Phạm Thùy Dung: Đến độ chín muồi tôi mới dám bước vào thánh đường âm nhạc

Trong khi các nghệ sĩ đi trước có sự nghiệp dày dặn mới 'dám' chơi với dàn nhạc giao hưởng lớn như Mặt Trời thì chương trình riêng đầu tay của Phạm Thùy Dung (Á quân Sao Mai 2013) có sự hậu thuẫn của dàn nhạc này cùng giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng. Cô cũng cho hay, đêm hòa nhạc 29/9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội chỉ là một điểm nhấn, sau này cô còn muốn làm nhiều hơn thế.

Phạm Thùy Dung và êkip hòa nhạc Trăng hát: Giám đốc Âm nhạc Trần Mạnh Hùng cùng 2 khách mời Tùng Dương, Đăng Dương Ảnh: NVCC

Phạm Thùy Dung và êkip hòa nhạc Trăng hát: Giám đốc Âm nhạc Trần Mạnh Hùng cùng 2 khách mời Tùng Dương, Đăng Dương Ảnh: NVCC

Mọi người nhìn vào dễ thấy Dung là người may mắn, được “trời cho” đủ thứ. Liệu có khi nào bạn gặp khó khăn bất lợi?

Nhà tôi có 9 anh chị em. Bố tôi mất ngày tôi mới 6 tuổi. Ngày bố mất, mẹ còn trẻ nhưng không đi bước nữa. Khi ấy cả nhà tôi đều phải đổ xô ra đường ra chợ để kiếm ăn. Chỉ nghĩ đến việc ăn đã rất khó, không thể nào nghĩ đến việc học.

Chỉ có tôi và hai đứa em sau này được đi học. Từ bé tôi đã nghĩ nếu muốn thoát khổ thoát nghèo chỉ có một con đường duy nhất là học. Các anh chị thấy tôi có mong muốn như thế cùng dồn tâm sức cho tôi được đi học.

Hàng tuần theo các anh chị đi lễ nhà thờ, sau giờ lễ lại tập hát Thánh ca. Tôi được rèn bản lĩnh hát trước đám đông từ bé. Tôi cũng tham gia văn nghệ ở trường. Thầy cô rất thương vì hoàn cảnh nhà quá khó khăn, xin miễn giảm học phí cho tôi.

Tôi nhớ hồi lớp 6-7 học môn thể dục phải đi giày bata, mỗi tôi không có giày để đi. Thế là cô bắt ra chạy mấy vòng sân, chân đất. Chạy xong vào ngồi khóc vì tủi thân, vì hoàn cảnh. Lúc đầu tôi cũng giận cô, tại sao mình hát cho nhà trường nhiều như thế mà cô lại mắng, phạt mình. Nhưng cô gọi tôi vào: “Cô biết là Dung không có tiền để mua giày, nhưng quy định vẫn là quy định, em làm quản ca càng phải gương mẫu”. Xong cô cho tôi 12 nghìn để mua giày (rớm nước mắt).

Bạn từng phải trải qua những công việc gì?

Hồi cấp ba, tôi làm thêm tất cả các việc, từ đi chợ bán nước chè xanh cho tới cửu vạn. Thực ra mẹ không bắt tôi làm nhưng nhìn thấy mẹ dậy từ 4-5h sáng ra bến phà xúc cát sỏi tôi thương quá, thế là dậy đi làm cùng mẹ.

Hết cấp ba, tôi chỉ dám đăng ký vào Sư phạm Nhạc họa vì trường không thu học phí. Ra Hà Nội, công việc đầu tiên của tôi là bán hàng mỹ ký ở chợ Phùng Khoang. Tôi hay sang đó đi lễ, rồi ra chợ chơi, trong đầu nghĩ làm sao để có được việc làm vì tiền cô dì chú bác góp lại cho cũng sắp hết rồi. Tự nhiên cô bán hàng thấy tôi đi qua hỏi: “Cháu có muốn làm thêm không?”. Bán từ 6h tối đến 10h đêm tháng được 500 nghìn, sung sướng lắm vì ăn cơm ký túc chỉ 5-7 nghìn đồng/suất.

Chuẩn bị tốt nghiệp, thầy dạy tôi nói tôi có khả năng, khuyên nên tiếp tục học Nhạc viện. Tôi đã nghe một thầy ở quê bảo không thể nào học Nhạc viện được vì tốn kém, tôi cũng nói thật với thầy như thế. Thầy bảo cứ bình tĩnh để thầy gọi cho thầy của thầy là NSND Quốc Hưng… Phải nói không có thầy Hưng tôi không thể nào ôn thi được vào Nhạc viện và tất nhiên cũng sẽ không có Thùy Dung hôm nay.

Nói đi nói lại thì bạn có cả thanh lẫn sắc. Hẳn ngoại hình mang cho bạn may mắn hơn là rủi ro?

Tùy cách hiểu của từng người. Tôi nghĩ Chúa Trời ban cho tôi vẻ bên ngoài, bên cạnh đó tôi cũng được ban cho cả sự bình an. Chứ có chút nhan sắc thường bị rất nhiều cám dỗ, đặc biệt trong môi trường nghệ thuật. Nhưng may mắn là tôi có Đạo. Làm cái gì mình cũng đều phải nghĩ đến Mười điều răn, để kiềm chế bản thân. Mỗi khi gặp khó khăn sóng gió, tôi đến nhà thờ cầu nguyện. Chúa Mẹ phải phù hộ thì mới gặp được nhiều người tốt giúp đỡ như thế, chứ bản thân tôi không thể tự làm nên được.

Các nghệ sĩ từng trình diễn với SSO đếm trên đầu ngón tay và Dung là người trẻ nhất. Nhân duyên nào đưa bạn đến với dàn nhạc giao hưởng lớn sớm như vậy?

Tôi cực kỳ may mắn. May mắn đấy không phải tự nhiên mà có. Mình cũng phải sống chân thành, đối xử tốt với mọi người. Riêng với dàn nhạc đúng là có một người anh của Thùy Dung làm trong tập đoàn kết nối. Tôi nói với anh mơ ước một lần mình được hát với dàn nhạc giao hưởng. Nếu được làm việc với những người giỏi như thế, mình cũng tốt lên rất nhiều. Thực ra phải cảm thấy có độ chín muồi về nghề nghiệp tôi mới dám nói ra mơ ước đó. Anh bảo: “Người trẻ có mơ ước như em, anh chưa thấy nhiều. Nhưng em phải có năng lực. Nếu không anh có giúp cũng không được, dàn nhạc sẽ đè bẹp mình đấy”. Tôi nghĩ chính khó khăn ngày bé đã tôi luyện cho tôi, nên tôi quyết tâm khổ luyện để làm điều mà các anh chị đi trước đã làm được.

Phải chăng cũng vì không phải lo mưu sinh, không phải chạy theo thị trường nên bạn mới có thể toàn tâm toàn ý học và làm những gì mình thích?

Trong cuộc sống không ai là không phải lo kiếm tiền. Gia đình cũng nhiều người cần đến sự giúp đỡ của tôi. Nhưng tôi nghĩ tiền không kiếm bây giờ, sau này mình vẫn kiếm được, nhưng việc học có thời điểm thôi. Bây giờ chưa gia đình con cái, tôi muốn tập trung cho sự nghiệp. Tôi vẫn đi diễn, nhưng chi tiêu vừa phải. Thường nghệ sĩ cái tôi cao, luôn muốn mình lung linh, lộng lẫy, nhưng tôi nghĩ tri thức và tâm hồn quan trọng hơn. Thôi hưởng thụ sau cũng được, bây giờ mình tập trung cho sự nghiệp. Và tôi nghĩ lúc tôi học và thăng hoa trong nghệ thuật cũng chính là tận hưởng đấy.

“Người khác có thể cân bằng tình yêu và sự nghiệp, nhưng tôi thì không. Bây giờ tôi chỉ tập trung cho sự nghiệp. Khi sự nghiệp thăng hoa những thứ khác cũng sẽ tốt thôi”.
Ca sĩ Phạm Thùy Dung

N.M.Hà (thực hiện)

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/co-be-cuu-van-buoc-toi-thanh-duong-am-nhac-1462966.tpo