Phạm Nguyễn Đăng Trình và giải thưởng từ Tổng thống Mỹ: Hành trình mang tên 'tình thương'
Sinh trưởng trong một gia đình không mấy khá giả ở TP. Hồ Chí Minh, những câu chuyện tuổi thơ và sự tần tảo của ba mẹ là nguồn cảm hứng và động lực cho Phạm Nguyễn Đăng Trình lúc sống và học tập xa nhà.
Phạm Nguyễn Đăng Trình hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại trường Đại học Liberty University (Mỹ) chuyên ngành tài chính ngân hàng. Tháng Ba vừa qua, chàng trai 30 tuổi cùng vợ được Tổng thống Mỹ Joe Biden trao tặng giải thưởng President’s Lifetime Achievement Award (Thành tựu trọn đời).
Đây là giải thưởng cao quý nhằm tôn vinh những cá nhân có đóng góp cho nước Mỹ qua các công việc tình nguyện phục vụ cho cộng đồng.
"Linh hồn" của phong trào thiện nguyện
Sang Mỹ từ năm 19 tuổi, Đăng Trình theo học tại Đại học bang California, Fullerton.
Sau khi tốt nghiệp, anh làm việc tại ngân hàng lớn của Mỹ là U.S Bank với vị trí Phó giám đốc phụ trách mảng thanh toán điện tử quốc tế, đồng thời là Tổng giám đốc điều hành công ty Kien Nam Group LLC và Skyland Capital chuyên về đầu tư và quản lý bất động sản. Anh còn làm Chủ tịch Greenfield & Associates CPA - công ty chuyên về cố vấn tài chính, kế toán, thuế vụ và công chứng.
Bên cạnh phát triển sự nghiệp cá nhân, Đăng Trình còn là “linh hồn” của nhiều tổ chức, phong trào thiện nguyện, góp phần phát triển cộng đồng xã hội ở Mỹ.
Có thể kể đến các hoạt động như nấu ăn tại nhà bếp tình thương (Someone Cares Soup Kitchen) cho người vô gia cư, hỗ trợ những gia đình có thu nhập thấp khai thuế hằng năm tại quận Cam, California; tình nguyện tham gia công tác bảo tồn công viên cây xanh tại OC Parks, Tustin…
Với kiến thức về tài chính và kinh tế, anh còn giúp một số gia đình nghèo lấy lại một phần thuế thu nhập đã đóng, theo chương trình hỗ trợ do Sở Thuế của Mỹ và công ty United Way tổ chức.
Năm 2016, Đăng Trình vinh dự được Tổng thống Barack Obama gửi thư chúc mừng sau khi tốt nghiệp loại giỏi từ trường đại học và có những cống hiến cho xã hội. Năm 2019, anh lập quỹ học bổng tại tổ chức United Nations Association (Hiệp hội Liên hợp quốc) mang tên “Reaching for the Sky”. Năm 2020, anh nhận Bằng khen đóng góp cho xã hội của nghị sĩ Alan Lowenthal và tiếp tục nhận Bằng khen trong công tác nhân đạo từ nghị sĩ Michelle Steel (nguyên cố vấn cựu Tổng thống Donald Trump) vào năm 2023.
"Thật sự nhớ mọi thứ ở Việt Nam"
Từ thời còn học ở Việt Nam, Đăng Trình nhớ như in lời dạy của thầy cô về câu tục ngữ “Uống nước nhớ nguồn”. Tên gọi Đăng Trình cũng bắt nguồn từ những hoài bão ba mẹ gửi gắm từ ngày anh chào đời.
Anh chia sẻ: “Khi sinh ra, tên tôi trong khai sinh là Trọng Nhân, nhưng rồi ba mẹ tôi đổi lại Đăng Trình với mong mỏi tôi sau này khi lớn lên có thể đi khắp năm châu bốn biển để học cái hay, cái tốt để về đóng góp, đáp đền cho quê hương đất nước. Cái tên cũng là một định mệnh đối với tôi. Sau này, khi xa quê hương, tôi lúc nào cũng khắc ghi những hoài bão mà ba mẹ gửi gắm ở mình”.
Thời niên thiếu, gia đình Đăng Trình không mấy khá giả. Theo thông tin từ cuốn sách Rạng danh tài trí Việt năm châu do Nhà xuất bản Thế giới phát hành, mẹ anh từng bán rau muống còn ba là lao động phổ thông đạp xe ba gác trước khi kinh doanh thành công.
Lớn lên trong sự thấm nhuần tinh thần biết ơn ấy, Đăng Trình luôn hướng đến những đạo lý tốt đẹp của truyền thống dân tộc. Anh tin rằng, chính những truyền thống ấy sẽ giúp Việt Nam ngày càng phát triển.
Bởi vậy, Greenfield & Associates CPA-công ty của anh đã tạo điều kiện và đồng hành cùng các doanh nghiệp tại Việt Nam phát triển tại thị trường Mỹ, đồng thời là cầu nối cho các doanh nghiệp Mỹ có nhu cầu đầu tư tại Việt Nam.
Từ năm 2018, anh cùng công ty Kien Nam Group triển khai dự án hỗ trợ hệ thống nước uống xử lý bằng tia cực tím UV-RO cho trường Tiểu học Cao Bá Quát, Tiểu học Huỳnh Thúc Kháng, trường THCS Ông Ích Khiêm tại xã Điện Hồng, thị xã Điện Bản, tỉnh Quảng Nam. Dự án nước sạch này giúp gần 1.500 học sinh cùng tập thể giáo viên ba trường có nước tinh khiết uống hàng ngày.
Anh cũng trực tiếp điều hành Hội từ thiện “Bàn tay nhân ái” nhằm hỗ trợ những số phận không may mắn, cần sự chia sẻ ở Việt Nam. Đến nay, Hội đã vận động hơn 7 triệu USD gửi về Việt Nam để giúp những hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước.
Đăng Trình thổ lộ: “Tôi thật sự nhớ mọi thứ ở Việt Nam, từ người thân yêu, đến thầy cô, bạn bè. Tôi nhớ những con đường, hàng cây và nơi tôi đã đi qua. Hai chữ “Việt Nam” là điều tôi nhớ nhất vì đó là một phần trong máu huyết con người của tôi.
Điều tôi luôn mong muốn gìn giữ cho thế hệ sau khi sinh sống tại nước ngoài là tiếng Việt và tình yêu quê hương “nơi chôn nhau cắt rốn”. Với tôi, tiếng Việt chính là cầu nối cho con tôi gắn kết với quê hương. Việc gìn giữ tiếng Việt ở nơi xứ”.
Sống bằng đam mê và tri ân
Chia sẻ về giải thưởng Thành tựu trọn đời vừa được Tổng thống Joe Biden trao tặng, Đăng Trình cho biết: “Giải thưởng là sự khích lệ lớn với gia đình chúng tôi. Qua đây, chúng tôi bày tỏ sự biết ơn đối với ba mẹ, người thân yêu và những người đã âm thầm lặng lẽ đồng hành, trong đó có các nhà hảo tâm, các thiện nguyện viên.
Định nghĩa thành công của mỗi người và mỗi gia đình khác nhau. Đối với gia đình chúng tôi, thành công là việc mình có thể giúp được bao nhiêu mảnh đời kém may mắn.
Tôi tin rằng, giải thưởng là niềm động viên để gia đình tôi tiếp tục cuộc hành trình mang tên “tình thương” với nhiều cống hiến hơn nữa”.
Mục tiêu cá nhân của gia đình anh là giúp ít nhất 1 triệu người trong đời sống này.
Anh nói: “Đây là mục tiêu chung của vợ chồng và các con từ nay mãi về sau, cũng là cách mà vợ chồng tôi mong muốn có thể truyền cảm hứng cho các con tiếp tục sự nghiệp nhân đạo mà chúng tôi đã luôn ấp ủ. Tôi tin rằng từ bi là lẽ sống, trí tuệ là sự nghiệp. Có những điều đó, chúng ta sẽ vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống”.
Hiện Đăng Trình đang tiếp tục hoàn tất chương trình tiến sĩ tại Hoa Kỳ và phát triển Hội từ thiện “Bàn tay nhân ái” cùng với những dự án phối hợp với UNICEF, New Zealand, Mỹ, bệnh nhân nhi ung thư tại Việt Nam cũng như mở rộng sang các nước như châu Phi, hợp tác với các tổ chức từ thiện lớn như Bill & Melida Gates Foundation.
Động lực lớn nhất giúp anh hoàn thành được tất cả công việc đó là nhờ quan niệm được sống bằng niềm đam mê và tri ân: tri ân đất nước, cha mẹ và những người đã giúp mình. Mỗi người đều có động lực riêng, với chàng thanh niên này, công tác xã hội và thiện nguyện là điều luôn thôi thúc để sống tốt hơn.