Phạm Đình Hổ và trào lưu khảo chứng học ở Việt Nam
Phạm Đình Hổ (1768-1832) cùng Lê Quý Đôn (1726-1784) và Phan Huy Chú (1782-1840), được coi như những nhà khảo chứng học nổi tiếng nhất vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Di vật là 4 quyển sách bổ túc văn hóa của liệt sĩ Phạm Đình Hồ
Sự xuất hiện của các nhà khảo chứng ở giai đoạn này với hàng loạt tên tuổi khác như Nguyễn Nghiễm (1708-1776), Nguyễn Huy Oánh (1722-1789), Đặng Thái Phương (thế kỷ XVIII), Ngô Thì Sĩ (1726-1780), Ngô Thì Nhậm (1746-1803), Bùi Huy Bích (1744-1818), Bùi Dương Lịch (1757-1828), Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), là kết quả của quá trình tương tác liên văn hóa giữa xã hội Việt Nam vào thế kỷ XVIII - XIX và phong trào khảo chứng học và thực học ở Đông Á.
“Các nhà Nho đã đi vào kinh học vào khảo bình cổ sử, ghi chép kiến văn, khảo cứu sưu tầm, soạn thuật điển chế, phương chí... Các sản phẩm học thuật này nhìn chung đều gắn liền với mục tiêu kinh thế và mục đích chính trị... Những người làm công việc khảo cứu hy vọng tìm hiểu di sản quá khứ để châm chước thực thi vào hiện tại, để giữ thịnh phòng suy, để ngăn ngừa bạo loạn...” (theo Nguyễn Kim Sơn, 1997).
Với tinh thần thực học được khởi phát từ bối cảnh thời đại, Phạm Đình Hổ đã viết nhiều tác phẩm đặc sắc, có giá trị, như Nhật dụng thường đàm, Tang thương ngẫu lục, Quần thư tham khảo, Vũ trung tùy bút... Tổng số lượng trang tác phẩm hiện còn (không tính dị bản) có đến 4.167 trang, hiện mới dịch 4 tác phẩm sang tiếng Việt với 805 trang. Cùng với Lê Quý Đôn, ông hiện lên như một nhà bách khoa với các tác phẩm bao quát trên nhiều lĩnh vực: Nho học, Dịch học, cổ sử, địa lý học, bản đồ học, từ điển học, phong tục văn hóa, tín ngưỡng tâm linh... Phạm vi hoạt động từ sáng tác, dịch thuật, biên trứ (khảo cứu), cho đến giảng dạy, biên soạn từ điển - sách giáo khoa.
Mảng khảo chứng học là một thực hành văn hóa chủ lưu của thời đại, mục đích là để chấn hưng đạo học của Nho gia. Công việc khảo chứng được coi là một hành động nhập thế. Lấy tri thức thực học làm nền tảng xã hội, các nhà Nho như Phạm Đình Hổ muốn sử dụng các nội dung triết học - đạo đức để di bồi phong hóa, kế nối đạo học, chấn chỉnh giáo dục, sửa sang khoa cử. Điều này trước tiên được thể hiện qua các công trình huấn hỗ, thuyên thích kinh điển như Thư kinh diễn nghĩa, Dịch kinh phu thuyết của Lê Quý Đôn, Luận ngữ ngu án của Phạm Nguyễn Du, Xuân thu quản kiến của Ngô Thì Nhậm, Chu dịch quốc âm giải nghĩa của Đặng Thái Phương... Trên học phong thời đại đó, Phạm Đình Hổ cũng biên soạn Hy kinh lãi trắc, Quần thư tham khảo hay hiệu chính Dịch quỹ bí áo tập. Số trang khảo cứu của Phạm Đình Hổ chiếm một số lượng lớn trong di sản văn hiến còn lại của ông.
Các tác phẩm ngoài tinh thần khảo cứu học thuật đồng thời cũng mang yếu tố giáo khoa, phục vụ cho hoạt động giảng dạy kinh điển Nho học của ông. Hoạt động này là phổ biến trong văn hóa giáo dục truyền thống. Bởi “sự truyền bá, tiếp nhận về kinh điển Nho gia ở Việt Nam gắn chặt với giáo dục và khoa cử, ít có và rất hiếm có việc thảo luận không gắn với khoa cử” (dẫn lời của Nguyễn Kim Sơn, 2015). Kinh học và khảo chứng học ở Việt Nam không hướng đến kinh viện mà chú trọng vào thực tiễn, chú trọng vào đào tạo, quan tâm đến các phương thức hành đạo hơn là thể nghiệm triết học.
Phạm Đình Hổ đồng thời cũng tiến hành các khảo chứng, bình luận sử học. Hoạt động khảo chứng này được thực hiện trên tinh thần trọng sử, “dĩ sử minh kinh”(dùng sử để làm sáng nghĩa lý kinh điển), “dĩ kinh chứng sử” hoặc lớn hơn “dĩ sử kinh thế” (dùng sử để kinh bang cứu đời). Làm sử là làm chính trị, Lê Quý Đôn đã viết rõ như vậy trong khi soạn sách Thư kinh diễn nghĩa: “...sách này cũng có thể để nhà vua xem luôn bên cạnh, dùng làm công cụ lấy đức trị dân”.
Khảo chứng học của Phạm Đình Hổ quan tâm đến một vấn đề quan trọng của triều đình, quốc gia, đó là địa lý học và bản đồ học. Tác phẩm địa lý học của Phạm Đình Hổ hiện còn là sách Kiền khôn nhất lãm. Đây là một chuyên thư về địa lý Việt Nam và một số nước tiếp giáp biên giới như Trung Quốc, Ai Lao, Cao Miên; trong đó có bản đồ Thăng Long và 13 bản đồ các phủ lị. Các loại hình bản đồ bao gồm: bản đồ quốc gia, bản đồ các khu vực hành chính, bản đồ sông ngòi, đê điều, bản đồ ghi biên giới đất liền và hải đảo.
Một điều đáng lưu ý là bản địa dư toàn đồ trên có vẽ cả đảo Lý Nhân (tức Lý Sơn - cù lao Ré) và quần đảo Hoàng Sa. Tác giả có chép lại một đoạn về Hoàng Sa như sau: “Trong biển có dải cát dài, tên là Bãi Cát Vàng, ước chừng dài 400 dặm (200 km), rộng 20 dặm (10 km), đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm đến cửa Sa Vinh. Mỗi khi gió Tây Nam thì thuyền buôn các nước đi ở phía trong trôi giạt vào đó, khi gió Đông Bắc thì thuyền đi mé ngoài trôi giạt vào đó, đều chết đói hết cả, hàng hóa thì đều còn để nơi đó.
Họ Nguyễn, mỗi năm vào cuối đông, đưa 18 chiếc thuyền đến đó lấy hàng hóa, được phần nhiều là các loại vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm, vượt biển đến đó mất một ngày rưỡi; từ cửa Sa Kỳ đến đó nửa ngày. Các bãi cát dài ở quần đảo ấy cũng có đồi mồi”. Với công trình này, Phạm Đình Hổ hiện lên với tư cách một nhà địa lý học đang khảo tả về các khía cạnh cương giới đất liền, cương giới lãnh hải. Ông đã sớm chú ý kế thừa tính tổng thể toàn vẹn của cả hai nguồn sử liệu văn hiến và sử liệu bản đồ. Đây cũng là một trong những khía cạnh làm nên đặc tính thực chứng của tác phẩm địa lý này.
Một trong những hoạt động tiêu biểu nhất chứng minh cho tầm uyên bác cổ kim của Phạm Đình Hổ là các khảo chứng liên quan đến văn hóa. Cụ thể là các so sánh liên văn hóa và các khảo chứng cụ thể về văn hóa bản địa.
Ở khía cạnh này, Phạm Đình Hổ không những tỏ ra không thua kém và đa dạng không kém Lê Quý Đôn. Khảo chứng văn hóa có xu hướng thể hiện cá tính cá nhân. Nhưng ẩn chứa sau đó vẫn là một hoài bão muốn dùng trước tác để khiến giáo hóa văn minh, phong tục thuần hậu. Phạm Đình Hổ tỉ mẩn, thận trọng, từ cái âm con chữ, giấy viết, mộc bản, thư trát đến các loại hình văn hóa, cả bác học lẫn dân gian.
Qua những hoạt động khảo cứu này, ông hiện lên như một chủ thể văn hóa luôn mở rộng các biên độ của nhận thức, ông trải nghiệm, thực hành và đắm chìm trong những nét văn hóa cổ xưa. Hàng loạt khảo chứng thú vị về văn hóa như: tục thờ xã (xã đàn), thành hoàng làng, trâu đất, long sinh cửu tử, tục rắc vôi đêm trừ tịch, các đồ đo lường, vàng mã, lễ đầy năm (thôi nôi, toái bàn), trùng tang phục táng,... đều được ông ghi chép chi tiết. Mỗi một mục từ như một khảo cứu chuyên sâu vừa uyên bác, tinh tế lại rất thú vị và thanh tao.
Phạm Đình Hổ còn khảo chứng về danh lam cổ tích (chủ yếu là các danh lam của Thăng Long và vùng Bắc Hà), khảo chứng về sản vật (thực vật, động vật). Biên độ quan tâm của ông tương đối rộng và mang tính thực chứng cao. Song, thực hành văn hóa của Phạm Đình Hổ còn được thể hiện ở nhiều khía cạnh khác như mảng dịch thuật có cuốn Tào đại gia nữ giới, mảng sáng tác thi ca có đến vài trăm tác phẩm được chép lại trong Đông Dã học ngôn thi tập và Châu Phong tạp thảo,...
Về sáng tác văn học, được biết đến nhiều nhất là hai tập: Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa, tác phẩm chữ Hán) và Tang thương ngẫu lục. Cả hai tác phẩm tập trung mô tả thân phận con người trong những cơn mưa gió chính trị, trong lúc bể dâu tang tóc. Các dòng văn giàu chất hiện thực toát lên tinh thần dân bản và quan điểm chính thống của nhà Nho.
Thơ Phạm Đình Hổ giàu chất hoài cổ, do những trải nghiệm từ cuộc sống bệnh tật, nghèo khó, tang thương trong nửa đời người. Phảng phất trong nhiều bài thơ là tâm sự của người tha hương, một nhà Nho thất bại trong khoa trường, không nối được gia nghiệp của cha ông, một thân phận như cỏ bồng trong gió loạn. Con người cá nhân trong thơ Phạm Đình Hổ là con người nhà giáo - nhà Nho: trí tuệ thiên về học thuật, tư tưởng trong sáng, thuần hậu và phong cách nghiêm nghị.
Phạm Đình Hổ chiếm một vị trí quan trọng trong lịch sử văn hóa Việt Nam. Các tác phẩm khảo chứng trải dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, mang tính bách khoa, từ kinh học Nho gia cho đến khảo chứng Bắc sử - Nam sử, địa lý, văn hóa, văn vật, điển chương chế độ... Đây là một trào lưu xã hội mang tính khai sáng, nhằm hướng tới cái thiết thực hữu dụng với mục đích “kinh thế tế dân”.
Phạm Đình Hổ, cùng với các học giả đương thời, đã chú ý tới cải cách giáo dục và khoa cử, đã cố gắng vun bồi Nho phong sĩ khí, triển khai tinh thần học thuật, mở rộng tư tưởng văn chương... nhằm thực hiện các hoài bão về chính trị thông qua con đường học thuật. Ông hiện lên với tư cách là một nhà văn hóa đa ngành, vừa kết nối tri thức bản địa với những kinh điển và chính trị Nho giáo, là một danh nhân đa diện có nhiều đóng góp cho văn hiến Việt Nam.