Phản bác những luận điệu xuyên tạc về nhân quyền trong các vụ án
Mỗi khi Việt Nam đưa ra xét xử một đối tượng tuyên truyền xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì một số đối tượng nước ngoài không có thiện cảm với chế độ chính trị của Việt Nam ngay lập tức tung ra những bài viết xuyên tạc về nhân quyền.
Xử lý hành vi vi phạm pháp luật
Mới nhất là trường hợp của đối tượng Phan Tất Thành (sinh năm 1986, ngụ tại TPHCM), người chống phá chế độ núp sau trang “Nhật ký yêu nước”.
Theo hồ sơ vụ án, qua công tác quản lý nhà nước về không gian mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an phát hiện tài khoản Facebook cá nhân tên “Chu Tuấn” thông qua trang Fanpage Facebook “Nhật ký yêu nước” (nay đổi tên thành “Văn Toàn”) đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng nên chuyển nguồn tin về tội phạm đến Cơ quan An ninh điều tra, Công an TPHCM tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Ngày 19-4-2023, Cơ quan An ninh điều tra, Công an TPHCM phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Viện KSND TPHCM tiến hành kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện tử từ Fanpage “Nhật ký yêu nước” do Thành quản trị. Lực lượng chức năng phát hiện có 7 bài viết, hình ảnh với nội dung có tính chất tiêu cực, sai sự thật gây hoang mang trong nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phan Tất Thành bị khởi tố, bắt giam.
Nghiên cứu hồ sơ vụ án nhận thấy, những bài viết do Phan Tất Thành đăng tải có nội dung bịa đặt, xuyên tạc, có những luận điệu cũ kỹ mà các thế lực thù địch thường sử dụng mỗi khi nhắc tới Việt Nam, như: “Đảng CSVN quyết không cho tam quyền phân lập, Chính quyền CSVN bịt kín mọi thông tin tiêu cực…”.
Mỗi người dân đang sinh sống, học tập và làm việc trên đất nước Việt Nam hiện nay chẳng thể bị lừa trước những thông tin theo kiểu so sánh về tự do, dân chủ, về đời sống xã hội… giữa Việt Nam với các nước khác để qua đó hạ thấp giá trị Việt Nam, bôi nhọ chế độ như trên. Họ ngày càng biết tự trang bị cho mình khả năng “đề kháng” trước những thông tin xấu độc, nhất là các thông tin phản động, xuyên tạc tình hình đất nước trên mạng xã hội, thể hiện bằng những bình luận phản bác trên các mạng xã hội của BBC, RFA (Đài Châu Á tự do) ngày càng chiếm số lượng lớn.
Vì vậy, khi đối tượng Phan Tất Thành bị bắt, dù các trang RFA, VNTB (Việt Nam Thời Báo) cho rằng lực lượng chức năng Việt Nam “bắt giữ kinh hoàng”, gia đình Phan Tất Thành bị đánh đập… cũng chỉ là những tiếng nói lạc lõng.
Tìm cách bôi nhọ
Để lấy ví dụ cho việc “bịt kín mọi thông tin”, bài trên RFA viết: “Phóng viên có gọi điện cho Công an TPHCM để hỏi thông tin về ông Thành cũng như cáo buộc của gia đình về việc công an đánh đập mẹ và em trai của ông. Người trực điện thoại từ chối cung cấp thông tin qua điện thoại, yêu cầu phóng viên đến trụ sở của cơ quan và liên hệ với lãnh đạo về vụ việc”. Luật Báo chí và Nghị định số 09/2017/NĐ-CP quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước đã có quy định rõ ràng. Bất cứ ai cũng có thể tra cứu để biết được quy trình phát ngôn của các cơ quan nhà nước, nên luận điệu trên của truyền thông thù địch đã trở thành “trò lố” trong mắt người dân Việt Nam.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 27-4, Fanpage Facebook “Văn Toàn” tiếp tục đăng bài viết kêu gọi các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng “lên tiếng, chia sẻ và đồng hành cùng hành trình bảo vệ quyền con người của Phan Tất Thành và người dân Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng mỗi ngày”.
Người vi phạm pháp luật thì phải bị trừng trị theo pháp luật. Hôm nay, ngày 8-5, TAND TPHCM sẽ xét xử bị cáo Phan Tất Thành về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam’’, quy định tại điểm a, b, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Nhân dân cần tỉnh táo trước những lời vu khống, kêu gọi vô căn cứ; đồng thời theo dõi thông tin về vụ án qua truyền thông chính thống của nhà nước.
Việt Nam đã 2 lần trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc là minh chứng rõ nhất về thành tựu liên quan quyền con người ở nước ta. Cuối tháng 2-2024, Việt Nam tuyên bố tái ứng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Từ nay cho tới khi Hội đồng Nhân quyền thông qua kết quả rà soát tại khóa họp 57 vào tháng 9-2024, truyền thông thù địch sẽ còn nhiều thủ đoạn để bôi nhọ, xuyên tạc, cản trở Việt Nam trong hành trình khẳng định mình trên trường quốc tế.