Phải tội với đời
Năm tôi hơn mười tuổi, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh thì lại gặp cảnh thiên tai, mất mùa. Cuộc sống rất khó khăn, nhiều miền quê lâm vào cảnh thiếu đói. Quê tôi tuy không khá giả, nhưng còn tạm đủ ăn.
Tháng ba giáp hạt, ngày nào cũng có từng đoàn người già, phụ nữ, trẻ em lếch thếch đến từng nhà trong làng để xin ăn. Hầu như các gia đình trong làng ai cũng giúp đỡ họ nắm gạo, củ khoai, bắp ngô…nhà nào có điều kiện thì cho vài xu.
Một hôm, khoảng gần trưa tôi đi chăn trâu ở bờ đê thấy bốn mẹ con một người phụ nữ tuổi trung niên ăn mặc rách rưới. Người phụ nữ tay bế con nhỏ, vai đeo chiếc bị cói đi sau có một trẻ em trai, một trẻ em gái khoảng 9-10 tuổi. Vai hai bạn trẻ mỗi người khoác một túi bằng bao tải cũ, bên trong không biết có thứ gì nhưng xem ra rất nặng. Đến triền đê bốn mẹ con người phụ nữ ngồi nghỉ, người mẹ bảo hai người con lớn mở hai chiếc túi. Người mẹ lần lượt đổ những thứ đựng trong túi ra vạt cỏ.
Tôi nhìn thấy toàn là củ khoai lang, nhưng thật kỳ lạ người mẹ chỉ chọn lấy ba bốn củ thôi. Số khoai còn lại bà vứt hết xuống rãnh nước gần đó.
Khi bốn mẹ con người xin ăn đi khỏi, tôi vì tò mò đến tận nơi để xem những củ khoai họ vứt đi như thế nào. Đến nơi thấy một đống khoai lang, lần lượt cầm từng củ lên xem…tôi phát hiện toàn bộ số khoai này đều bị hà (châm hương) không thể ăn được.
Bữa cơm tối hôm đó, tôi kể lại chuyện người ăn xin vứt khoai xin được đi. Thầy tôi bảo “khoai đã bị hà nấu cám lợn, lợn đói mấy cũng bỏ ăn huống chi là người. Nhà nào mà ác thế…”.
Thầy tôi chậm rãi “sông có khúc, người có lúc vì hoàn thiên tai, mất mùa…người ta mới phải đi xin ăn. Khổ lắm chứ…nếu có thì cho, có ít thì cho ít, không có thì thôi. Đừng cho người nghèo khổ những thứ không ăn được, không dùng được, phải tội đấy”.
Nhà tôi chẳng khá giả gì, Thầy U tôi cũng phải chạy ăn từng bữa trong mùa giáp hạt. Nhưng nếu có người đến xin ăn, Thầy U tôi đều sẵn lòng giúp đỡ họ nắm gạo, củ khoai…những thứ mà mình phải ăn được thì mới cho người ta.
Lớn lên đi nhiều vùng miền, trải qua nhiều lĩnh vực công tác gặp nhiều người nghèo khó, người tàn tật…cảm thông giúp đỡ họ vài ngàn hoặc vài chục ngàn với tôi là chuyện bình thường như bao người khác. Nhưng dù cho ít hay cho nhiều cũng nhẹ nhàng đưa tận tay. Không ném hoặc vứt vài đồng bạc xuống chỗ ngồi, chỗ đứng của người nghèo khó…như kiểu “Bố thí” thì cho thế nào cũng được.
Người nghèo khó do thiên tai mất mùa, bệnh tật…bất đắc dĩ họ mới phải đi hành khất tìm sự giúp đỡ của cộng đồng để nuôi sống bản thân và con nhỏ, phải chịu tiếng là ăn xin, ăn mày…họ cực khổ lắm chứ.
Người Việt có truyền thống lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no, của ít lòng nhiều…
Ủng hộ giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn là đức tính, một nét đẹp văn hóa…Nhưng nếu ta đem cho người khác những thứ không ăn được, không dùng được là “Phải tội với đời” phải không các bác.
Hải Dương 23/3/24
Chuyện làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/phai-toi-voi-doi-a23916.html