Phản biện xã hội đối với một số dự thảo nghị quyết
Sáng 9-3, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức Hội nghị phản biện đối với dự thảo nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh; dự thảo Nghị quyết Quy định nội dung, mức chi chuẩn bị tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Các đồng chí: Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; Tăng Thị Dương, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo một số sở, ngành liên quan; lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên và các Hội đồng tư vấn Ủy ban MTTQ tỉnh; MTTQ các huyện, thành phố.
Dự thảo Nghị quyết Quy định mức giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 trong trường hợp không thuộc phạm vi thanh toán Bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập trên địa bàn tỉnh quy định về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; quy định về giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2… Theo đó, xét nghiệm SARS-CoV-2 Ag test nhanh mẫu đơn mức thanh toán không quá 77.700 đồng/xét nghiệm; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng máy miễn dịch tự động hoặc bán tự động mức thanh toán tối đa không quá 178.900 đồng/xét nghiệm; xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật Realtime RT-PCR đối với mẫu đơn mức thanh toán tối đa không quá 497 nghìn đồng, mẫu gộp quy định từ 62 nghìn đồng đến 112 nghìn đồng.
Các đại biểu đồng tình với việc ban hành nghị quyết là yêu cầu cần thiết để cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của Trung ương và các quy định của pháp luật, đáp ứng mong muốn của nhân dân. Các đại biểu đề nghị làm rõ các căn cứ pháp lý ban hành nghị quyết và tới đây nếu Trung ương có thay đổi các quy định sẽ có tác động thế nào đến quá trình thực hiện. Đối với các mức giá quy định xét nghiệm, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, khảo sát để quy định mức giá phù hợp hơn với điều kiện đời sống của nhân dân trong tỉnh. Đồng thời, nên có quy định niêm yết công khai tại các cơ sở khám chữa bệnh để người dân có thể theo dõi, giám sát quá trình triển khai.
Cho ý kiến phản biện vào dự thảo Nghị quyết Quy định mức chi chuẩn bị tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các đại biểu cho rằng nghị quyết là rất cần thiết, có tác động tích cực đến hoạt động nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Trong đó, cần nêu cụ thể hơn về đối tượng phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Nghị quyết cũng cần đề cập đến một số khoản chi khác sẽ có trong thực tiễn quá trình thực hiện. Đồng thời cân nhắc nội dung mức chi phù hợp với từng hoạt động để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng nhấn mạnh, việc phản biện xã hội đối với các dự thảo nghị quyết là để các cơ quan soạn thảo lắng nghe trao đổi các ý kiến của đại diện nhân dân đối với các nội dung liên quan. Qua đó, giúp các dự thảo văn bản của chính quyền được hoàn thiện, ban hành và đưa vào cuộc sống, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Đối với nghị quyết về quy định mức giá xét nghiệm SARS-CoV-2 đồng chí lưu ý cơ quan soạn thảo cần xem xét trên cơ sở các ý kiến phản biện để điều chỉnh mức giá xét nghiệm phù hợp, theo hướng có lợi nhất cho người dân. Đối với quy định mức chi chuẩn bị, tổ chức và tham dự các kỳ thi, cuộc thi, hội thi, đồng chí đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát bổ sung các nội dung liên quan đến đối tượng, phạm vi điều chỉnh, mức chi, nội dung chi… để cho nghị quyết khi hoàn thiện sẽ tạo ra bước đột phá, thúc đẩy các hoạt động nâng cao chất lượng các kỳ thi, hội thi của ngành giáo dục. Đồng chí đề nghị các cơ quan soạn thảo tiếp thu các ý kiến của đại biểu tại hội nghị để hoàn thiện các dự thảo nghị quyết. Khi nghị quyết được ban hành, các ngành, Ủy ban MTTQ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp trong công tác tuyên truyền, triển khai nghị quyết, đồng thời giám sát quá trình triển khai thực hiện.