Phản biện 'gắt' đề án điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045

Những đề xuất liên quan đến 'Đề án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045' của đơn vị tư vấn Singapore nhận được sự quan tâm phản biện của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế với nhiều ý kiến trái chiều.

Ngày 8/11, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo phản biện “Điều chỉnh quy hoạch chung TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045”.

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm và phản biện "gắt" với những đề xuất "mới mẻ, táo bạo" của đơn vị tư vấn Singapore

Nhiều chuyên gia, nhà khoa học quan tâm và phản biện "gắt" với những đề xuất "mới mẻ, táo bạo" của đơn vị tư vấn Singapore

Tại hội thảo, đại diện Công ty Subana Jurong (Singapore) – đơn vị tư vấn lập Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã trình bày đề xuất quy hoạch chung về TP. Đà Nẵng đến 2030, tầm nhìn 2045.

Theo đó, tầm nhìn chung Đà Nẵng sẽ trở thành thành phố sông nước bền vững với những bản sắc riêng gồm kết nối toàn cầu, toàn khu vực, toàn thành phố; khách biệt với không gian đô thị, kiến trúc, thiên nhiên…, là thành phố thông minh ứng dụng các công nghệ số 4.0 vào phục vụ phát triển kinh tế.

Xác định Đà Nẵng là thành phố môi trường bền vững, thành phố kinh tế bền vững, lấy con người làm trung tâm phát triển và thành phố có quản lý tốt.

Đối với tầm nhìn trở thành thành phố kết nối, đơn vị tư vấn đề xuất phát triển giao thông về phía Tây TP. Đà Nẵng (huyện Hòa Vang); mật độ đường cao tốc đề xuất là 52 km/triệu dân số (dự kiến chia sẻ 35% cho phương tiện công cộng); ở khu vực trung tâm hiện nay sẽ hình thành khu vực phố cổ, các con đường nhỏ chuyển thành đường một chiều, thu hẹp các con đường ven sông để thúc đẩy đi bộ.

Đề xuất không xây dựng cảng Liên Chiểu mà biến Vịnh Đà Nẵng thành trung tâm du lịch đẳng cấp quốc tế; mở rộng cảng Tiên Sa, trong đó, xây dựng tuyến đường cầu cạn vận chuyển hàng hóa dọc theo tuyến Điện Biên Phủ - Đống Đa – Vân Đồn phục vụ cảng biển và Nguyễn Tri Phương – Nguyễn Hữu Thọ phục vụ sân bay. Kết nối trực tiếp cảng và sân bay với đường cao tốc, đường sắt (tại vị trí mới được đề xuất) mà không ảnh hưởng đến giao thông thành phố.

Đối với vấn đề thúc đẩy giao thông công cộng với mạng lưới xe buýt nhanh, xe điện cùng các mạng lưới trung chuyển. Về sân bay, đơn vị tư vấn đề xuất, nên thực hiện quy hoạch tổng thể sân bay và dự báo không lưu đầy đủ đến năm 2045, bảo vệ ranh giới sân bay và yêu cầu thêm đất để mở rộng sân bay; nếu có thể mua đất, phương án xây dựng đường băng song song độc lập sẽ cho phép sân bay tăng trưởng độc lập hơn phương án đường băng song song phụ thuộc.

Về xây dựng thành phố với bản sắc riêng đơn vị tư vấn đề xuất đa dạng hóa cơ hội việc làm, phát huy các tài sản thành phố và tạo ra các đặc tính đô thị đặc trưng của Đà Nẵng. Về xây dựng thành phố đáng sống, đơn vị tư vấn đề xuất mô hình đô thị nhỏ, xây dựng thành phố nén, có không gian cho cây xanh và mặt nước….

Về kinh tế, đề xuất xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính thế giới. Mức tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt 10, 1%/năm , thu nhập bình quân đầu người năm 2030 là 8.700USD/người/năm; tỷ lệ tăng dân số 2,2%....

Trong 15 năm nữa khu vực phía Đông sẽ trở thành khu đô thị nén. Khu vực phía Tây phát triển cơ sở tiện ích cho lượng người nhập cư. Phía Đông thành phố mật độ vẫn còn thấp nhưng khu vực ven biển đã có quá nhiều nhà cao tầng vươn lên rồi. Đơn vị này cho biết cũng đã tính đến kết nối với tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, kết nối các khu vực trong thành phố với nhau.

Các chuyên gia, phản biện, góp ý

Các chuyên gia, phản biện, góp ý

Tham gia phản biện đề án, theo ông Maysho Prashad, Callison RTKM – Đơn vị tư vấn quy hoạch hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ về việc đánh giá Tầm nhìn, Chiến lược và Cấu trúc không gian tổng thể, sử dụng đất của đề án điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng thì việc quy hoạch thành phố cuối cùng cũng hướng đến phục vụ lợi ích của người dân, trong đó phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành phố dân số khác nhau. Đồng tình với đơn vị tư vấn về quy hoạch thành phố theo hướng xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, ông Maysho Prashad kiến nghị cần chú trọng phát triển không gian xanh, không gian công cộng. Quy hoạch giao thông cũng phải tính đến đường đi riêng dành cho hoạt động giao thông công cộng.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Shigeru Matsumura, chuyên gia Nikken Sekkei (Nhật Bản) góp ý cần đẩy mạnh tỷ lệ phương tiện giao thông công cộng trong tương lai để giải bài toán tắc đường, giảm ô tô, xe máy. Cố gắng tạo ra càng nhiều khoảng xanh đô thị càng tốt. Kiểm soát một cách bền vững và chặt chẽ các khu dân cư vùng ven trung tâm.

Còn Tiến sĩ Ngô Viết Nam Sơn thì cho rằng phương án xây dựng khu đô thị cao tầng phía Tây thành phố là không hợp lý. Thực tế thì Đà Nẵng chỉ còn quỹ đất tại phía Tây để dự trữ. Đối với vấn đề sân bay phải đó đánh giá ô nhiễm tiếng ồn.

Ông Trần Trọng Hanh – Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì không đồng tình với việc hạ thấp mức tăng trưởng GRDP Đà Nẵng. “Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng GRDP đạt 12%/năm là để Đà Nẵng đúng là đầu tàu, hạt nhân của khu vực chứ không phải cứ phát triển lẹt đẹt. Cũng vì vậy Đà Nẵng đã được kiến nghị dành riêng một số cơ chế đặc thù để GDP bứt phá có thể lên đến 12%. Cơ chế này sẽ sớm có thôi”, ông Hanh nói.

Ông Tô Kiên – Chuyên gia hãng tư vấn Nhật Bản EJEC ý kiến cần tập trung tài chính vào các ngành kinh tế mũi nhọn, tránh dàn trải. Đối với đề xuất “Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính thế giới” theo ông Kiên là không khả thi. “Có thể cân nhắc xây dựng Đà Nẵng là thành phố công nghiệp sáng tạo trên cơ sở thành phần kinh tế trẻ, hoài bão, năng động thì hợp lý hơn”, ông Kiên nói.

Ông Hoàng Vĩnh Hưng – Trưởng phòng Quản lý, phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng thì đề nghị đơn vị tư vấn phải xem xét về quỹ đất thành phố. Chỉ ra quỹ đất hiện nay có thể khai thác được là bao nhiêu, trong đó phần nào phải có tác động mới thu lại được. Trong quỹ đất khai thác đó phải chừa quỹ đất cho tương lai. Và phải có đánh giá tác động môi trường đầy đủ cho các hạng mục của đề án.

Đại diện Bộ Khoa học & Công nghệ cho rằng việc tách rời công nghệ cao với đổi mới sáng tạo là bất hợp lý. “Cụm công nghệ cao phía Tây Bắc Đà Nẵng, cụm đô thị sáng tạo lại phía Nam thành phố. Tách rời là không khả thi”.

Bà Phạm Thúy Loan – Phó Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng mong sự thay đổi cách tiếp cận của đơn vị tư vấn Singaore sẽ giúp tăng giá trị của sử dụng đất hiện tại thay vì sử dụng đất quá nhiều. Bà Loan cho rằng quy hoạch ga đường sắt ở vị trí cũ (quận Liên Chiểu) là hợp lý hơn.

Dù phát triển theo hướng nào thì Đà Nẵng cũng hướng mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân được tốt nhất

Dù phát triển theo hướng nào thì Đà Nẵng cũng hướng mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân được tốt nhất

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Đặng Việt Dũng đề nghị tư vấn tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia. Mong tư vấn với kinh nghiệm, tiếp thu sàng lọc đưa vào báo cáo để đạt kết quả tốt nhất. Đề nghị đơn vị tư vấn bám theo quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để triển khai đề án. Có đánh giá về mối quan hệ vùng, tương quan vị thế của Đà nẵng với vùng, xu hướng phát triển của vùng, của quốc tế để định vị Đà Nẵng; Đánh giá hiện trạng kinh tế, cơ cấu kinh tế, tỷ lệ lao động, năng suất lao động, đổi mới công nghệ; đánh giá về phát triển không gian, lưu ý đánh giá về quy hoạch 2013 đã làm được gì chưa làm được gì, vì sao chưa thực hiện được, thực hiện không đúng để không bị vướng vào tương lai; phải có đánh giá về hạ tầng xã hội. Đưa ra các định hướng cho TP. Đà Nẵng. Và phải lưu ý thời gian thực hiện. “Thời gian còn rất ngắn, chỉ còn 1 tháng để trình HĐND. Thành phần hồ sơ rất nhiều gồm bản vẽ, thuyết minh, phụ lục để chứng minh tính khả thi gồm cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn”, ông Dũng nói.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-bien-gat-de-an-dieu-chinh-quy-hoach-chung-da-nang-den-nam-2030-tam-nhin-2045-127977.html