Phải xếp hàng mới mua được tiêm kích tàng hình F-35 Mỹ
Các khách hàng mua F-35 từ của Lockheed Martin đang phải xếp hàng để nhận máy bay mới dù hàng xuất xưởng đều và tăng lên theo từng ngày.
Theo Giám đốc tài chính của Lockheed Martin Jay Malave, có tới 120 chiếc F-35 có thể "không được giao" vào năm 2024 do sự chậm trễ trong quá trình nâng cấp TR-3 - gói phần mềm mới nhất dành cho tiêm kích tàng hình thế thứ 5 này.
Cũng theo Jay Malave, quá trình bàn giao F-35 cho các khách hàng có thể phải trì hoãn đến tận quý III/2024 và mọi người phải xếp hàng để đợi đến lượt của mình.
Tính đến đầu năm 2024, Lockheed Martin đã cung cấp từ 75 đến 110 chiếc F-35 cho các đối tác của tập đoàn này. Tuy nhiên con số này thấp hơn 150 chiếc so với kế hoạch của Lockheed Martin.
Tháng 9 năm ngoái, Lockheed Martin tuyên bố sẽ giao 97 máy bay vào năm 2023, tất cả đều ở cấu hình TR-2 và công ty này vẫn tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung các bộ phận cần thiết cho quá trình lắp ráp máy bay.
Mọi việc vẫn suôn sẻ cho đến khi Lockheed Martin đưa ra gói nâng cấp TR-3 cho F-35 và đồng thời khiến việc chuyển giao máy bay mới bị gián đoạn.
TR-3 là bản cập nhật lớn cho phần cứng và phần mềm của máy bay F-35, với những cải tiến về màn hình buồng lái, bộ nhớ máy tính bổ sung và sức mạnh xử lý, cùng nhiều nâng cấp khác. Bản cập nhật được cho là đã sẵn sàng vào tháng 4/2023 nhưng đến cuối tháng 12/2023 nó vẫn chưa hoàn thành.
Theo chuyên gia quân sự Stavros Atlamazoglou, Lockheed Martin thậm chí đang phát triển gói phần mềm Block 4 dành cho F-35 dựa trên nền tảng của TR-3. Kế hoạch này đã được công bố từ lâu nhưng đang chậm trễ khi việc khai TR-3 chưa hoàn tất.
“Gói phần mềm Block 4 sẽ giúp nâng cao hơn nữa khả năng của máy bay chiến đấu tàng hình bằng cách bổ sung thêm nhiều vũ khí chính xác tầm xa, tăng cường nhận dạng mục tiêu và củng cố các tính năng tác chiến điện tử”, Atlamazoglou cho biết, đồng thời cho rằng việc liên tiếp đưa ra các gói nâng cấp sẽ khiến việc chuyển giao và lắp ráp mới F-35 kéo dài.
"Cho đến khi bản cập nhật TR-3 kết thúc, Block 4 không thể triển khai như mong đợi. Do đó, Văn phòng Giải trình Chính phủ dự kiến Block 4 sẽ sẵn sàng vào năm 2029 thay vì 2026 như kế hoạch”, Atlamazoglou nói.
Vào tháng 11/2023, Văn phòng chương trình F-35 (JPO) xác nhận rằng chỉ mới có một chiếc F-35 đã tiến hành bay thử nghiệm với phần mềm TR-3 rút gọn.
Theo Defense News, JPO dự định cho các máy bay cập nhật trước phần mềm rút gọn để đẩy nhanh quá trình chuyển giao trước khi phiên bản TR-3 chính thức hoàn tất.
Tuy nhiên báo cáo của Văn phòng trách nhiệm chính phủ Mỹ (GAO) lại cho biết, chuyến bay kiểm tra đầu tiên với gói phần mềm TR-3 đã phát hiện ra các vấn đề đáng quan ngại mà những lần đánh giá trong thử nghiệm mặt đất chưa ghi nhận.
Atlamazoglou nhận xét, TR-3 vẫn là một thành phần quan trọng đối với khả năng chiến đấu của F-35 trong tương lai. Sự chậm trễ liên quan đến TR-3 gây ảnh hưởng tới việc sản xuất chiếc Lightning II thứ 1.000.
Dù vậy Martin vẫn tiếp tục sản xuất chiếc tiêm kích thế hệ thứ năm F-35 mới và lưu trữ máy bay chưa bàn giao ở nhà máy Fort Worth, bang Texas.
Bất chấp những vấn đề còn tồn tại, việc hoàn thành lắp ráp 1.000 chiếc F-35 vẫn là một thành tựu lớn của Lockheed Martin nói riêng và Mỹ nói chung. Hiện tại, 17 quốc gia đồng minh của Washington trên khắp thế giới đang tham gia chương trình tiêm kích Lightning II.
Theo kế hoạch của Lockheed Martin công ty này sẽ chuyển giao 75-110 chiếc F-35 trong năm 2024 cho các khách hàng nhưng phần lớn trong số này đều được lên lịch vào gần cuối năm.
Bên cạnh đó Lockheed Martin vẫn chứng kiến doanh số bán hàng tăng trong năm 2023. Doanh thu của công ty này vào năm ngoái là 67,6 tỷ USD, so với 66,0 tỷ USD vào năm 2022, giá trị cổ phiếu của Lockheed Martin trong năm 2023 cũng tăng mạnh.
F-35 Lightning II (Tia chớp) là tên gọi chung cho 3 biến thể máy bay khác nhau dựa trên thiết kế cơ sở X-35 của dự án phát triển máy bay tiêm kích phối hợp (JSF) một chỗ ngồi. Nó có khả năng tàng hình và thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như yểm trợ cận chiến, ném bom chiến thuật...
F-35 được thiết kế và chế tạo bởi tập đoàn Lockheed Martin và các nhà thầu quốc phòng chủ chốt khác như Pratt & Whitney, BAE Systems và Northrop Grumman.
JSF là dự án nghiên cứu và chế tạo vũ khí lớn nhất của Mỹ và các nước đồng minh kể từ sau thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thể hiện qua số lượng máy bay dự tính chế tạo trong khoảng thời gian tới năm 2035 lên tới hàng nghìn chiếc, trung bình dự kiến chế tạo hơn 100 chiếc mỗi năm.
Sau gần 20 năm phát triển và chế tạo, chương trình tiêm kích F-35 vẫn đang vật lộn để thoát khỏi những vấn đề kỹ thuật liên miên không có hồi kết.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/phai-xep-hang-moi-mua-duoc-tiem-kich-tang-hinh-f-35-my-ar851918.html