Phân biệt cảm lạnh và cảm cúm khi mang thai
Khi mang thai, hệ miễn dịch của phụ nữ thường suy giảm, khiến họ dễ bị cảm lạnh, cảm cúm hoặc sốt kèm sổ mũi - những triệu chứng phổ biến trong thai kỳ.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Công Định, Phó Giám đốc Trung tâm Khám và Điều trị Sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội (cơ sở 2), cho biết thai phụ cần thận trọng phân biệt giữa cảm lạnh thông thường và cảm cúm để có hướng xử trí phù hợp.
Ông nhấn mạnh nếu không được chăm sóc cẩn thận, tình trạng cảm ở thai phụ không chỉ ảnh hưởng sức khỏe của mẹ mà còn tác động đến sự phát triển của thai nhi. Đặc biệt, cảm cúm khi mang thai có thể gây nguy hiểm hơn do ngoài tác động lên người mẹ, virus còn ảnh hưởng trực tiếp đến bào thai.
Bệnh cúm thường tiến triển lành tính nhưng có thể gây biến chứng nguy hiểm ở những người có bệnh lý mạn tính về tim mạch, hô hấp hoặc suy giảm miễn dịch. Các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng có thể dẫn đến tử vong.
Ở phụ nữ mang thai, dấu hiệu cảm cúm gồm ho khan, sốt từ vừa phải đến cao, viêm họng, ớn lạnh, đau cơ nghiêm trọng, đau đầu, nghẹt mũi, chảy nước mũi và mệt mỏi kéo dài. Triệu chứng cúm ở thai phụ thường nặng và dai dẳng hơn, kéo dài từ 1-2 tuần.
Mẹ bầu có nguy cơ mắc cúm quanh năm, đặc biệt vào mùa đông. Nếu phụ nữ mang thai xuất hiện các triệu chứng cúm, cần thăm khám tại cơ sở y tế có chuyên môn trong vòng 48 giờ đầu kể từ khi có dấu hiệu. Với cảm lạnh, các triệu chứng thường bao gồm: sốt cao khoảng 38-39°C, rét run, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, đau họng, ho khan hoặc ho có đờm, hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau nhức cơ bắp, ăn không ngon miệng.
Cảm lạnh là phản ứng của hệ miễn dịch với virus, không ảnh hưởng đến thai nhi trong 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, thai phụ vẫn cần thăm khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/phan-biet-cam-lanh-va-cam-cum-khi-mang-thai-post1519592.html