Phản biện Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và đóng góp Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Ngày 1-7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức cùng lúc 2 cuộc hội nghị phản biện Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và đóng góp Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Dự hội nghị có các vị ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trên địa bàn tỉnh, các vị chức sắc tôn giáo, nguyên lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh qua các thời kỳ, thành viên các hội đồng tư vấn MTTQ Việt Nam tỉnh. Đồng chí Dương Sà Kha - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đồng chí phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Cùng tham dự còn có các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Tại hội nghị, sau khi nghe lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy báo cáo tóm tắt văn kiện, trong đó nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm của văn kiện cần đóng góp, các đại biểu đã phản biện, đồng thời đóng góp nhiều ý kiến trên tất cả các lĩnh vực.
Thượng tọa Thích Minh Hạnh - Phó Trưởng Ban Thường trực Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đồng tình và thống nhất cao với đánh giá về thành tựu đạt được của tỉnh trong 5 năm qua, nhất là về thực hiện các chính sách công tác dân tộc, tôn giáo, từ đó đời sống vật chất, tinh thần cho bà con dân tộc, tín đồ tôn giáo được nâng cao và bà con tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Hồng Ân - nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đánh giá, công tác xây dựng văn kiện của Trung ương và của tỉnh rất chặt chẽ, sát với thực tế. Nhất là 5 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ tới. Đồng chí cho rằng chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân 5 năm (2021 - 2025) đạt 8,0% là quá cao, khó đạt được, cần xem xét lại. Về tỷ lệ hộ nghèo cần đánh giá đúng thực tế, không chạy theo chỉ tiêu mà cần tập trung cho chất lượng…
Đồng chí Lâm Nhưm - Hiệu trưởng Trường Bổ túc Văn hóa Pali Trung cấp Nam bộ đồng tình và nhất trí cao với dự thảo văn kiện. Nhưng tâm đắc nhất với chỉ tiêu sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao đến cuối nhiệm kỳ chiếm trên 80% sản lượng lúa toàn tỉnh. Vì tỉnh có lợi thế, nguồn giống chất lượng cao, nông dân thì cần cù, chịu khó và mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó năng suất, chất lượng sẽ cải thiện nên chỉ tiêu này rất khả thi. Đối với chỉ tiêu số 13: Đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế 100%; đạt 30 giường bệnh/10.000 dân, 10 bác sĩ/10.000 dân. Để chỉ tiêu này đạt kết quả thì tỉnh cần có giải pháp trong công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất cho trạm y tế cấp xã, nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ người dân… để người dân yên tâm, hài lòng khi được chăm sóc sức khỏe từ tuyến cơ sở.
Theo đồng chí Đào Ngọc Ngưng - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Sóc Trăng, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh đề ra mục tiêu tổng quát, trong đó có nội dung là phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh trong nhiệm kỳ cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân cả nước. Tỉnh cần xem xét lại vì Sóc Trăng là tỉnh nông nghiệp, đời sống bà con còn nhiều khó khăn và gần đây dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu nên kinh tế sẽ gặp khó khăn. Bên cạnh đó, công tác phát triển du lịch của tỉnh cần được đánh giá sâu hơn để có giải pháp khai thác, phát huy tối đa tiềm năng du lịch của tỉnh trong thời gian tới…
Ông Nguyễn Chánh Đức - Trưởng Ban trị sự Tịnh độ cư sĩ Phật hội Việt Nam tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị, xây dựng Dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, ông đề nghị trong định hướng công tác giáo dục không nên chạy theo thành tích mà cần chú trọng nâng cao chất lượng ở các cấp học. Về thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị là cần thiết và cấp bách nhưng không nên bố trí một người kiêm nhiệm quá nhiều chức vụ bởi lượng công việc quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc.
Ông Nguyễn Đại Lượng - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho rằng, kinh tế của tỉnh thời gian qua phát triển khá tốt, có số liệu chứng minh cụ thể. Tuy nhiên các lĩnh vực văn hóa - xã hội chưa “định lượng” cụ thể, mặc dù tỉnh thực hiện rất tốt công tác chăm lo cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội khác. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa trong nhiệm kỳ tới, để đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Bên cạnh đó, ông đề nghị trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cần nêu rõ các chủ trương, giải pháp, nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long để xứng tầm là vựa lương thực lớn nhất cả nước. Ngoài ra, việc tinh giản biên chế thời gian qua chưa đảm bảo sự tương đồng giữa Trung ương và địa phương...
Ngoài ra, các đại biểu phản biện nhiều ý kiến liên quan đến chủ đề đại hội, công tác quy hoạch phát triển kinh tế; phát triển giáo dục; các chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới; tiêu chí riêng cho phát triển đảng viên trong thành phần kinh tế tư nhân; sửa chữa, bổ sung một số từ, cụm từ cho phù hợp hơn; các giải pháp trọng tâm trong nhiệm kỳ tới…
Chủ tọa hội nghị cảm ơn các ý kiến phản biện, đóng góp những ý kiến hết sức tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ và báo cáo về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh, Trung ương, xem xét bổ sung các ý kiến của các đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân để đưa vào văn kiện, nhằm thể hiện được ý Đảng lòng dân trong văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.