Phạm Đình Sáu và những viên ngọc quý
Phạm Đình Sáu (1926-2007) là nhạc sỹ thuộc thế hệ gạo cội, cùng trang lứa với Nguyễn Văn Tý, Huy Du; kém mấy tuổi so với Lê Yên, Lê Lôi, Đỗ Nhuận.
Gần như cả đời làm công tác quản lý, không có nhiều thời gian dành được cho sáng tác nên số lượng tác phẩm Phạm Đình Sáu để lại không nhiều, nhưng chỉ những gì ông có thực sự là những viên ngọc quý trong kho tàng âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Phạm Đình Sáu quê ở Nam Định, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1945 khi mới 19 tuổi. Năm 1947, lúc 21 tuổi, ông đã có bài hát nổi tiếng phổ thơ Tố Hữu viết về Bác Hồ mang tên “Hồ Chí Minh – người hùng dân tộc” được nhiều người biết đến. Đến năm 1953 khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta chưa kết thúc, ông đã được Nhà nước cho sang Trung Quốc học ở Nhạc viện Bắc Kinh (tại trường nhạc rất lớn này, nước ta còn có các nhạc sỹ nổi tiếng khác sau đó cũng học là Hoàng Vân, Huy Du và Trần Ngọc Xương).
Về nước, Phạm Đình Sáu phát huy tốt bằng việc sáng tác được nhiều tác phẩm ở cả hai lĩnh vực thanh nhạc và khí nhạc. Đặc biệt, ông có nhiều đóng góp trong lĩnh vực giảng dạy và quản lý. Thời gian ông làm việc lâu nhất là Vụ phó rồi Vụ trưởng Vụ Âm nhạc và múa trực thuộc Bộ Văn hóa. Về sau, Vụ này đổi tên thành Cục Biểu diễn nghệ thuật là cơ quan tham mưu cho Bộ Văn hóa về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chứ không chỉ nhạc và múa như trước. Ông tiếp tục đứng đầu cho tới khi nghỉ hưu.
Cố nhạc sĩ Phạm Đình Sáu (1926-2007)
Có thể khẳng định: Trong suốt một thời gian dài, giúp Bộ Văn hóa quản lý Nhà nước về Nhạc và múa rồi sau đó thêm cả sân khấu, xiếc, Phạm Đình Sáu đã cùng với cơ quan mình điều hành làm việc thật chu đáo, cẩn trọng, góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật trong đó có âm nhạc phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Sự nổi tiếng, uy tín, tài và tâm của Phạm Đình Sáu đã giúp ông “chốt” ở cơ quan này vững vàng.
Phạm Đình Sáu viết ca khúc không nhiều. Ngoài bài hát phổ thơ Tố Hữu năm nhạc sỹ 21 tuổi như đã nói, ông có thêm một số bài thể chính ca: “Việt Nam nắng hồng”, “Vinh quang Tổ quốc Việt Nam”, “Thẳng hướng tương lai”… Ngôn ngữ âm nhạc những bài này đều rất gọn ghẽ, khúc chiết, mạch lạc với kết cấu chặt chẽ. Tính chất hoành tráng, hào sảng cũng được toát lên rất rõ nên sẽ phát huy hết hiệu quả nếu được dàn dựng với hình thức đồng ca, hợp xướng nhiều bè. Chẳng những hào sảng ở thể chính ca, ngay hai bài hát viết cho hát đơn ca của ông là “Khúc hát đảo quê hương” và “Những thành phố bên bờ biển cả” cũng rõ chất tráng ca mặc dù vẫn đậm đặc phong vị trữ tình, lãng mạn. Đó là những bài thực sự có giá trị, có thể coi là mẫu mực cho thể ca khúc nghệ thuật dòng thính phòng.
Tuy nhiên, mặc dù rõ chất thính phòng nhưng lại cần người thể hiện hát mềm mại, sâu lắng, pha chút tính chất dân gian chứ không hẳn lúc nào cũng vận dụng lối hát “ben căng tô” cứng nhắc, dễ khô, nhất là ở đoạn đầu của cả hai bài. Nhiều sinh viên thanh nhạc tại các nhạc viện rất hay tìm đến hai ca khúc này để thể hiện đủ thấy tác phẩm hội được nhiều yếu tố để họ có thể trổ hết các kỹ thuật thanh nhạc.
Tôi có nhiều kỷ niệm khó quên với Phạm Đình Sáu. Hồi năm 1966 -1967, lúc này cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đang leo đến những nấc thang cao nhất tại miền Bắc. Tôi khi ấy là sinh viên Văn khoa Trường Đại học Tổng hợp sơ tán ở Đại Từ, Thái Nguyên.
Một lần, tôi nghe trên Đài – là chiếc loa phóng thanh treo trên cột tre ở giữa cánh đồng - phát một bài hát rất hay, lại do một giọng hát tôi cực kỳ ưa thích là ca sỹ Quý Dương thể hiện: “Bạch Long Vĩ ơi! Quê mến yêu muôn đời. Đảo quê ta đẹp sao. Nắng tươi tỏa sáng chan hòa….”.
Đoạn mở đầu có giai điệu rất đẹp, nghe thật dịu dàng diễn tả cảnh sắc đảo Bạch Long Vỹ hết sức thơ mộng, trữ tình, khác hẳn âm điệu của nhiều bài sục sôi khí thế chiến đấu lúc ấy. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa một lần được đặt chân đến hòn đảo như đuôi rồng trắng này. Nhưng trước đó đã rất yêu qua bài hát nổi tiếng “Bạch Long Vỹ đảo quê hương” của Huy Du.
Lần này, nghe bài thứ hai về hòn đảo này, tôi thấy có một vẻ đẹp khác cũng rất quyến rũ. Đến đoạn B: “Ta cất cao câu hò vang trên biển cả. Nghe gió ta rong buồm tới khơi xa…”, giai điệu vút lên, dồn dập, rắn rỏi hơn, nhưng vẫn giữ được vẻ đẹp óng ả của đoạn trước. Nghe đến hết bài, tôi được thỏa mãn mỹ cảm một cách tối đa mặc dù nghe chiếc loa công cộng khi ấy thì không thể bằng nghe loa nén như bây giờ.
Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu phát biểu trong đêm nhạc của mình.
Hồi đó, tôi đã thích bài nào, lại nghe ca sỹ mình hâm mộ hát thì tìm bằng được bài để hát trong những lần liên hoan văn nghệ ở khoa, ở trường. Về Hà Nội, tôi hỏi thăm để tìm gặp nhạc sỹ Phạm Đình Sáu. Phút đầu, tôi không nghĩ ông là tác giả bài hát mình đang rất ưa thích, bởi có ngoại hình và phong cách như một nhà giáo, một Trưởng Phòng tổ chức, Bí thư đảng ủy hay Chủ tịch công đoàn. Không phải vì ông khô khan mà vì rất nghiêm túc, “chân phương” thì đúng hơn. Tóc húi cao, nói năng rất điềm đạm, lịch sự, chừng mực. Áo quần chỉnh tề, đi đứng khoan thai.
Ông tiếp tôi ngay tại phòng làm việc, tỏ sự thân mật nhưng ít nhiều vẫn có khoảng cách khi tôi kém ông đúng 20 tuổi, xưng hô “anh, em” nhưng ông vẫn cứ “anh, tôi” như tiếp một khách lạ. Chỉ khi tôi bày tỏ nguyện vọng muốn có văn bản bài hát và hát được vài câu (vì mới nghe một lần, không thuộc được nhiều) ông mới thân mật hơn. Ông khen tôi hát hay nhưng dặn là chớ bắt chước Quý Dương. Tôi ghi nhớ mãi lời ông dặn khi mới tập toạng đến với âm nhạc: “Trong nghệ thuật, có thể tham khảo, học hỏi người khác nhưng không được bắt chước theo họ. Mình phải có cái riêng của mình. Làm y như họ thì không có giá trị gì, không ai còn muốn thưởng thức mình”. Ông trao văn bản bài hát cho tôi và dặn khi nào hát thuần thục, có thể trở lại hát trôi chảy cho ông nghe.
Y lời, chừng một tháng sau, có dịp về Hà Nội, tôi tìm đến ông. Ông nhận ra ngay và nói liền: “Nào. Nghe ca sỹ nghiệp dư hát xem nào”. Tôi đứng hẳn lên, hát như hát cho một ban giám khảo nào đó nghe, hết mình, say sưa. Có mấy người khác thấy tôi hát cũng từ các phòng khác sang nghe. Tôi không những không ngại mà càng cao hứng, càng “bốc”. (Về sau, tôi biết đó là các nhạc sỹ cũng nổi tiếng: Vĩnh An, Trần Tất Toại, Ngô Sỹ Hiển, Nguyễn Liệu…) Nghe xong, Phạm Đình Sáu nói: “Hay lắm! Nghiệp dư mà hát thế này thì không kém gì chuyên nghiệp. Nhưng San có tự thấy vẫn còn nhược điểm gì cần khắc phục không?”. Tôi trả lời: “Thưa anh. Chắc hơi của em vẫn còn bị hụt?”. “Không phải. Không hụt gì mà là vẫn giống Quý Dương. Anh ấy rất giỏi hát xuốc đin (tức hát giọng gió êm, nhẹ, nhỏ dần ở nốt kết bài). Phải có học kỹ thuật thanh nhạc mới hát được. San bắt chước, nghe không hay. Và nhiều chỗ nhấn nhá, ngân rung nữa. Phải thực sự có cái riêng của mình…”. Tôi thấm thía mãi lời dặn ấy cho tới tận bây giờ.
Sau lần đó, lâu dần, tôi và Phạm Đình Sáu trở nên gần gũi hơn. Về sau, khi tôi trở thành phóng viên âm nhạc của báo Văn hóa nghệ thuật, trở lại đàm đạo với ông, ông luôn nói chuyện nhiều về tình hình âm nhạc, về đội ngũ nghệ sỹ âm nhạc – những lĩnh vực ông rất tinh thông, hiểu biết sâu sắc.
Phong cách âm nhạc của Phạm Đình Sáu có nét riêng rất rõ. Đó là tính hiện đại, bề thế trong cấu trúc giai điệu. Vẫn rất rõ màu sắc dân tộc nhưng ông không nệ vào làn điệu dân ca cụ thể nào mà sáng tạo ngôn ngữ hoàn toàn mới mẻ. Ngoài bài “Khúc hát đảo quê hương” viết về đảo Bạch Long Vỹ đã nói ở trên, bài “Những thành phố bên bờ biển cả” (phổ thơ Huy Cận) thể hiện rõ điều này: “Những thành phố bên bờ biển cả đang rực lên chưa vội soi gương. Biển gọi gió, cát vàng gọi đá…”. Bài này có sự hài hòa thật tuyệt vời giữa giai điệu và ca từ. Không viết về một thành phố cụ thể nào mà nhà thơ viết về những thành phố nói chung, nhưng nằm ở bờ biển. Nội dung này chờ đợi một giai điệu phải có tính hoành tráng, bề thế, sáng sủa, mang dáng vẻ hiện đại. Và giai điệu của Phạm Đình Sáu đã đáp ứng đúng yêu cầu đó.
Với những đóng gióp đáng kể cho nền âm nhạc nước nhà, ông đã được trao tặng giải thưởng Nhà nước về VHNT ngay từ đợt đầu tiên năm 2001. Ông qua đời, giới âm nhạc mất đi một tài năng sáng tác và quản lý âm nhạc quý hiếm.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/pham-dinh-sau-va-nhung-vien-ngoc-quy-i638242/