Phản biện, giám định xã hội và giữ vững niềm tin khoa học

Để góp phần cung cấp các thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước về đô thị hóa, một trong các nhiệm vụ của Viện, thường xuyên và liên tục suốt 20 năm qua thể hiện qua các kết quả nghiên cứu khoa học do Viện thực hiện, được nghiệm thu ở cấp trung ương và địa phương; Các sản phẩm tư vấn được các cơ quan chủ quản chấp thuận và phê duyệt...

LTS. Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, thành lập theo sáng kiến của cố TS. Phạm sỹ liêm, vừa tiến đến cột mốc 20 năm hoạt động (1999 - 2019).

Nhân Lễ kỷ niệm sự kiện này diễn ra sáng nay, ngày 11.12 tại Hà Nội, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng), từ kết quả nghiên cứu khoa học về xây dựng, đô thị, hạ tầng và thực tiễn hoạt động tư vấn khảo sát, lập đồ án quy hoạch cho các tỉnh, thành của Viện suốt 20 năm qua, có thể nhìn thấy những thách thức cũ và mới của quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam hiện nay.

Là một Viện nghiên cứu trực thuộc Tổng hội Xây dựng Việt Nam, những hoạt động của Viện trước hết là cần phù hợp với định hướng chung của cơ quan chủ quản.

Những đơn vị nghiên cứu trực thuộc các hội nghề nghiệp thuộc hệ thống của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam nhìn chung có ba nội dung hoạt động chính: Một là tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học về lĩnh vực mà Hội và Viện quan tâm (xây dựng, đô thị, hạ tầng); Hai là tham gia các dự án tư vấn về các lĩnh vực đó; Ba là tham gia phản biện, giám định xã hội.

PGS-TS. Lưu Đức Hải

PGS-TS. Lưu Đức Hải

Để góp phần cung cấp các thông tin cho các cơ quan quản lý Nhà nước về đô thị hóa, một trong các nhiệm vụ của Viện, thường xuyên và liên tục suốt 20 năm qua thể hiện qua các kết quả nghiên cứu khoa học do Viện thực hiện, được nghiệm thu ở cấp trung ương và địa phương; Các sản phẩm tư vấn được các cơ quan chủ quản chấp thuận và phê duyệt; Các ấn phẩm và các văn bản, hội thảo, tọa đàm nhằm góp phần phản biện, giám định xã hội đã được tổ chức, in ấn, phát hành.

Hầu hết các kết quả thông qua ba nội dung hoạt động chính đó của Viện đều được các cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương, địa phương, Liên hiệp hội và Tổng hội đánh giá tốt ở mọi thời kỳ về Nghiên cứu khoa học - Tư vấn - Phản biện, giám định xã hội.

Trong các hoạt động của Viện 20 năm qua các thách thức cũ và mới đã có sự khác biệt.

Phát triển đô thị - những thách thức cũ và mới

Thời kỳ Viện mới thành lập (1999-2010), các văn bản pháp quy về lĩnh vực Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng còn chưa đầy đủ và chưa đồng bộ, do đó các Nghiên cứu khoa học - Tư vấn - Phản biện, giám định xã hội do Viện thực hiện cũng chưa bao quát được nhiều về các lĩnh vực (chẳng hạn như giao thông đô thị, ngập lụt đô thị, chất thải rắn đô thị, cây xanh đô thị... còn thiếu hoặc vắng trong các sản phẩm của Viện).

Thời kỳ này có một số đề tài được nghiên cứu, đó là: “Chống khép kín trong đầu tư xây dựng sử dụng vốn Nhà nước”, “Sử dụng tài nguyên đất Việt Nam với định cư nông thôn”, “Chính sách đất đô thị Việt Nam”, “Nghiên cứu đánh giá tình hình cấp thoát nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2010 và đề xuất kế hoạch phát triển năm 2020”.

Thời kỳ 2011-2019, các văn bản pháp quy tương đối đầy đủ và từng bước đồng bộ, song có sự điều chỉnh và bổ sung mới (Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Quy hoạch đô thị ban hành mới, các văn bản về hệ thống hạ tầng kỹ thuật còn ở cấp độ Nghị định, chưa được nâng lên thành luật...).

Đây cũng là thời kỳ mà nhận thức của các địa phương về đô thị và đô thị hóa ngày càng nhiều hơn, tốt hơn, đòi hỏi các sản phẩm của Viện về Nghiên cứu khoa học - Tư vấn - Phản biện, giám định xã hội cũng phải liên tục đổi mới, đáp ứng yêu cầu của của các cơ quan quản lý Nhà nước Trung ương và địa phương, của các cơ quan liên quan...

Trong 20 năm qua Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đã tư vấn gần 100 công trình về khảo sát, lập đồ án quy hoạch đô thị, nông thôn; thẩm định 46 công trình quy hoạch đô thị và đề án nâng loại đô thị... Trong ảnh: Chương trình phát triển đô thị thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai, năm 2013, do Viện lập. Ảnh: CTV

Trong 20 năm qua Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đã tư vấn gần 100 công trình về khảo sát, lập đồ án quy hoạch đô thị, nông thôn; thẩm định 46 công trình quy hoạch đô thị và đề án nâng loại đô thị... Trong ảnh: Chương trình phát triển đô thị thị trấn Sapa, tỉnh Lào Cai, năm 2013, do Viện lập. Ảnh: CTV

Đô thị hóa ở Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng và phát triển cả về số lượng, tỷ lệ đô thị hóa và chất lượng sống trong đô thị. Nếu như vào năm 1990 nước ta có khoảng 500 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 17-18% dân số sống trong các đô thị thì đến 2018 nước ta đã có trên 800 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt 37-38%. Năm 1990 cũng là năm tổ chức Hội nghị đô thị toàn quốc lần đầu tiên, khi đó có rất ít đô thị được lập và được duyệt quy hoạch chung đô thị.

Đến nay quy hoạch đô thị đã đi trước một bước theo đúng tinh thần của Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị, hầu hết các đô thị nước ta đều đã có quy hoạch chung được lập, được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai các bước tiếp theo, đó là: Chương trình phát triển đô thị theo quy hoạch, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết làm cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng.

Nước ta có 5 thành phố trực thuộc Trung ương và 58 tỉnh (gọi chung là 63 tỉnh thành). Trong mỗi tỉnh lại có đô thị tỉnh lỵ và một số huyện trực thuộc, mỗi huyện lại có thị trấn huyện lỵ là đô thị và một số xã (khu vực nông thôn).

Việc chuyển hóa từ nông thôn thành đô thị hay từ đô thị nhỏ thành đô thị lớn hơn đều phải được thực hiện theo quy hoạch, chương trình, kế hoạch được phê duyệt. Ở tất cả các địa phương vấn đề đô thị hóa, quy hoạch đô thị là nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết của Đảng bộ các cấp. Hầu hết các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tiêu chí về đất đai, giao thông, cấp nước, thoát nước, cây xanh, nhà ở... đều có định lượng (hoặc định tính) cần đạt được trong tương lai (gần hoặc xa) được duyệt theo quy hoạch.

Việc “điều chỉnh quy hoạch” một số đô thị ở các địa phương trong thời gian qua có hai loại hình cụ thể:

Một là, điều chỉnh theo tinh thần của Luật Quy hoạch đô thị, có quy hoạch được duyệt từ năm năm trở lên có thể điều chỉnh quy hoạch chung để phù hợp hơn với phát triển thực tế và tương lai; Hai là, điều chỉnh để đáp ứng các yêu cầu cần thiết của đô thị bậc cao hơn.

Ngày nay đô thị chính là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thường đóng góp tới 60-70% GDP, bởi ở đó tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đòi hỏi cao hơn, chuyển dần từ cơ cấu phát triển kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ là chủ đạo. Theo quy định đất nông nghiệp được quy hoạch là đô thị hay một phần đô thị của tương lai sẽ được quản lý như đất đô thị khi quy hoạch được phê duyệt.

Việc phát triển các khu đô thị mới quá sớm trên các khu đất “heo hút”, “đồng không mông quạnh” để tạo ra các quỹ nhà ở mà ở đó cung lớn hơn cầu là một trong các thí dụ điển hình về lãng phí nguồn tài chính, tài nguyên đất đô thị, không chỉ gây lãng phí cho các nhà đầu tư mà còn gây lãng phí cho những nguồn đầu tư công hoặc cho cả người dân đô thị.

Sự lãng phí có thể còn diễn ra ngay trong các khu vực đô thị cải tạo, bởi các nhà đầu tư khi lập quy hoạch chi tiết nhằm cải tạo khu vực đó có thể sẽ dẫn đến quá tải về quỹ nhà ở, về không gian, kiến trúc cảnh quan đô thị, quá tải về các hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho khu mới cải tạo (điện, nước, giao thông, thoát nước, chất thải rắn, cây xanh...), từ đó dẫn tới gia tăng đầu tư công để giải quyết sự quá tải bằng dự án đầu tư cải tạo, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.

Việc còn thiếu các báo cáo “đánh giá tác động xã hội” là một nguyên nhân dẫn tới có thể nẩy sinh lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Giữ vững niềm tin khoa học

Về mặt Nghiên cứu khoa học các đề tài được đề xuất từ các cơ quan nghiên cứu, trong đó có thể có cả đề xuất của Viện, sau đó được cơ quan quản lý khoa học cấp Trung ương (Bộ, ngành) hoặc địa phương (tỉnh, thành) tổ chức đấu thầu và đặt hàng.

Đơn vị nghiên cứu khoa học sau khi trúng thầu, được lựa chọn để nghiên cứu sẽ phải thực hiện quá trình nghiên cứu đề tài đó theo đúng đề cương đã được phê duyệt: phương pháp nghiên cứu, nội dung nghiên cứu, các báo cáo chuyên đề... nhằm giải quyết vấn đề có tính thuyết phục, khả thi. Việc nghiệm thu kết quả nghiên cứu là khách quan, cơ quan quản lý Nhà nước chủ quản đề tài sẽ thành lập hội đồng liên ngành nghiệm thu gồm nhiều nhà khoa học cao cấp, hiểu về lĩnh vực liên quan tới nội dung nghiên cứu về đề tài.

Đô thị hóa ở Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng và phát triển cả về số lượng, tỷ lệ đô thị hóa và chất lượng sống trong đô thị. Ảnh: MKT Phú Mỹ Hưng

Đô thị hóa ở Việt Nam đang có nhiều khởi sắc, tăng trưởng và phát triển cả về số lượng, tỷ lệ đô thị hóa và chất lượng sống trong đô thị. Ảnh: MKT Phú Mỹ Hưng

Chủ nhiệm đề tài và các thành viên trong nhóm phải bảo vệ kết quả nghiên cứu trước Hội đồng mà trong đó mỗi thành viên hội đồng có thể là đại diện của một cơ quan quản lý Nhà nước, ý kiến đóng góp, yêu cầu giải trình, làm rõ, thậm chí phản bác kết quả nghiên cứu chính là áp lực đối với cơ quan và tập thể nhóm nghiên cứu đề tài.

Để giữ vững niềm tin khoa học và vượt qua thách thức, áp lực có thể nãy sinh trong quá trình nghiên cứu và bảo vệ kết quả nghiên cứu lúc nghiệm thu, đòi hỏi các nhà khoa học phải vững vàng về chuyên môn, có khả năng thuyết phục các cơ quan hoặc đại diện cơ quan quản lý Nhà nước về các vấn đề còn có ý kiến khác nhau, song cũng không bảo thủ mà phải lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đúng, những ý kiến tốt, những ý kiến có thể tham khảo được để bổ xung, chỉnh sửa, hoàn thiện, làm cho sản phẩm nghiên cứu của đề tài đạt kết quả tốt nhất.

Việc còn thiếu các báo cáo “đánh giá tác động xã hội” là một nguyên nhân có thể dẫn tới nẩy sinh lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện xây dựng đô thị theo quy hoạch.

Về mặt tư vấn có phần khác với đề tài Nghiên cứu khoa học: Khác nhau căn bản là ở chỗ: đối với đề tài NCKH cơ quan nghiên cứu phải tự đề xuất quy trình, quá trình thực hiện nghiên cứu đề tài để giải quyết bài toán do cơ quan chủ quản đề tài đặt ra trong bản đăng ký đề cương nghiên cứu, còn đối với công trình tư vấn, cơ quan tư vấn phải thực hiện theo đúng quy trình, quá trình nghiên cứu đã được quy định bằng các văn bản pháp quy, quy chuẩn, tiêu chuẩn để giải quyết bài toán do cơ quan quản lý Nhà nước đặt hàng thông qua tổ chức đấu thầu, lựa chọn cơ quan tư vấn, bài toán ấy được gọi là Nhiệm vụ quy hoạch hoặc Đề cương dự án

Việc thông qua, thẩm định để được xét duyệt các công trình tư vấn khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với đề tài nghiên cứu khoa học. Trước tiên phải báo cáo cấp địa phương (cấp huyện: UBND huyện, đôi khi cả HĐND huyện); sau đó báo cáo các sở, ngành; tiếp tục báo cáo cấp tỉnh (UBND tỉnh, đôi khi cả HĐND tỉnh). Do tầm quan trọng của đô thị các nội dung này thường được ghi trong Nghị quyết Đảng bộ các cấp, khi đó cần báo cáo xin ý kiến Đảng ủy các cấp (Huyện ủy hoặc Tỉnh ủy) mỗi cuộc báo cáo ấy có vài chục thành viên của cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan hữu quan tham dự, đôi khi có cuộc hơn 100 người tham dự.

Rõ ràng là áp lực trong quá trình nghiên cứu, báo cáo, thuyết phục, giải trình... về nội dung tư vấn là không nhỏ. Việc này đòi hỏi Chủ nhiệm công trình và tập thể nhóm tư vấn phải có chuyên môn tốt, có kinh nghiệm trong nghiên cứu, trong báo cáo và có bản lĩnh trong việc trình bày tính khoa học của công trình tư vấn, đặc biệt là có sự am hiểu đa lĩnh vực, đa ngành về Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng.

Điều này lý giải tại sao các cơ quan và cá nhân tham gia công trình tư vấn phải có chứng chỉ hành nghề tư vấn nhằm đảm bảo chất lượng của các sản phẩm tư vấn.

Tính kế thừa trong phát triển đô thị

Nói về quá trình tăng trưởng và phát triển đô thị đối với hệ thống đô thị của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có nhiều thuận lợi, song cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình phát triển.

Về mặt thuận lợi, các chính sách về quy hoạch đô thị thông qua các văn bản quy phạm pháp luật đã ngày càng hoàn thiện, đặc biệt là trong 20 năm gần đây (từ khi thành lập Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng), khi Luật Xây dựng quy định về 3 loại hình quy hoạch chính: Quy hoạch xây dựng vùng, Quy hoạch xây dựng đô thị và Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, hầu hết các địa phương trong cả nước đã tiến hành đồng bộ các loại quy hoạch này.

Từ năm 2009 Luật Quy hoạch đô thị được ban hành, lần đầu tiên ở nước ta văn bản về quy hoạch đô thị được nâng thành một luật riêng. Tuy nhiên quy hoạch xây dựng vùng và quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn vẫn được thực hiện theo tinh thần của Luật Xây dựng. Đây là thuận lợi căn bản đã góp phần cho sự tăng trưởng và phát triển đô thị ở nước ta, được thực hiện theo các quy hoạch. Gần đây Luật Quy hoạch được ban hành xuất hiện 2 loại quy hoạch: Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh.

Đây là 2 loại quy hoạch mới được áp dụng ở Việt Nam, theo luật mới, nó chuyển đổi từ loại hình quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch phát triển ngành, quy hoạch nhóm ngành sản phẩm chính... có sự lồng ghép, phối hợp liên ngành được gọi là “tích hợp” các loại hình quy hoạch khác nhau (Kinh tế xã hội, quy hoạch môi trường, quy hoạch đất đai, quy hoạch Giao thông Vận tải, quy hoạch cấp thoát nước, quy hoạch năng lượng, quy hoạch quản lý chất thải rắn...).

Ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam (giữa) chúc mừng PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng) và TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng) được vinh danh trong Lễ tôn vinh 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2.11 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Trang

Ông Phạm Thế Minh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Tổng hội Xây dựng Việt Nam (giữa) chúc mừng PGS-TS. Lưu Đức Hải (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng) và TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng) được vinh danh trong Lễ tôn vinh 112 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2019, do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 2.11 tại Hà Nội. Ảnh: Minh Trang

Song do Luật Quy hoạch mới có hiệu lực, quá trình “tích hợp” các loại quy hoạch mới bắt đầu được thực hiện ở một số tỉnh, thành phố, do đó khó khăn lớn nhất bây giờ là “tính kế thừa” của nhau giữa Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh với Quy hoạch đô thị, Quy hoạch nông thôn, các quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội khác, tất cả đều bắt đầu triển khai theo tinh thần của Luật Quy hoạch, chưa được phê duyệt nên “chưa có cái để kế thừa, tham khảo”.

Trong khi đó “đô thị là một cơ thể sống”, nó hoạt động không ngừng, tăng trưởng và phát triển liên tục cả về đất đai, dân số, lưu lượng giao thông, loại phương tiện giao thông, nhu cầu cung cấp nước sạch gày càng cao, yêu cầu chiếu sáng đô thị không chỉ ngừng ở có đủ ánh sáng mà còn đòi hỏi chiếu sáng nghệ thuật làm đẹp đô thị, yêu cầu chất lượng môi trường nước, môi trường khí ngày càng phải tốt lên.. Vì thế “đô thị không thể ngồi chờ đợi” Quy hoạch được duyệt rồi mới phát triển theo quy hoạch được duyệt.

Ít nhất phải 3-5 năm nữa các loại quy hoạch tích hợp theo tinh thần của Luật Quy hoạch mới dần rõ nét và sẽ nảy sinh những khiếm khuyết mới, khi đó sẽ xuất hiện các chính sách cần phải được điều chỉnh để phù hợp với tinh thần của Luật Quy hoạch mới.

“Kết hợp ba nhà”

Sau 20 năm hình thành và phát triển, định hướng hoạt động vủa Viện đã có nhiều khởi sắc, rõ nét hơn, đổi mới hơn so với những ngày đầu thành lập:

Một là, các hoạt động của Viện phải bám sát 3 nội dung chính: Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng. Sự kết hợp hài hòa giữa 3 nội dung đã tạo nên sự phát triển bền vững, lớn mạnh của tổ chức.

Hai là, các cán bộ của Viện tham gia trong các hoạt động đó bao gồm: Nhà khoa học (tham gia nghiên cứu khoa học) - Nhà tư vấn (tham gia các công trình tư vấn) - Nhà báo (tham gia phản biện, giám định xã hội), sẽ phối hợp với nhau trong các hoạt động của Viện. Sự kết hợp hài hòa giữa “3 nhà” ấy đã tạo nên sự phát triển bền vững về con người, của mỗi thành viên trong tổ chức Viện.

Các cán bộ của Viện qua sản phẩm được tạo ra của mỗi người, họ đã đánh giá được thực trạng của đối tượng nghiên cứu, chỉ ra được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức, chỉ ra được nguyên nhân của sự yếu kém để từ đó đề ra được các giải pháp khoa học cho tương lai (đối với đề tài nghiên cứu khoa học); đề ra được các định hướng phát triển ngăn hạn, dài hạn và tầm nhìn tương lai (đối với sản phẩm tư vấn về quy hoạch đô thị, phát triển đô thị và hạ tầng); đề ra được các hướng đi tốt, nhằm khắc phục những việc làm chưa tốt (đối với Tạp chí Người Đô Thị).

Tiếng nói của “3 nhà” đã chỉ ra rằng, ngay chính trong sản phẩm nghiên cứu của mỗi người / mỗi nhà, họ không chỉ nghiên cứu, mà qua các sản phẩm ấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những nguy cơ tụt hậu, những sai lầm đã, đang và dự báo có thể xảy ra trong tương lai, và quan trọng hơn cả họ phải chỉ ra được hướng đi và những nhiệm vụ, giải pháp cần làm cho tương lai vì một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Viện, chúc tập thể cán bộ, nhân viên, các cộng tác viện của Tạp chí Người Đô thị - Những nhà báo có tâm, có tầm, có tài, yêu nghề và tâm huyết với nghề, đã từng thăng trầm với nghề trong suốt 13 năm qua kể từ ngày thành lập Tạp chí (2006), nắm chắc tay bút, tin tưởng ở tương lai, xứng đáng là một trong những đơn vị chủ lực của Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng trong các hoạt động của Viện về Xây dựng - Đô thị - Hạ tầng.

Một số nghiên cứu đô thị, hạ tầng nổi bật

Trong 20 năm hoạt động, Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sự nghiệp kinh tế nổi bật sau:

Đề tài “Chống khép kín trong đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước” (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2005); Đề tài “Sử dụng tài nguyên đất Việt Nam với định cư nông thôn”; Nghiên cứu cơ sở khoa học về “Chính sách đất đô thị Việt Nam” (Bộ Xây dựng, 2009); Đề tài “Nghiên cứu đánh giá tình hình cấp thoát nước vùng kinh tế trọng điểm phía Nam năm 2010 và đề xuất kế hoạch phát triển năm 2020”; Đề tài “Tổng quan lý luận và thực tiễn về chính sách đầu tư và quản lý phát triển không gian dịch vụ công cộng tại các đô thị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, 2010);

Dự án “Điều tra khảo sát sự phát triển đô thị của khu vực nội thành tại một số thành phố lớn và đề xuất các giải pháp khắc phục tồn tại” (Bộ Xây dựng, 2011-2012); Đề tài “Định hướng phát triển và quản lý kiến trúc hệ thống hồ thành phố Hà Nội nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị đến năm 2030 và tầm nhìn 2050” (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 2014-2015); Đề tài “Đổi mới hệ thống quản lý đất đai, hình thành thị trường bất động sản”; Đề tài “Nghiên cứu những thay đổi trong kiến trúc truyền thống các tộc người bản địa ở Tây Nguyên hiện nay” (Quỹ Nafosted tài trợ, 2013-2014);

Đề tài “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp quản lý và khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị trong phạm vi chỉ giới đường đỏ phù hợp với điều kiện của Hà Nội”“Nghiên cứu các mô hình phát triển nhà ở xã hội cho thuê thành phố Hà Nội” (Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, 2016-2018); Đề tài “Nghiên cứu xây dựng giải pháp bảo vệ không gian hồ trong đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu” (Bộ Xây dựng 2016-2018); Đề tài “Nghiên cứu định hướng và giải pháp quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới ven đô” (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2019-2020)...

PGS-TS. Lưu Đức Hải

(Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đô thị và Phát triển hạ tầng)

Xem thêm:

Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng: Xứng đáng là đơn vị khoa học dẫn đầu

Liên hiệp hội, Tổng hội tặng bằng khen cho Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/phan-bien-giam-dinh-xa-hoi-va-giu-vung-niem-tin-khoa-hoc-21574.html