Phản biện xã hội dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày 22/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức hội nghị phản biện xã hội dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Dự hội nghị có lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy, các cơ quan, đơn vị có liên quan; cán bộ Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Sau gần 15 năm thực hiện, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực, góp phần bảo vệ người bị BLGĐ, xử lý các hành vi BLGĐ, vi phạm pháp luật trong phòng, chống BLGĐ, nâng cao bình đẳng giới trong gia đình. Từ đó, cấp ủy, chính quyền các cấp và nhân dân đã quan tâm, có nhiều giải pháp, nhiều mô hình sáng tạo trong phòng, chống BLGĐ.

Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn xác định phòng, chống BLGĐ, an toàn cho phụ nữ và trẻ em là nhiệm vụ trọng tâm, là chủ đề công tác triển khai trong các cấp Hội với các hoạt động hiệu quả: tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ và cộng đồng về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới; vận động phụ nữ tham gia xây dựng các mô hình về phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới; đồng thời có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ nâng cao chất lượng cuộc sống, hỗ trợ, tư vấn, lên tiếng bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em là nạn nhân trong các vụ việc BLGĐ… Qua đó, góp phần làm giảm dần số vụ BLGĐ trên địa bàn.

Tuy nhiên, tình trạng BLGĐ hiện vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, với nhiều hình thức tinh vi và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, hành vi vi phạm pháp luật phòng, chống BLGĐ khó xử lý bằng các quy định pháp luật hiện hành do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân: quy định của luật còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Do đó, sửa đổi Luật Phòng, chống BLGĐ ở thời điểm này là hết sức cần thiết, có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung ý kiến, thảo luận các vấn đề: Hành vi bạo lực gia đình tại (Điều 4); các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình (ở các Điều 20, 21, 22, 27, 41, 42, 47, 49); Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình (Điều 51); Trách nhiệm của Hội, của MTTQ và các tổ chức thành viên (Điều 58, 59).

Các ý kiến tại hội nghị sẽ được Hội LHPN tỉnh tổng hợp, xây dựng báo cáo phản biện gửi Trung ương Hội và Đoàn đại biểu Quốc Hội tỉnh nghiên cứu trình Quốc hội.

Ân Nghĩa-Mạnh Tuấn

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/phan-bien-xa-hoi-du-thao-luat-phong-chong-bao-luc-gia-dinh/d20220422160412654.htm