu hộ, nhận hộ tiền của phụ huynh khi họ đến trường không gặp được bộ phận tài vụ; hay nhận tiền và nộp giúp học sinh do phụ huynh gửi nhờ nộp.

Làm chủ nhiệm lớp thực tế phải làm thêm nhiều việc và có những việc không tên, nhưng chỉ giảm định mức 4 tiết/tuần nên khó động việc được thầy cô.

Nếu được đề xuất, tôi đề nghị cấp phụ cấp cho giáo viên chủ nhiệm hay giảm thêm định mức tiết dạy cho thầy cô 5 tiết/tuần là phù hợp thực tế hơn”.

Sợ phải thu tiền của học sinh là nguyên nhân làm cho giáo viên không muốn kiêm nhiệm giáo viên chủ nhiệm là câu trả lời của rất nhiều giáo viên khác chia sẻ với người viết.

Vậy, giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ phải thu tiền học sinh không?

Theo Thông tư liên tịch số 14-LB/TT của Bộ Giáo dục và Bộ Tài chính quy định về trách nhiệm thu tiền tại các trường học như sau:

Căn cứ quyết định của tỉnh, các trường học trực tiếp thu thông qua hệ thống kế toán tài vụ của trường (trường hợp không có cán bộ kế toán tài vụ thì hiệu trưởng chỉ định bộ phận riêng để tổ chức thu). [1]

Tại Điều 4 Thông tư Số: 03/VBHN-BGDĐT, nhiệm vụ của giáo viên làm chủ nhiệm lớp cũng không hề có nội dung giáo viên chủ nhiệm lớp phải thu tiền học sinh lớp mình làm chủ nhiệm.[2]

Như vậy, cơ sở giáo dục nào yêu cầu giáo viên chủ nhiệm thu tiền học sinh là chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay việc thanh toán online đã phát triển, nhà trường nên tiến hành thu các khoản đóng góp của học sinh qua tài khoản; thu tiền qua tài khoản cũng giúp minh bạch, khách quan và thực hiện tốt chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thue-Phi-Le-Phi/Thong-tu-lien-tich-14-LB-TT-huong-dan-thu-chi-hoc-phi-giao-duc-pho-thong-42561.aspx

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Giao-duc/Van-ban-hop-nhat-03-VBHN-BGDDT-2017-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-pho-thong-355032.aspx

Sơn Quang Huyến

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/phai-thu-tien-nen-nhieu-giao-vien-khong-muon-kiem-nhiem-lam-chu-nhiem-lop-post244582.gd