Phản biện U.22 Việt Nam - Troussier

Mạnh hơn đối phương, U.22 Việt Nam đã dễ dàng đánh bại Myanmar 3-1 để đoạt HCĐ SEA Games 32. Như vậy, trong hành trình trên xứ Angkor, thầy trò HLV Troussier chỉ thua 1 trận ở bán kết.

Hậu vệ Hồ Văn Cường lập cú đúp trong trận tranh HCĐ

Hậu vệ Hồ Văn Cường lập cú đúp trong trận tranh HCĐ

Dù đó là thất bại đầu tiên sau 6 năm bất bại ở đấu trường SEA Games, nhưng đủ khiến bóng đá Việt Nam mất HCV. Không đặt quá nhiều kỳ vọng nhưng VFF và Ban huấn luyện cần nghiêm túc phân tích những điều được và chưa được từ kỳ SEA Games này.

* Nhìn từ những thông số

6 trận toàn giải, trước những đối thủ khu vực ngang tầm, U.22 VN vẫn để thủng lưới 6 bàn (chỉ giữ sạch lưới trước Lào). Đây là “kỷ lục” kể từ SEA Games 2011, khi chúng ta chỉ về thứ 4 (thua Myanmar 1-4 ở trận tranh HCĐ). Trong khi ở 2 lần giành HCV, tại SEA Games 30, đoàn quân của HLV Park Hang-seo chỉ nhận 4 bàn thua (ghi đến 24 bàn thắng), còn SEA Games 31 là kỳ tích không bị thủng lưới. Điều đáng nói, hầu hết các bàn thua đều đến từ những sai sót cá nhân của các trung vệ hoặc hệ thống phòng ngự, được lặp đi lặp lại.

Lấy công bù thủ, triết lý của HLV Troussier là cứ ghi bàn nhiều hơn. Công bằng mà nói, từ việc “tịt ngòi” ở Doha Cup, thế công của U.22 Việt Nam sáng sủa, có đường nét và hiệu quả hẳn. Nhưng cũng phải nói, ông may mắn có được một Nguyễn Văn Tùng quá “mắn” và đạt điểm rơi phong độ cao trên đất Campuchia. Trong 10 bàn thắng (cho đến trận bán kết) của U.22 Việt Nam, tiền đạo này đã chiếm đến phân nửa (5 bàn) và 2 bàn là hậu vệ Singapore và Indonesia đá phản lưới nhà.

Đáng nói, không có bàn thắng nào là sản phẩm đến từ lối chơi chủ động kiểm soát bóng, phối hợp nhóm nhỏ mà HLV người Pháp đề cao, hầu hết là từ những pha phản công bóng dài hoặc trung bình hoặc những quả tạt từ 2 cánh.

* U.22 VN có non?

So với Thái Lan, Indonesia, Malaysia, đúng là U.22 VN không có cầu thủ nào có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia tham dự AFF Cup 2022, nhưng điều đó không đồng nghĩa non nớt, thiếu kinh nghiệm.

Trong tay HLV Troussier vẫn có đến 7 gương mặt từng cùng U.23+3 Việt Nam bảo vệ tấm HCV tại SEA Games 31 trên sân nhà năm rồi: Quan Văn Chuẩn, Duy Cương, Tuấn Tài, Tiến Long, Lê Văn Đô, Công Đến, Nguyễn Văn Tùng. Đặc biệt, chỉ 10 ngày sau đó, 7 cầu thủ này cùng với bộ đôi tuyển thủ U.20 Khuất Văn Khang - Nguyễn Văn Trường, dưới sự dẫn dắt của HLV Gong Oh-Kyun đã chơi rất hay ở vòng chung kết U.23 châu Á 2022. Chỉ có vỏn vẹn 10 ngày làm việc đúng nghĩa (2 ngày sau SEA Games 31 mới tập trung), HLV trẻ người Hàn Quốc đã mang đến Uzbekistan một U.23 Việt Nam, thực chất là U.22 đầy ấn tượng.

Suýt hạ gục Thái Lan (may mắn có bàn gỡ 2-2 ở phút 90+1), xuất sắc hòa Hàn Quốc 1-1 và đánh bại Malaysia 2-0, U.23 Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất vào tứ kết trước khi dừng bước ttrước Saudi Arabia. Quan trọng hơn, đoàn quân của ông Gong Oh-Kyun đã gây ngạc nhiên tất cả bởi lối chơi hiện đại, công thủ toàn diện, hệ thống chiến thuật linh hoạt (thi đấu 3 trận vòng bảng với 3 đội hình khác nhau và sử dụng 22/23 cầu thủ).

Rõ ràng, không chỉ độ tuổi mà trình độ, đẳng cấp của sân chơi U.23 châu Á là hơn hẳn SEA Games khi các đội đều mang đến lực lượng mạnh nhất. Nếu đến Cambodia 2023 chúng ta không còn Thanh Bình, Việt Anh, Lý Công Hoàng Anh, Nhâm Mạnh Dũng thì đối thủ cũng mất đi nhiều nhân tố xuất sắc, như Thái Lan không có Ekanit Panya, Suphanat Mueanta…

Đúng là với lối chơi mới muốn xây dựng, HLV Troussier cần thêm thời gian, nhưng nói 1 tháng và 10 ngày của 2 đợt tập trung cho SEA Games 32 (cùng việc đã quen thuộc với các học trò từ đội tuyển U.19 từ 3 năm trước) là quá ít, cũng như các cầu thủ U.22 Việt Nam non nớt, thiếu kinh nghiệm e không hoàn toàn chuẩn xác.

Đông Kha

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202305/phan-bien-u22-viet-nam-troussier-3166310/