Phản bác các quan điểm sai trái phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Cách mạng Tháng Tám 1945

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong ba thắng lợi vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, các thế lực thù địch luôn xuyên tạc, phát tán các luận điệu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Cách mạng Tháng Tám 1945, nhằm gieo rắc sự hoài nghi, từng bước phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng. Đây là một luận điệu hiểm độc, cần kiên quyết đấu tranh bác bỏ.

Đông đảo người dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945.

Đông đảo người dân tập trung tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2-9-1945.

Các thế lực thù địch dùng nhiều luận điệu, chiêu bài, sử dụng phương tiện, diễn đàn, nhất là mạng xã hội…để ngụy tạo sự kiện, xuyên tạc; nhân danh “khoa học”, hô hào “trả lại sự thật lịch sử”, trong đó tập trung chủ yếu vào những luận điệu sau:

Thứ nhất, Cách mạng Tháng Tám năm 1945, “không phải là cuộc cách mạng” mà chỉ là cuộc “đảo chính”; Việt Minh, Cộng sản “cướp công” của Chính quyền Bảo Đại – Trần Trọng Kim; Bảo Đại đã “tuyên bố độc lập từ ngày 11/3/1945”; Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 “hoàn toàn tự phát…"

Thứ hai, xuyên tạc Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công khi đã có một “khoảng trống quyền lực”. Đảng Cộng sản, Việt Minh, giành chính quyền là “ăn may”.

Thứ ba, ngụy tạo vai trò của Bảo Đại, thoái vị, sẵn sàng hy sinh tất cả quyền lợi cá nhân vì “lợi ích của dân tộc”,“ủng hộ người Cộng sản, Việt Minh đấu tranh”…

Các luận điệu trên đều hướng đến mục tiêu: phủ nhận hoặc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Cách mạng Tháng Tám năm 1945, từ đó, tiến tới bẻ cong sự thật, bôi đen chân lý lịch sử, gây dao động, hoài nghi đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, xóa bỏ cơ sở lịch sử về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với dân tộc Việt Nam.

Thực tế lịch sử trước, trong và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với những thắng lợi to lớn của dân tộc Việt Nam gắn liền với vai trò lãnh đạo của Đảng đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch.

Một là, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là kết quả của sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng thể hiện ở đường lối đấu tranh giành độc lập dân tộc, sự chỉ đạo tài tình, kiên quyết và sự phấn đấu hy sinh của biết bao cán bộ, đảng viên.

Từ khi thành lập năm 1930 đến năm 1945, Đảng đã từng bước trưởng thành qua phong trào cách mạng 1930 – 1931; bảo vệ, khôi phục tổ chức những năm 1932-1935; cao trào 1936 – 1939. Đặc biệt, giai đoạn 1939-1945, Đảng đã không ngừng bổ sung, phát triển đường lối chính trị đúng đắn: đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu; đoàn kết toàn dân tộc thông qua Mặt trận Việt Minh...Đến Tháng Tám năm 1945, vai trò lãnh đạo và uy tín của Đảng lên rất cao, đã tập hợp, lãnh đạo được đại đa số tầng lớp nhân dân. Trần Trọng Kim cũng phải thừa nhận: “lính bảo an và lính hộ thành…bị Việt Minh tuyên truyền xiêu lòng hết cả…Thanh niên tiền tuyến- người Chính phủ tin cậy cũng bỏ theo Việt Minh… còn các quan lại cũ lẩn nấp đâu mất cả”.

Ngày 11-3-1945, Bảo Đại tuy có ban hành một tuyên bố “độc lập của đế quốc Việt Nam”, nhưng đó chỉ là nền “độc lập bánh vẽ”. Việt Nam và Đông Dương trở thành thuộc địa của Nhật từ ngày Nhật làm đảo chính Pháp (9-3-1945). Trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Sự thật là nhân dân ta đã giành chính quyền từ tay Nhật! Đã đánh đổ chế độ phong kiến lập nên chế độ cộng hòa. Đó là sự thật lịch sử, hoàn toàn không phải là cuộc “đảo chính” càng không phải là sự “cướp công” như các thế lực thù địch xuyên tạc.

Hai là: Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công không phải do “ăn may” như các thế lực thù địch xuyên tạc mà hoàn toàn do sự lãnh đạo chủ động sáng tạo của Đảng, tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân.

Về thời cơ: Đó là tình hình quốc tế chuyển biến mau lẹ, lực lượng Đồng Minh chĩa mũi nhọn vào phát xít Nhật; quân đội Liên Xô tấn công, đập tan quân Nhật ở Đông Bắc Á; quân Mỹ tấn công Nhật Bản, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng ngày 15-8-1945. Quân Nhật ở Đông Dương hoang mang, dao động.

Về nguy cơ: Lực lượng quân Nhật ở Đông Dương tuy có hoang mang, dao động nhưng không có dấu hiệu rệu rã; quân Nhật vẫn tuyên bố “có trách nhiệm bảo vệ an ninh” cho đến khi quân đồng minh vào... Bên cạnh đó, cách mạng Việt Nam còn đối mặt nhiều thách thức, quân Tưởng (đi theo là các đảng phái phản động Việt Quốc, Việt Cách) và quân Anh mang danh nghĩa Đồng Minh tiến vào Đông Dương, quân Pháp đã ráo riết trở lại Đông Dương để nhằm khôi phục lại quyền thống trị đã mất về tay Nhật. Do đó, hoàn toàn không có một “khoảng trống quyền lực” nào ở Việt Nam vào Tháng Tám năm 1945.

Trong bối cảnh đó, Đảng ta đã nhanh chóng, quyết đoán, sáng suốt đưa ra những quyết định phát động Tổng khởi nghĩa đúng đắn, kịp thời giành chính quyền thắng lợi. Hiện thực lịch sử đó đã bác bỏ luận điệu xuyên tác về sự “ăn may” của Cộng sản và Việt Minh trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Ba là, Chính quyền Bảo Đại- Trần Trọng Kim là đối tượng của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, hoàn toàn không có vai trò gì trong thắng lợi vĩ đại này.

Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập ngày 17-4-1945 dưới sự đạo diễn và giúp đỡ trực tiếp của Nhật, thực chất là chính phủ bù nhìn. Trong hồi ký “Một cơn gió bụi”, chính Trần Trọng Kim đã viết: " Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình”. Với thân phận bù nhìn, Chính phủ Trần Trọng Kim tuy có đặt ra một số “chương trình cải cách”, song hầu như không tiến hành trên thực tế. Từ cuối năm 1944 đến đầu năm 1945, nhân dân Bắc Kỳ, Bắc Trung Kỳ phải đối mặt với nạn đói, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim bất lực trong việc giải quyết nạn đói, không có động thái nào ủng hộ Việt Minh thực hiện khẩu hiệu “đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế, phá những kho gạo thóc của đế quốc” giải quyết nạn đói; công khai ủng hộ phát xít Nhật tiếp tục theo đuổi chiến tranh; chống lại phong trào cách mạng... Do vậy, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim chính là đối tượng của cách mạng, cần phải đánh đổ.

Về việc thoái vị của Bảo Đại, đến thời điểm Tháng Tám năm 1945, ông ta vẫn có nhiều động thái để níu giữ ngai vàng, ngăn cản phong trào cách mạng. Trước sức mạnh của quần chúng, ngày 30-8-1945, Bảo Đại buộc phải công khai tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm cho Chính phủ lâm thời. Thực tiễn lịch sử đã khẳng định Bảo Đại không có vai trò gì đối với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám có giá trị to lớn đối với dân tộc Việt Nam đã đập tan xiềng xích, kìm kẹp của chế độ thực dân, phong kiến, trở thành quốc gia độc lập, có chủ quyền, chế độ dân chủ cộng hòa được thiết lập; nhân dân từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Có được kết quả vĩ đại ấy trước hết và chủ yếu là do vai trò lãnh đạo của Đảng, đó là điều không thể phủ nhận trong trang vàng lịch sử Việt Nam.

Thạc sĩ Đặng Quốc Tuyên

Trường Chính trị tỉnh Tuyên Quang

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-nha-nuoc/phan-bac-cac-quan-diem-sai-trai-phu-nhan-vai-tro-lanh-dao-cua-dang-doi-voi-cach-mang-thang-tam-1945!-160649.html