Phải trả lại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà
Sau 2 năm tiến hành thanh tra, Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa chính thức công bố kết luận những sai phạm nghiêm trọng về quản lý, sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà (TP Đà Nẵng).
Năm 1977, từ Quyết định 41-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, bán đảo Sơn Trà được bảo vệ theo chế độ rừng cấm với các quy định rất nghiêm ngặt, áp dụng cho toàn bộ bán đảo và vùng xung quanh chân núi kéo dài ra 500m, tổng diện tích là 4.439ha. Bán đảo Sơn Trà vào thời điểm ấy cũng là địa điểm có nhiều công trình quân sự.
Từ đề xuất của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào năm 1987, đến năm 1992, Bộ Lâm nghiệp công nhận Sơn Trà là khu bảo tồn thiên nhiên với diện tích bán đảo 4.400ha. Nhờ là rừng cấm nên khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có hệ đa dạng sinh học vào loại bậc nhất cả nước. Trong đó có loài voọc chà vá chân nâu được mệnh danh là “nữ hoàng linh trưởng”.
Song, trong giai đoạn 2003-2013, thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, TP Đà Nẵng đã phê duyệt, chấp thuận giao 18 dự án phát triển du lịch, nghỉ dưỡng trên bán đảo Sơn Trà với tổng diện tích 1.222,5ha, quy mô lưu trú 1.920 biệt thự, 24 bungalow và 306 buồng khách sạn (quy đổi tương đương khoảng 5.600 buồng phòng khách sạn).
Quá trình thanh tra 18 dự án của TTCP cho thấy có 4 dự án TP Đà Nẵng quyết định giao đất, cho thuê đất trước thời điểm Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực; 8 dự án sau khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực; 6 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất (trong đó 2 dự án đã xác định, thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất). Chưa kể, tại thời điểm thanh tra xác định, UBND TP Đà Nẵng chưa phê duyệt quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà.... Những sai phạm của nhiều tổ chức, cá nhân liên quan đến đất đai tại bán đảo Sơn Trà diễn ra trong một thời gian dài đã tác động tiêu cực đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, nhưng các cơ quan đảm nhiệm công tác thanh tra, kiểm tra ở địa phương đã không phát hiện và ngăn cản.
Thời gian qua, khi chứng kiến nhiều dự án lớn đã và đang triển khai trên bán đảo Sơn Trà, trong đó có khu nghỉ dưỡng nổi tiếng thế giới InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula - nơi diễn ra hội nghị các nhà lãnh đạo cấp cao APEC 2017, thì người dân nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, thậm chí là trái ngược.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc UBND TP Đà Nẵng giao đất cho các dự án vào xây dựng tại bán đảo Sơn Trà là xâm hại nghiêm trọng đến khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà - một lá phổi xanh giữa lòng thành phố. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, dựa vào vị trí độc đáo của Sơn Trà để phát triển kinh tế là việc cần thiết nhưng cần phải quy hoạch bài bản để không xâm hại đến khu bảo tồn, nhất là làm ảnh hưởng đến các loài quý hiếm nơi đây…
Nếu nhìn ở góc độ bảo tồn và phát triển mà các nước tiên tiến trên thế giới ứng xử với các khu bảo tồn thiên nhiên, có thể thấy rằng, việc “phát triển” dựa vào các khu bảo tồn thiên nhiên là cần thiết nhưng phải đặt yếu tố “bảo tồn” lên hàng đầu.
Việc “phát triển” phải là phát triển bền vững, gắn liền kinh tế với bảo tồn và chỉ thực sự hưởng lợi những giá trị kinh tế khi và chỉ khi việc bảo tồn được thực hiện ở mức cao nhất. Hay nói cách khác, phải dựa vào thiên nhiên, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ rừng để phát triển chứ không thể phá rừng xây resort để đổi lấy sự phát triển một cách thiển cận.
Vì vậy, cách duy nhất để phát triển bền vững theo đúng nghĩa, lãnh đạo TP Đà Nẵng nói riêng và nhân dân thành phố nói chung phải bảo tồn và phát huy những giá trị về thiên nhiên, văn hóa, lịch sử của bán đảo Sơn Trà ở mức cao nhất để dựa vào đó hưởng lợi lâu dài. Cách phát triển này được xác định là bước đi khó, bền bỉ, cần có tâm huyết, sự kiên trì mới có thể làm được, chứ không thể là phát triển nóng mang tính chụp giật như vừa qua.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phai-tra-lai-khu-bao-ton-thien-nhien-son-tra-623476.html