Phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump về Ukraine từ chức

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Donald Trump Kurt Volker từ chức sau khi bị nêu tên trong đơn tố giác về cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và Ukraine.

Volker thông báo cho Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo về quyết định từ chức vào ngày 27/9, một quan chức của Đại học bang Arizona, nơi Volker đang làm giám đốc điều hành một viện nghiên cứu, cho biết.

Đặc phái viên đã nói chuyện với luật sư riêng của ông Trump, Rudy Giuliani để cố gắng "hạn chế thiệt hại" từ những nỗ lực của ông nhằm ép Ukraine điều tra Joe Biden, theo đơn tố giác từ một người trong cộng đồng tình báo. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện muốn Volker ra điều trần vào ngày 3/10 trong cuộc điều tra về cáo buộc hành vi sai trái của Trump.

Kurt Volker tại Kiev năm 2017. Ảnh: Reuters.

Kurt Volker tại Kiev năm 2017. Ảnh: Reuters.

Volker giữ chức đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Ukraine từ năm 2017. Ông đã tìm cách giúp chính phủ Ukraine giải quyết cuộc đối đầu với phe ly khai thân Nga.

Hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Trump ngày 24/9, sau khi người tố giác đệ đơn hồi tháng 8, bày tỏ lo ngại về việc Trump thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra cựu phó tổng thống Joe Biden và con trai ông, Hunter, trong cuộc điện đàm ngày 25/7.

Hunter từng làm việc trong hội đồng quản trị công ty năng lượng Ukraine Burisma. Trump và các đồng minh nghi ngờ Joe Biden đã sử dụng quyền lực và quan hệ với Kiev vào năm 2016 để giúp Burisma né cuộc điều tra hình sự của tổng công tố viên Viktor Shokin.

Joe Biden và các lãnh đạo phương Tây khác từng gây áp lực thúc giục Ukraine loại bỏ Shokin vì ông được cho là không đủ cứng rắn đối với nạn tham nhũng. Shokin bị sa thải vào tháng 3/2016, sau chưa đầy 14 tháng giữ vị trí.

Cuộc điện đàm với Zelenskiy diễn ra sau khi Trump ra lệnh đóng băng gần 400 triệu USD viện trợ Mỹ cho Ukraine. Mặc dù ông Trump giải thích động thái này là nhằm thúc giục nước châu Âu hỗ trợ Kiev, nhiều người đánh giá ông có động cơ chính trị, muốn gây sức ép để Zelenskiy phải điều tra Biden.

Joe Biden là đối thủ đáng gờm với Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Luật Mỹ quy định các chiến dịch chính trị không được chấp nhận "điều có giá trị" từ chính phủ nước ngoài. Các nghị sĩ đảng Dân chủ cho rằng việc Trump thúc giục chính quyền nước khác điều tra đối thủ trong cuộc bầu cử là hành vi vi phạm quy tắc này.

Một ngày sau khi hạ viện Mỹ mở cuộc điều tra luận tội Trump, Nhà Trắng tung ra bản ghi chép nội dung cuộc điện đàm, cho thấy Trump đúng là đã gợi ý Tổng thống Ukraine điều tra bố con Biden vì có những đồn đoán họ liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên, bản ghi chép này cho thấy Trump không đặt điều kiện với Zelensky hay hứa hẹn bất cứ lợi ích gì nếu Ukraine điều tra Biden.

Nguồn VNE (Theo Reuters)

Nguồn Tây Ninh: http://baotayninh.vn/phai-vien-cua-tong-thong-my-donald-trump-ve-ukraine-tu-chuc-a114737.html