Phải tổ chức bộ máy chuyên trách về công tác truyền thông

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: 'Các cấp chính quyền phải cấp ngân sách thường xuyên để thực hiện công tác truyền thông. Ngân sách đó được dùng để đặt hàng cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo chí của chính đơn vị mình'.

Ngày 21/11, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cùng đoàn công tác của Bộ TT&TT đã đến thăm và làm việc với Ban Biên tập, cán bộ và phóng viên báo Tiền Phong nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày xuất bản số báo Tiền Phong đầu tiên (16/11/1953-16/11/2023).

Các cấp chính quyền phải cấp ngân sách thường xuyên để thực hiện công tác truyền thông

Chia sẻ tại buổi làm việc, Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn cho biết, cơ quan này phát triển bền vững, cân đối thu chi tốt trong những năm vừa qua, ngay cả thời kỳ đại dịch Covid-19 bùng phát. Thu nhập của cán bộ, phóng viên báo không cao, nhưng ổn định và tăng dần qua các năm.

“Báo Tiền Phong có 5-6 khoản thu chính, lĩnh vực quảng cáo thì báo điện tử ngày càng đóng góp nhiều hơn; tổ chức sự kiện có nguồn thu rất tốt; bên cạnh đó còn có các nguồn thu từ đặt hàng của các cơ quan Nhà nước…”, Tổng Biên tập báo Tiền phong chia sẻ.

 Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi thăm và làm việc với báo Tiền Phong. Ảnh: Anh Dũng

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại buổi thăm và làm việc với báo Tiền Phong. Ảnh: Anh Dũng

Trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội trong những năm qua, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cũng có những lo ngại doanh thu quảng cáo của báo chí đang ngày bị thu hẹp. Do vậy, ông Lê Xuân Sơn đề nghị Bộ trưởng chỉ ra những giải pháp để các cơ quan báo chí vượt qua được những khó khăn trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt trong đó là cơ chế đặt hàng của các cơ quan quản lý Nhà nước.

Giải đáp những băn khoăn trên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trước đây, 100% nguồn thu của cơ quan báo chí từ ngân sách. Nhưng khi cơ chế thị trường thì xuất hiện trào lưu báo chí thoát ly nguồn ngân sách, sống theo cơ chế thị trường để có nhiều quyền tự chủ hơn và có thể có nguồn thu lớn từ quảng cáo.

Tuy nhiên, khi truyền thông xã hội, mạng xã hội phát triển đã lấy mất 70% nguồn thu của báo chí. Lúc đó, cơ quan báo chí mới nghĩ đến việc có thể sống hoàn toàn theo cơ chế thị trường được không.

“Báo chí cách mạng mà 100% nguồn thu từ thị trường thì rất dễ trở thành báo thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và cho biết, trong luật đã quy định rất cụ thể đơn vị chủ quản cũng có trách nhiệm tạo điều kiện để cho cơ quan báo chí hoạt động.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhớ lại, khi lên làm Bộ trưởng, ông nhận ra “hình như có sự hiểu nhầm ở đâu đấy” về vấn đề truyền thông của các cơ quan quản lý Nhà nước. Sau đó, ông làm việc với các cơ quan báo chí, đơn vị quản lý báo chí của Bộ TT&TT và xin ý kiến Chính phủ để ra chỉ thị về truyền thông chính sách. Trong đó, đề cập đến việc truyền thông là chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các cấp chính quyền; phải tổ chức bộ máy chuyên trách về công tác truyền thông.

“Các cấp chính quyền phải cấp ngân sách thường xuyên để thực hiện công tác truyền thông. Ngân sách đó được dùng để đặt hàng cơ quan báo chí, trong đó có cơ quan báo chí của chính đơn vị mình, nhưng không có nghĩa chỉ dành cho đơn vị mình”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

 Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng các cấp chính quyền phải cấp ngân sách thường xuyên để thực hiện công tác truyền thông. Ảnh: Anh Dũng

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng các cấp chính quyền phải cấp ngân sách thường xuyên để thực hiện công tác truyền thông. Ảnh: Anh Dũng

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, hiện nay xảy ra 2 nhánh khá cực đoan. Một là, với cơ quan báo chí lớn thì tự chủ hoàn toàn, hoạt động theo cơ chế thị trường. Nhánh thứ 2 đó là các cơ quan phụ thuộc gần như toàn bộ vào "bầu sữa mẹ".

“Hai nhánh đó đi khá ngược nhau. Do vậy, Bộ TT&TT có chủ trương, các cơ quan báo ảnh hưởng lớn đến xã hội nhưng đang tự chủ tài chính vẫn phải nhận được một phần đặt hàng của cơ quan Nhà nước từ khoảng 10-30%. Một số cơ quan báo chí, ít nhất cũng phải 30% thu được từ thị trường thì họ mới hiểu được đối tượng truyền thông của mình”, Bộ trưởng cho biết.

Tuy nhiên, khi báo chí thực hiện đặt hàng thì gặp khó khăn do liên quan đến 3 thông tư đã được Bộ TT&TT ban hành về định mức kinh tế kỹ thuật. Do vậy, Bộ TT&TT đã họp nhiều lần và tìm ra hướng để các cơ quan báo chí dựa vào đó đưa ra được định mức kinh tế kỹ thuật.

Báo chí cần biết được mình đang đứng ở đâu trong quá trình chuyển đổi số

Theo người đứng đầu Bộ TT&TT, chuyển đổi số là câu chuyện sống còn của cơ quan báo chí. “Trước đây mình làm báo thì vũ khí chính là trang giấy và ngòi bút, bây giờ là công nghệ. Chúng ta hiện nay đang đi sau, thua thiệt các nền tảng xã hội chủ yếu là về công nghệ chứ không phải nội dung”, ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

 Cán bộ báo Tiền Phong chia sẻ những điều còn trăn trở trong quá trình làm báo với Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Anh Dũng

Cán bộ báo Tiền Phong chia sẻ những điều còn trăn trở trong quá trình làm báo với Bộ trưởng Bộ TT&TT. Ảnh: Anh Dũng

Do vậy, mục tiêu chiến lược đầu tiên của Bộ TT&TT cho báo chí là về chuyển đổi số. Trong đó chỉ ra định hướng, đường đi cho cơ quan báo chí trong quá trình chuyển đổi số. Sau đó, Bộ TT&TT cũng ban hành bộ chỉ số để đo lường 'mức độ trưởng thành' trong chuyển đổi số của cơ quan báo chí. Dựa vào công cụ đó, các cơ quan báo chí biết được mình đang đứng ở đâu trong quá trình chuyển đổi số.

"Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng thành lập Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí. Trong quá chuyển đổi số nếu gặp khó khăn gì, các cơ quan báo chí có thể liên hệ nhờ trung tâm hỗ trợ", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.

Về câu chuyện được Tổng Biên tập Báo Tiền phong nêu ra, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, nếu các tờ báo cứ loay hoay chuyện làm báo nhưng không có người làm công nghệ thì sẽ có vấn đề. Do vậy, các cơ quan báo chí rất cần người làm công tác chuyên môn về công nghệ.

Tuy nhiên, cũng không nên giao khoán hoàn toàn sản phẩm báo chí cho người làm công nghệ. “Để có một sản phẩm báo chí xuất sắc thì 70% công sức của người làm nội dung, 30% công sức còn lại là của người làm công nghệ”, Bộ trưởng nói.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị Ban Biên tập báo Tiền Phong, trong quá trình hoạt động, phát triển của báo nếu gặp bất kỳ vướng mắc gì có thể nghĩ đến Bộ TT&TT là ‘ngôi nhà đầu tiên’ để trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn.

Lê Tâm

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-to-chuc-bo-may-chuyen-trach-ve-cong-tac-truyen-thong-post273387.html