Phản bác luận điệu sai trái, xuyên tạc về di sản Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa song Người để lại cho hậu thế những di sản vô cùng quý giá. Di sản Hồ Chí Minh luôn sống mãi trong sự nghiệp cách mạng, là kim chỉ nam dẫn đường, chỉ lối cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di sản ấy là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do chính Người sáng tạo, để lại cho Đảng, dân tộc Việt Nam.

Di sản Hồ Chí Minh mang tính phổ quát, bền vững, vượt thời đại và vẹn nguyên tính thời sự. Chính vì thế, các thế lực thù địch luôn xem di dản của Người là một mục tiêu, trọng tâm chống phá. Việc nhận diện bản chất, bóc trần các âm mưu, thủ đoạn, bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc về di sản Hồ Chí Minh, qua đó góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, củng cố địa vị chủ đạo hệ tư tưởng của Đảng ta trong đời sống tinh thần xã hội có vai trò quan trọng.

Nhận diện âm mưu, thủ đoạn chống phá

Số tổ chức, cá nhân chống phá thường khoác áo “khách quan khoa học”, đội lốt “phản biện xã hội”, thậm chí họ mượn danh nghĩa “nhà nghiên cứu lý luận” hay núp bóng “nhà dân chủ”, “nhà nhân quyền” để ngụy biện tuyên truyền, đánh tráo học thuật, xảo biện các vấn đề cốt lõi trong di sản Hồ Chí Minh. Họ chống phá di sản Hồ Chí Minh cả về tư tưởng, đạo đức, phong cách, thân thế, sự nghiệp cách mạng của Người. Về tư tưởng, họ coi những luận điểm về chính trị, cách mạng của Người chỉ là bản sao của chủ nghĩa Mác - Lênin, vay mượn, cộng gộp các tư tưởng Nho giáo, Phật giáo, chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Về đạo đức, số đối tượng xấu coi đạo đức của Người chỉ là “chủ nghĩa khổ hạnh” không thể học tập, làm theo. Về phong cách, họ phớt lờ tác phong, lề lối, phương pháp cách mạng, khoa học của Hồ Chí Minh.

Về thân thế, các đối tượng xấu bịa đặt, tung tin sai lệch, thất thiệt, bôi nhọ đời tư của Người.

Họ ra sức phủ nhận sự tồn tại của tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là nhà hoạt động thực tiễn chứ không phải nhà tư tưởng để hạ thấp di sản của Người. Một số đối tượng chống phá lại giả vờ “tôn vinh”, “tuyệt đối hóa” di sản văn hóa Hồ Chí Minh bằng cách so sánh, đối lập tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin và cho rằng chủ nghĩa Mác - Lênin đã lỗi thời, lạc hậu, hiện chỉ có tư tưởng Hồ Chí Minh là có giá trị. Từ đó, đòi tách rời tư tưởng Hồ Chí Minh với chủ nghĩa Mác - Lênin. Thực chất đây chính là thủ đoạn vờ “đề cao” bên này để “hạ bệ” bên kia nhằm đả kích, chống phá bởi chủ nghĩa Mác - Lênin là nguồn gốc lý luận chủ đạo làm nên bản chất cách mạng, khoa học của tư tưởng Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, các thế lực thù địch còn cố tình cắt xén những câu nói, phát biểu, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra khỏi bối cảnh lịch sử để làm sai lệch tư tưởng của Người. Họ đối lập giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các phần tử chống phá cũng phủ nhận sự cần thiết, tính hiệu quả của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, họ còn đưa ra yêu sách vô lý, trắng trợn đòi từ bỏ việc bảo tồn di tích, bảo tàng có liên quan đến Người.

Các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội chính trị triệt để lợi dụng các tính năng ưu việt của Internet, mạng xã hội với tốc độ chia sẻ nhanh, độ tương tác rộng hay sử dụng hệ thống phát thanh, báo chí, xuất bản ở nước ngoài biến thành công cụ đắc lực phục vụ cho mưu đồ chống phá. Tính chất nguy hiểm của những phương thức, thủ đoạn chống phá ở chỗ: các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị sử dụng chiêu bài “thao túng tâm lý”; tạo dựng nhận thức sai lệch, mơ hồ, hoài nghi về lãnh tụ của cách mạng Việt Nam hòng gây hoang mang, dao động, làm lung lay niềm tin, giảm sút tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh; tìm cách triệt tiêu động lực, khí thế, quyết tâm của hệ thống chính trị, toàn xã hội trong đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Từ khi Đảng ta lấy chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động cũng là lúc các thế lực thù địch tập trung chống phá di sản văn hóa Hồ Chí Minh quyết liệt. Thấy rõ di sản văn hóa Hồ Chí Minh là linh hồn, là tài sản vô giá của Đảng, của dân tộc và nhân dân Việt Nam nên các các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị muốn phá hủy tận gốc rễ nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ biểu tượng Hồ Chí Minh trong trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam. Nhưng dù có dùng mọi chiêu trò chống phá vẫn không thể phủ nhận giá trị to lớn, sức sống trường tồn của di sản Hồ Chí Minh.

Thế giới đổi thay nhưng di sản Hồ Chí Minh sống mãi

Thực tế thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp đổi mới hiện nay là minh chứng sống động, rõ nét cho thấy những đóng góp của Chủ tịch Hồ Chí Minh cả về mặt thực tiễn và tư tưởng lý luận. Cuộc đời Hồ Chí Minh đã cống hiến hết mình cho dân tộc, như Người từng chia sẻ: “Tôi tuyệt nhiên không ham muốn công danh phú quý chút nào... Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho đời sau, Người đã tâm sự: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Trong suốt cuộc đời tận hiến cho cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chắt lọc những gì tốt đẹp nhất trong truyền thống văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại và cũng chính Người đã nâng tầm văn hóa dân tộc, đóng góp quan trọng vào dòng chảy lịch sử văn hóa thế giới. Điều này đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Tiếp nhận những tinh hoa văn hóa của nhân loại, ngăn chặn mặt tiêu cực thâm nhập, đồng thời phát huy được những giá trị xã hội và truyền thống tốt đẹp mang bản sắc dân tộc mình, đó là bản lĩnh, ý thức tự chủ, cốt cách và tinh thần độc lập của dân tộc Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển một cách sâu sắc”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, là nhà văn hóa kiệt xuất bởi vai trò thúc đẩy của Người đối với sự phát triển của lịch sử, văn hóa dân tộc Việt Nam và đóng góp vào tiến trình lịch sử, văn hóa nhân loại. Người đã làm thay đổi vận mệnh dân tộc Việt Nam, từ thân phận nô lệ trở thành dân tộc tự do, độc lập. Đồng thời, Hồ Chí Minh còn truyền cảm hứng mạnh mẽ đối với nhân dân các dân tộc thuộc địa xóa đi sự nô dịch của chủ nghĩa thực dân trên thế giới. Người đã dẫn dắt dân tộc ta thực hiện mục tiêu hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh cho đất nước của mình, đồng thời cũng góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Do vậy, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ có giá trị đối với dân tộc Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với các dân tộc bị áp bức, bóc lột trên toàn thế giới.

Không phải đến bây giờ mà cách cách đây hơn 100 năm, nhà báo người Nga Osip Emilyevich Mandelstam đã viết bài mang tên “Thăm một chiến sĩ quốc tế cộng sản - Nguyễn Ái Quốc” đã đăng trên báo Ogoniok (Ngọn lửa nhỏ) của Liên Xô xuất bản ngày 23/12/1923. Bài báo có đoạn: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa tương lai”. Tuy hơn một thế kỷ đã trôi qua nhưng nhận định sâu sắc này của O. Mandelstam vẫn vẹn nguyên giá trị, dự báo “Hồ Chí Minh là nền văn hóa tương lai” xuất phát từ việc nhà báo người Nga đã cảm nhận được trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã kết hợp nhuần nhuyễn cả tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây, cả giá trị truyền thống và giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại thời hiện đại.

Trong quá trình tiếp xúc cũng như nghiên cứu về Hồ Chí Minh, rất nhiều chính khách, học giả quốc tế bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ trước tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người. Trong đó, Chủ tịch Phiđen Caxtơrô - lãnh tụ đất nước Cuba viết: “Vinh quang đời đời thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương lớn nhất của người cách mạng vĩ đại ngày càng được khâm phục, ngưỡng mộ và luôn luôn được mến yêu không chỉ bởi nhân dân Việt Nam mà còn bởi tất cả các dân tộc khác trên thế giới”.

Ông Miyamôtô Kêngi, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Nhật Bản đã nhận định: “Đồng chí Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ lỗi lạc của nhân dân Việt Nam mà còn là một chiến sĩ lỗi lạc, một nhà hoạt động tài năng của phong trào cộng sản quốc tế”.

Tiến sĩ M. Atmét, nguyên Giám đốc UNESCO khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã khẳng định: “Chỉ có ít nhân vật trong lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó”. Những nhận xét trên hết sức khách quan, công tâm, dựa trên những đóng góp thực tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà còn đối với nhân loại.

Tư tưởng, đạo đức, phong cách và cuộc đời cách mạng vĩ đại, vẻ vang của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cống hiến to lớn, xuất sắc vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Do đó, tháng 11/1987, trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 24, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.65 về việc kỷ niệm 100 năm (vào năm 1990) ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôn vinh Người là “Anh hùng giải phóng dân tộc”, là “Nhà văn hóa kiệt xuất”; đồng thời, vinh danh Người là một trong những nhân vật lỗi lạc đã để lại dấu ấn trong tiến trình phát triển của nhân loại. Việc UNESCO ra nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất là sự kiện rất có ý nghĩa, thể hiện sự trân trọng, đánh giá khách quan của nhân loại tiến bộ đối với di sản Hồ Chí Minh; qua đó càng thấy rõ hơn tầm vóc, giá trị di sản của Người, mọi quan điểm sai trái, thù địch vì thế mà lạc lõng, vô nghĩa.

Di sản Hồ Chí Minh đã vượt qua thử thách của thời gian, trở thành biểu tượng, mạch sống của dân tộc Việt Nam. Di sản ấy là một tài nguyên văn hóa mà càng nghiên cứu, càng khai thác, càng mang lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân những giá trị bổ ích, mới mẻ. Sứ mệnh đặt ra cho mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng là kiên định, bảo vệ, vận dụng, phát triển di sản Hồ Chí Minh; đồng thời, lan tỏa, phát huy giá trị để di sản đặc biệt này trở thành một trong những động lực tư tưởng - tinh thần vô giá, giúp nâng tầm vị thế văn hóa, con người Việt Nam trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

Chu Xuân Đại Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/phan-bac-luan-dieu-sai-trai-xuyen-tac-ve-di-san-ho-chi-minh-i731730/