Phải thực hiện ngay, đừng chần chừ nữa!

Đã đến lúc cần mạnh tay và quyết liệt xử phạt người nuôi chó, mèo thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cũng như môi trường sống cho cộng đồng

Bạn đọc Lưu Đình Long:

Đừng làm phiền người khác!

Chó, mèo là động vật gần gũi với con người, từ thành thị đến thôn quê. Nuôi chó để giữ nhà, nuôi mèo để bắt chuột. Với nhiều người khác, chó, mèo cũng là một thành viên trong gia đình…

Trước hết phải khẳng định nuôi chó, mèo là quyền tự do của cá nhân, cần được tôn trọng. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những hệ lụy phát sinh từ việc này: tiếng ồn, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh...

Người nuôi chó, mèo có thể vì yêu thương hoặc rất nhiều lý do cá nhân nhưng trong đời sống cộng đồng, việc làm của mỗi người đều ảnh hưởng ít nhiều đến người khác. Không ai cấm nuôi chó, mèo nhưng cũng đừng khiến việc này trở thành lý do khiến xóm giềng xích mích, người xung quanh phải chịu đựng. Có trách nhiệm với việc làm, nhu cầu của cá nhân chính là cách sống văn minh trong một xã hội thượng tôn pháp luật, trong đó có việc nuôi chó, mèo trong cộng đồng.

Việc Sở NN-PTNT TP HCM đề xuất những quy định để quản lý chó, mèo tại cộng đồng là cần thiết, đặc biệt là quy định chủ vật nuôi phải đăng ký việc nuôi chó, mèo.

Về phía địa phương, khi người nuôi đăng ký cũng cần có giám sát việc thực hiện, lắng nghe phản ánh của người dân xung quanh (qua đường dây nóng, các group mạng xã hội hoặc email), từ đó điều chỉnh kịp thời để hoạt động nuôi chó, mèo không gây ra các hệ lụy đáng tiếc, mất an ninh trật tự tại địa phương.

Con chó nhà 7 tuổi bị nhốt ở hành lang suốt 3 năm nay vì hay cắn ngươìẢnh: Lê Thạch

Con chó nhà 7 tuổi bị nhốt ở hành lang suốt 3 năm nay vì hay cắn ngươìẢnh: Lê Thạch

Bạn đọc Chung Nghi:

Quy định rõ ràng, xử lý quyết liệt

Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến ngày 24-3, cả nước xảy ra 26 ca tử vong trên người do bệnh dại ở 15 tỉnh, thành phố (tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023 có 12 ca). Còn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, trong 2 tháng đầu năm 2024 có 5.296 lượt tiêm ngừa dại, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái có 4.221 lượt. Số ca mắc bệnh dại được chuyển đến điều trị tại bệnh viện trong 2 tháng đầu năm 2024 là 7 ca, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái (2 ca).

Ở một số nước, quy định về quản lý chó, mèo rất chặt chẽ, như: số lượng chó, mèo được nuôi, giống chó được nuôi; người nuôi phải mua bảo hiểm phòng trường hợp vật nuôi làm bị thương người hoặc làm hư hỏng tài sản; đặt cọc một khoản tiền với cơ quan chức năng và khoản này sẽ bị sung công quỹ nếu vi phạm các quy định hoặc để mất chó; chó dữ cắn người có thể bị tòa ra lệnh tiêu hủy…

Ở Anh, hành vi thả rông chó nguy hiểm, kể cả khu vực thuộc sở hữu tư nhân, bị phạt tiền không giới hạn và ngồi tù 6 tháng; chó gây thương tích cho người khác, chủ nuôi cũng có thể ngồi tù tối đa 5 năm, bị phạt tiền…

Tôi đồng tình với đề xuất của Sở NN-PTNT TP HCM. Tuy nhiên, theo tôi cần có thêm quy định về số lượng chó, mèo được nuôi theo diện tích căn hộ của chủ sở hữu; thú cưng ở chung cư, những khu vực đông dân cư bắt buộc gắn chip để kiểm tra dịch tễ, tiêm phòng, tránh lây nhiễm dịch bệnh sang người; quy định về vệ sinh, an toàn…

Các quy định đặt ra phải rõ ràng, tạo điều kiện cho cơ quan thẩm quyền xử phạt; đồng thời chế tài phải đủ sức răn đe. Việc triển khai thực hiện cần có lộ trình, tránh gây phiền hà cho người dân.

Đã đến lúc cần mạnh tay và quyết liệt xử phạt người nuôi chó, mèo (hay những vật nuôi khác) thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn cũng như môi trường sống cho cộng đồng. Đừng chần chừ vì bây giờ ban hành và thực hiện cũng đã là muộn so với nhiều nước trên thế giới.

Nỗi lòng người nuôi chó

Câu chuyện nuôi chó ở các thành phố, khu dân cư không còn xa lạ, nhiều tranh cãi, thậm chí bức xúc nhưng với người đang nuôi cũng rơi vào thế khó xử.

Tôi nuôi một con chó giống Phú Quốc đã 7 năm và nó đã cắn 8 người. Dù chó được tiêm ngừa định kỳ theo yêu cầu của thú y nhưng mỗi lần nó cắn người thì phải lo chi phí tiêm ngừa dại.

Nhận nuôi từ khi nó chưa biết đi; với người nhà, nó khá ngoan nhưng cứ gặp người ngoài là cắn. Người quen vào nhà chơi, không kiểm soát được là nó vồ cắn, có khi nó bứt dây chạy ra cắn khách. Có lúc rất giận, chúng tôi muốn bán hoặc cho nó ăn bả rồi mang đi thiêu nhưng vì thương nên không đành lòng.

Hơn 3 năm nay, tôi nhốt chó ở hành lang, không gian tạm ổn để nó có thể đi lại thoải mái. Có điều không thể cứ nhốt mãi, còn xử lý nó ra sao, thật sự tôi cũng chưa biết cách. Tôi từng liên lạc với các trung tâm huấn luyện chó để tặng nhưng họ không nhận.

Bạn tôi làm nghề cơ khí, sắt thép để bên ngoài nên anh nuôi 2 con chó để giữ tài sản. Sợ nó cắn người, anh xích lại nhưng càng xích, chó lại càng hung dữ, nó lớn lên thì dây xích không cản được, có lần nó bứt dây xông vào những đứa trẻ. Theo bạn tôi, không nuôi chó thì bị mất trộm mà nuôi thì cứ lo lắng không yên.

Một người bạn khác nuôi một con chó cảnh dòng Shiba khá hiền lành, hay đùa giỡn với con chị. Một lần vì bất cẩn, cháu đạp phải đuôi nó nên bị cắn vào vùng mặt. Tức giận vì con bị chó cắn, tốn kém chi phí, thời gian đi lại để tiêm ngừa nhưng cũng như tôi, chị trăn trở mãi vì "lỡ nuôi rồi, thương rồi nên không biết phải làm sao".

Bạn đọc Lê Thạch

Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phai-thuc-hien-ngay-dung-chan-chu-nua-19624040220370472.htm