Phạm tội vì không hiểu pháp luật về bảo vệ rừng

Những năm gần đây, do nhu cầu phát triển kinh tế, kiếm thêm thu nhập hoặc vì lợi ích cá nhân mà không ít người dân trên địa bàn huyện Võ Nhai đã có hành vi khai thác, xâm hại rừng trái phép. Trong đó, nhiều người không hề hay biết rằng hành động 'vô tình' của mình đã vi phạm các quy định của pháp luật, khiến họ rơi vào vòng lao lý.

Một phiên xét xử của Tòa án nhân dân huyện Võ Nhai trong vụ án liên quan đến hành vi xâm hại rừng trái phép.

Một phiên xét xử của Tòa án nhân dân huyện Võ Nhai trong vụ án liên quan đến hành vi xâm hại rừng trái phép.

Cuối tháng 7-2024, Tòa án nhân dân (TAND) huyện Võ Nhai mở phiên tòa xét xử vụ án hình sự đối với bị cáo Hoàng Hữu Phương, sinh năm 1963, trú tại xóm Tân Lập, xã Sảng Mộc, về tội “Hủy hoại rừng”. Theo nội dung vụ án, do cần có đất để trồng cây keo, đầu năm 2023, Hoàng Hữu Phương đã có hành vi phát, phá trái phép rừng tại lô 1, khoảnh 2, tiểu khu 70 thuộc xóm Tân Lập. Đây là khu vực nằm trong quy hoạch rừng sản xuất bảo đảm tiêu chí rừng tự nhiên.

Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Công an xã Sảng Mộc phối hợp với Ban lâm nghiệp xã tiến hành xác minh vụ việc và báo cáo lên cơ quan chức năng huyện. Kết quả điều tra, tại hiện trường có 393 gốc cây bị chặt hạ. Tổng diện tích rừng bị phá là trên 24.700m2, với hơn 176,6m3 gỗ thuộc nhóm V-VIII bị khai thác, có giá trị trên 170 triệu đồng.

Tại phiên tòa, bị cáo Hoàng Hữu Phương khai nhận, việc chặt, phát rừng như trên nhằm mục đích trồng cây keo để phát triển kinh tế. Hành vi của bị cáo hoàn toàn tự phát vì chưa nhận thức được tính nghiêm trọng cũng như các quy định của pháp luật về bảo vệ rừng. Mặc dù ăn năn, hối hận nhưng bị cáo không thể tránh khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hoàng Hữu Phương 48 tháng tù về tội “Hủy hoại rừng”, buộc bị cáo bồi thường thiệt hại cho Nhà nước số tiền trên 171 triệu đồng.

Cũng trong tháng 7-2024, TAND huyện đã xét xử bị cáo Triệu Tiến Thành và các đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Theo cáo trạng, ngày 22/2/2023, cán bộ Trạm Kiểm lâm xã Cúc Đường phối hợp với Công an xã Nghinh Tường và lực lượng chức năng thực hiện tuần tra, kiểm tra rừng đã phát hiện khu rừng thuộc xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường, có 21 cây gỗ đường kính từ 10-75cm bị chặt hạ.

Qua xác minh ban đầu, Cơ quan Điều tra xác định Triệu Tiến Thanh, sinh năm 1974, trú tại xóm Thượng Lương, xã Nghinh Tường, là người thực hiện hành vi khai thác trái phép số gỗ trên. Tổng số gỗ bị khai thác là 22 gốc cây, trong đó có 25 thân cây, 41 tấm gỗ xẻ, tổng khối lượng 44,49m3, thuộc nhóm cây gỗ tạp.

Tại phiên tòa, bị cáo Triệu Tiến Thanh khai do nhu cầu lấy gỗ sửa nhà và biết tại khu rừng của gia đình đang quản lý có nhiều gỗ to nên nảy sinh ý định khai thác. Thanh mang theo 1 cưa máy (cưa lốc) vào rừng và trực tiếp cưa hạ 21 cây gỗ. Sau khi chặt hạ xong, do không tự xẻ gỗ, đối tượng nhờ 2 con trai và 2 cháu họ khác đến xẻ hộ. Căn cứ vào hành vi phạm tội và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Triệu Tiến Thanh 6 năm tù về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở các xóm vùng sâu, vùng xa ở huyện Võ Nhai.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân ở các xóm vùng sâu, vùng xa ở huyện Võ Nhai.

Trên đây chỉ là 2 trong số những vụ việc liên quan đến hành vi khai thác, xâm hại rừng trái pháp luật trên địa bàn huyện Võ Nhai vài năm trở lại đây. Theo quy hoạch, Võ Nhai có trên 65.000ha đất rừng, gồm 15.753ha đất rừng phòng hộ, 18.704ha đất rừng đặc dụng và 30.733ha đất rừng sản xuất. Với đặc thù người vùng cao, phần lớn là người dân tộc thiếu số, việc bám rừng, sống dựa vào rừng trở thành thói quen, nếp nghĩ có từ lâu đời. Nhiều người nhận thức pháp luật còn hạn chế, vẫn có suy nghĩ việc xâm hại, khai thác rừng là vô tội hoặc có người biết nhưng vì lợi ích mà bất chấp luật pháp, cố tình chặt phá, khai thác gỗ trái phép.

Theo ông Nguyễn Tất Thắng, Chánh án TAND huyện Võ Nhai, những năm gần đây, tình trạng người dân vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn có chiều hướng tăng. Từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị đã xét xử 3 vụ việc liên quan đến hành vi khai thác gỗ, chặt phá, xâm hại rừng...

Chưa kể hiện nay, các cơ quan tố tụng của huyện đang thụ lý, giải quyết một số vụ án khác liên quan đến vấn đề này. Đối với các vụ việc, Tòa án luôn xử nghiêm theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các phiên tòa lưu động để vừa tuyên truyền pháp luật, cảnh báo, răn đe cho những người khác.

Những bản án nghiêm khắc là hình phạt cho bản thân người phạm tội cũng là bài học cảnh tỉnh những ai đang có ý định chặt phá, hủy hoại rừng trái phép. Việc xét xử của Tòa án cũng là một hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, để ngăn chặn hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, góp phần bảo vệ rừng và đảm bảo an ninh trật tự, các cấp, ngành cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đến người dân bằng nhiều hình thức phù hợp, nhất là với địa bàn đặc thù như huyện vùng cao Võ Nhai.

Hoàng Hải

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/phap-luat/202409/pham-toi-vi-khong-hieu-phap-luat-ve-bao-ve-rung-5c61b00/