Phản bác luận điệu xuyên tạc về việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Trong thời kỳ mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã thiết lập được quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, mở ra hợp tác trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Trong nhiều năm qua, cùng với lượng kiều hối của người lao động Việt Nam ở hơn 40 nước có hợp tác về lao động với Việt Nam, đóng góp đáng kể cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, vẫn có những luận điệu xuyên tạc về chủ trương đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhằm hạ uy tín các cơ quan chức năng, công kích gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Xuyên tạc chủ trương đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

Tái diễn chiêu trò “bình cũ, rượu mới”, các đối tượng thường xuyên xuyên tạc phủ nhận những thành quả trong hợp tác quốc tế của Việt Nam khi tổ chức phối hợp đào tạo, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mới đây, sau khi trên trang tin của tổ chức “Việt Tân” chia sẻ bài viết với nội dung “Ơn Đảng, ơn Chính phủ, hơn 48.000 người Việt đi xuất khẩu lao động từ đầu năm”, số tay chân cộm cán đã bình luận, chia sẻ theo dạng “té nước theo mưa” nhằm định hướng dư luận theo chiều hướng tiêu cực.

Vừa qua, lợi dụng việc Bộ Thương mại Mỹ tổ chức phiên điều trần về nâng cấp quy chế thị trường cho Việt Nam, tổ chức theo dõi Nhân quyền (HRW) tiếp tục đưa thông cáo xuyên tạc việc bảo đảm quyền của người lao động, phủ nhận vai trò của Việt Nam trong việc bảo hộ công dân ở nước ngoài. Những luận điệu đó không chỉ gây bức xúc dư luận mà còn gây hoang mang đối với công dân Việt Nam đang lao động tại nước ngoài.

Trong khi đó, lao động và việc làm là một trong những quyền cơ bản của công dân được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, được cụ thể hóa bằng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như bảo đảm thực thi trong đời sống.

Điều 35 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Công dân có quyền làm việc, lựa chọn nghề nghiệp, việc làm và nơi làm việc. Người làm công ăn lương được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn; được hưởng lương, chế độ nghỉ ngơi. Nghiêm cấm phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, sử dụng nhân công dưới độ tuổi lao động tối thiểu”.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Bộ luật Lao động năm 2019 tại khoản 1, Điều 4, Chính sách về Lao động nêu rõ: “Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, người làm việc không có quan hệ lao động; khuyến khích những thỏa thuận bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động”…

Có thể khẳng định, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài bằng mọi giá, phải bảo đảm hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động ra nước ngoài làm việc cũng như sau khi về nước có vị trí làm việc phù hợp. Người lao động được tự do lựa chọn hình thức làm việc phù hợp, không bị ép buộc phải làm việc trái ý muốn. Nhà nước Việt Nam thông qua các cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài thi hành mọi biện pháp để công dân Việt Nam được hưởng đầy đủ các quyền và lợi ích theo pháp luật nước tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước sở tại ký kết, tham gia, hoặc theo tập quán quốc tế.

Khi các quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam bị xâm phạm, cơ quan đại diện có nghĩa vụ thi hành mọi biện pháp để bảo hộ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở nước ngoài được qui định tại hầu hết văn bản pháp luật của Việt Nam, như: Hiến pháp năm 2013 (Khoản 3, Điều 17), Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 (Điều 5); Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ở nước ngoài năm 2009 (Điều 8 và Điều 9), Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020…

Thời gian qua, các “nhà dân chủ giả hiệu”, các thành phần chống đối chính trị luôn tìm cách gieo rắc những quan điểm méo mó về chủ trương đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, như “Đất nước yên bình, hạnh phúc mà sao dòng người Việt cứ tìm đủ mọi cách ra đi”, “Người dân Việt Nam vẫn ồ ạt sang nước ngoài để bán sức lao động. Đây là một điều đáng buồn cho đất nước khi dân phải bỏ xứ ra đi”… Họ tìm mọi cách tán phát thông tin vu cáo, xuyên tạc, phủ nhận thành quả của công cuộc mở rộng quan hệ đối ngoại, tìm kiếm, khai thác thị trường tiếp nhận lao động có thu nhập cao, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao trình độ tay nghề, ngoại ngữ, cải thiện thu nhập, điều kiện sống của hàng trăm nghìn lao động Việt Nam mỗi năm.

Mặc dù công tác tuyên truyền luôn được các cơ quan chức năng, các nhà quản lý, các doanh nghiệp chú trọng, nhưng với vỏ bọc ngụy trang “những người yêu nước”, “các nhà dân chủ”, sự trợ giúp của mạng xã hội nên luận điệu xuyên tạc được tán phát rộng rãi trên không gian mạng, tác động không nhỏ đến nhận thức của một bộ phận người dân, người lao động nhẹ dạ cả tin; gây ra sự phân tâm, lo lắng, hoài nghi về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với người lao động; gián tiếp tác động làm giảm sự nhiệt huyết của những lao động đang có dự định ra nước ngoài làm việc hoặc cố tình “gây chiến tranh tâm lý”, tạo dựng một bức tranh “méo mó” về tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở Việt Nam, gây hoang mang dư luận.

Đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thúc đẩy xóa đói giảm nghèo

Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cho thấy, Việt Nam đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng quê hương, đất nước cũng như quảng bá hình ảnh và những giá trị tốt đẹp của đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến cộng đồng quốc tế.

Nối tiếp những kết quả tích cực đã đạt được và khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh, ngày 12-12-2022, Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 20-CT/TW “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”. Việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải gắn với định hướng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như quan hệ đối ngoại của đất nước. Và trên hết, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động luôn là ưu tiên hàng đầu.

Kết quả khảo sát gần đây cho thấy, bình quân thu nhập hàng tháng (kể cả làm thêm ngoài giờ) của lao động người Việt Nam làm việc tại nước ngoài là 400 - 600 USD (9,5 - 14,3 triệu đồng) ở thị trường Trung Đông; 700 - 800 USD (16,6 - 19 triệu đồng) ở thị trường Đài Loan… Với một số thị trường thu nhập cao như lao động có tay nghề tại Đức, mức thu nhập có thể đạt đến 27,5 - 34 triệu đồng/tháng; hoặc 52,8 - 66 triệu đồng/tháng (tại Ốt-xtrây-li-a). Bên cạnh đó, những hiệu ứng tích cực từ hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn tăng nguồn thu ngoại tệ cho đất nước. Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tính đến cuối năm 2023, lực lượng lao động Việt Nam đã có mặt tại hơn 40 quốc gia trong hơn 30 lĩnh vực, ngành nghề; bình quân mỗi năm Việt Nam đã đưa hơn 100.000 người đi làm việc ngoài nước. Lượng kiều hối do người lao động ở nước ngoài gửi về trong nước hằng năm vào khoảng hơn 3 tỷ đô-la Mỹ.

Xóa đói giảm nghèo, thậm chí ở nhiều địa phương có những làng “làm giàu” từ việc đi làm việc ở nước ngoài là những dẫn chứng sinh động khẳng định đi làm việc ở nước ngoài không phải là “tha phương cầu thực” như luận điệu mà các đối tượng thường rêu rao. Bên cạnh thu nhập cao, người lao động còn có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Sau khi hết thời gian lao động ở nước ngoài, những người lao động có tay nghề trở về nước sẽ trở thành nguồn cung quan trọng đối với doanh nghiệp nói riêng và cả nền kinh tế nói chung. Họ không chỉ có tay nghề mà còn có kinh nghiệm, trình độ ngoại ngữ, ý thức kỷ luật do được lao động thời gian dài trong môi trường chuyên nghiệp tại nước ngoài. Đây là nguồn lực để doanh nghiệp đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, xây dựng môi trường lao động kỷ luật, hiệu quả.

Những thành quả, lợi ích thiết thực nêu trên đã khẳng định chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, là minh chứng chân thực bác bỏ những luận điệu sai trái, xuyên tạc của các “nhà dân chủ”, số đối tượng chống đối chính trị. Chủ trương đưa người Việt Nam đi lao động ở nước ngoài là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước, cho nên, các đối tượng sẽ tiếp tục tìm cách tuyên truyền, xuyên tạc, gây chiến tranh tâm lý, hòng phá hoại chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Chính vì vậy, việc nâng cao chất lượng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo tinh thần chỉ đạo trong Chỉ thị số 20-CT/TW của Ban Bí thư “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới” sẽ đóng vai trò quan trọng đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Nhằm đạt được mục tiêu này, thời gian tới cần tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, Mặt trận Tổ quốc từ tỉnh đến cơ sở, phải xem công tác đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và nhân dân.

Các cơ quan chức năng đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; về Luật Lao động của Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia; nhất là ý thức chấp hành pháp luật lao động, phong tục tập quán của nước tiếp nhận lao động Việt Nam, bảo đảm các điều kiện để người lao động thực hiện tốt hợp đồng, hạn chế thấp nhất tỉ lệ lao động vi phạm pháp luật nước sở tại.

Để tiếp tục phát huy ưu thế của hoạt động đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng cần được nâng cao trong việc tìm kiếm, khai thác thị trường mới, việc làm ổn định, thu nhập cao; đồng thời quản lý tốt hoạt động của các doanh nghiệp phái cứ lao động, tránh tình trạng lừa đảo tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài; phối hợp hoạt động thông tin tuyên truyền trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (có một phần hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, thủ tục hồ sơ vay vốn lãi suất ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động các huyện nghèo)…, góp phần thúc đẩy việc làm bền vững và bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ tốt hơn công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế-xã hội ở những địa phương còn khó khăn.

TS. Phạm Viết Duy

Học viện An ninh nhân dân

Nguồn Xây Dựng Đảng: http://www.xaydungdang.org.vn/nhan-quyen-va-cuoc-song/phan-bac-luan-dieu-xuyen-tac-ve-viec-dua-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-21514