Phái viên Tổng thống Mỹ đánh giá cao kinh nghiệm kiểm soát vũ khí của Việt Nam
Ông Marshall Billingslea đánh giá cao kinh nghiệm của Việt Nam trong kiểm soát vũ khí và cho biết các bên đang làm việc hướng tới đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.
Chia sẻ trong cuộc họp báo qua điện thoại chiều 1/10, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí Marshall Billingslea đánh giá cao chuyến thăm Việt Nam và khẳng định Mỹ sẽ tích cực trao đổi với các đối tác và đồng minh để giải quyết vấn đề kiểm soát vũ khí, đảm bảo an ninh và ổn định khu vực.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về những chương trình với Việt Nam, ông Billingslea cho biết các bên đã tập trung vào vấn đề kiểm soát vũ khí. “Chính phủ Việt Nam có một sự nghiệp lâu dài và nổi bật liên quan đến lĩnh vực không phổ biến vũ khí hạt nhân và giải giáp”, và Mỹ trân trọng những lời khuyên của Việt Nam về việc sử dụng các cơ chế đa phương để giải quyết vấn đề.
Ông Billingslea cũng khâm phục nỗ lực của Việt Nam trong việc tổ chức cuộc gặp mặt trực tiếp trong bối cảnh đại dịch COVID-19. “Việt Nam đã làm rất tốt trong nỗ lực chống lại đại dịch”, và chuyến đi cũng thể hiện Mỹ coi trọng mối quan hệ 25 năm giữa hai nước như thế nào, trong đó có hợp tác an ninh, ông nói.
Mỹ muốn Trung Quốc đàm phán về kiểm soát vũ khí hạt nhân
Chia sẻ trong cuộc họp báo, Đại sứ Billingslea tiếp tục nhấn mạnh các mối đe dọa mà Mỹ cho rằng đến từ quá trình tăng cường vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.Thế giới đang phải đối mặt với những thách thức về vũ khí hạt nhân và một số quốc gia tăng cường hành động bắt nạt, ông nói.
“Trong trường hợp của Trung Quốc, người ta thấy một quốc gia sẵn sàng tự do vẽ lại các ranh giới và biên giới, thách thức những nguyên tắc pháp lý quốc tế lâu đời như tự do hàng hải”, phớt lờ những cam kết “như là lời hứa năm 2015 ở vườn Hồng Nhà Trắng” về việc không quân sự hóa ở Trường Sa, hay cam kết về Hong Kong, xung đột với Ấn Độ.
Theo ông Billingslea, Trung Quốc, khác với Mỹ và Nga bị hạn chế bởi các hiệp ước quốc tế về kiểm soát vũ khí hạt nhân, không bị hạn chế và tự do phát triển những vũ khí này trong 3 thập kỷ qua. Ông cũng cho biết Mỹ và Nga đang có những thảo luận thiện chí về vấn đề này, song Trung Quốc từ chối tham gia vì đại dịch COVID-19.
Mỹ sẽ tiếp tục đối thoại với các đối tác châu Á
“Hoa Kỳ sẽ tiếp tục mong chờ những tham vấn và đối thoại với những người bạn và đồng minh, các nước khác ở Châu Á về việc làm thế nào chúng ta có thể duy trì hòa bình và an ninh ở châu Á và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, ông Billingslea chia sẻ.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm thứ Hai cho biết Hàn Quốc và Mỹ đã nhất trí tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao về kiểm soát vũ khí tại Washington. Trong một cuộc phỏng vấn trước chuyến đi với Hãng thông tấn Yonhap, Billingslea cho biết mục đích chuyến thăm của ông là để thảo luận về "việc Trung Quốc nhanh chóng phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo và tên lửa thông thường". Đặc phái viên cũng cho biết ông sẽ chia sẻ “thông tin tình báo bổ sung để chia sẻ với đồng minh của chúng tôi về các chương trình của Trung Quốc.”
Tại Nhật Bản, theo Bộ Ngoại giao Nhật, trong thời gian lưu lại, Đại sứ Mỹ sẽ trao đổi quan điểm với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cấp cao và các quan chức chính phủ Nhật Bản khác về các vấn đề chính liên quan đến kiểm soát vũ khí và giải trừ quân bị, hy vọng tăng cường hợp tác song phương.
Cùng thời điểm chuyến thăm của ông Billingslea, Bộ ngoại giao Mỹ cũng đăng tuyên bố chung Mỹ - Nhật nhân dịp kỷ niệm Quan hệ Đối tác Năng lượng Chiến lược Nhật Bản - Hoa Kỳ (JUSEP).
Trước chuyến đi của ông Billingslea đến châu Á, có nhiều đồn đoán rằng chuyến đi đóng vai trò trong việc Mỹ thúc đẩy triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á, đứng trước việc tăng cường xây dựng kho vũ khí của Trung Quốc. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper năm 2019 cũng nói Mỹ muốn triển khai các tên lửa mặt đất thông thường sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân tầm trung ký năm 1988 với Liên Xô.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề này hôm 1/10, ông Billingslea nhấn mạnh Mỹ sẽ không để Trung Quốc đe dọa Mỹ hay các đối tác và đồng minh, cam kết làm việc cùng các nước để đạt được điều này.