Phân biệt, xử trí trúng gió và đột quỵ não

Trúng gió và đột quỵ não đều xảy ra đột ngột và dễ gây nhầm lẫn cho những người xung quanh, nếu không có cách xử lý kịp thời và đúng cách có thể gây ra nguy hiểm.

Phân biệt trúng gió và đột quỵ não

Trong thời tiết giao mùa, khi nhiệt độ môi trường thay đổi, đặc biệt khi bước vào mùa thu đông, gió lạnh cùng nắng mưa thất thường dễ khiến cho nhiều người có cảm giác mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, thậm chí tê bì, liệt mặt… gọi là trúng gió hay cảm lạnh. Những triệu chứng này tương đối giống với các biểu hiện ban đầu của đột quỵ não - một bệnh lý thần kinh nguy hiểm, có thể gây tàn phế hoặc tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Đột quỵ và trúng gió đều là hai bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng liên quan đến não bộ

Đột quỵ và trúng gió đều là hai bệnh lý nguy hiểm đến tính mạng liên quan đến não bộ

Trúng gió (trúng phong) còn gọi là cảm, thường xảy ra khi thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường, gió, lạnh, sương, nước… tác động vào cơ thể một cách đột ngột. Bất cứ ai cũng có thể bị trúng gió, nhất là những người có sức đề kháng yếu, suy nhược, làm việc quá sức, say rượu, người có tiền sử hạ đường huyết, hạ huyết áp, huyết áp không ổn định…

Trúng gió xuất hiện thường có nguyên nhân là do hệ thần kinh đối giao cảm hoạt động quá mức, tim đập chậm lại, mạch máu giãn nở ra, huyết áp hạ xuống. Biểu hiện của người bị trúng gió là đang bình thường đột nhiên chóng mặt, choáng váng. Biểu hiện rõ rệt nhất của trúng gió là ớn lạnh ở gáy, sống lưng, tay, chân, có khi kèm nhức đầu, chóng mặt, chảy nước mũi, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy.

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não, là bệnh lý tổn thương một phần não xảy ra đột ngột do mạch máu nuôi não bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ. Máu mang oxy và chất dinh dưỡng lên nuôi não. Khi thiếu máu nuôi, não sẽ ngưng hoạt động rồi chết đi trong vòng vài giây đến vài phút. Phần nào của não bị chết thì phần cơ thể tương ứng do nó điều khiển sẽ không hoạt động được, biểu hiện bằng liệt nửa người, tê và mất cảm giác nửa người, nói khó hoặc không nói được, hoặc hôn mê… Nguyên nhân gây thiếu máu nuôi não có thể là tắc mạch máu, hoặc vỡ mạch máu não. Triệu chứng báo trước: đau đầu dữ dội, chóng mặt, mất cảm giác, nói khó hoặc không nói được…

Xử trí ban đầu

Với người đột quỵ não nên cho người bệnh nằm ở nơi thoáng mát, kê đầu cao 30 độ, nghiêng về một bên. Nếu người bệnh tỉnh táo, nhanh chóng ghi lại thời gian khởi phát và thuốc men đang dùng nếu có; gọi xe cấp cứu. Chú ý vận chuyển người bệnh bằng xe có giường nằm hoặc tối thiểu là xe taxi để cho bệnh nhân nằm. Nếu người bệnh bất tỉnh, không có nhịp tim, không có nhịp thở cần tiến hành ép tim và gọi hỗ trợ ngay lập tức.

Không nên tự ý cho người bệnh uống thuốc hoặc ăn uống bất cứ loại gì. Không xoa dầu nóng, cạo gió hoặc chích máu đầu ngón tay. Không di chuyển người bệnh bằng xe máy do việc dựng người bệnh ngồi dậy, rung lắc trong lúc đi xe có thể làm huyết áp tăng vọt và chân bị liệt cọ xuống đường gây chấn thương.

Với người trúng gió, cho người bệnh nằm ở nơi kín gió, đắp chăn ấm, nằm đầu thấp hơn chân để máu dần về não và nghiêng đầu về một bên. Xoa dầu nóng vào lòng bàn tay, bàn chân, hai thái dương và vùng cổ, vai. Làm ấm cơ thể bằng cách cho uống nước gừng tươi giã nát hoặc cháo hành, cháo tía tô. Cạo gió, giác hơi hoặc bấm huyệt nhân trung nếu có kinh nghiệm. Uống thuốc hạ sốt, giảm đau, chống dị ứng… nếu cần. Đột quỵ não mặc dù không hoàn toàn do thay đổi thời tiết gây ra, tuy nhiên nhiều thống kê cho thấy, khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh.

Phòng bệnh

Để phòng tránh gặp hai tình trạng bệnh lý này vào thời điểm giao mùa cần: Giữ ấm cơ thể vào mùa đông, đặc biệt là vùng đầu cổ, tránh đi ra ngoài lúc sáng sớm hoặc đêm lạnh. Vào buổi sáng sớm, sau khi ngủ dậy, cần nằm nghỉ ngơi vài phút, có thể tập vài động tác tay chân tại chỗ trước khi ra khỏi giường. Tránh tắm quá khuya, tắm sau khi uống rượu. Sau khi tắm cần lau khô người để tránh bị nhiễm lạnh. Tăng cường bổ sung khoáng chất, vitamin, các chất dinh dưỡng và tập luyện cơ thể phù hợp để tăng sức đề kháng.

Thực tế đã có không ít trường hợp bị cảm lạnh, trúng gió, đau tim, thậm chí đột quỵ vì hạ thân nhiệt đột ngột do tập thể dục không đúng cách vào buổi sáng sớm. Bên cạnh đó, huyết áp thường tăng vào sáng sớm, nếu gặp thời tiết quá lạnh cũng sẽ dễ xảy ra tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa mặt, liệt nửa người, nhất là với những người có tiền sử huyết áp cao, người có huyết áp tăng giảm không đều, những người thể trạng yếu… Ngoài ra, với những người có tiền sử bị đau nhức xương khớp, thời điểm sáng sớm cũng là lúc các khớp, cơ, dây chằng bị căng cứng do tạm dừng hoạt động cả đêm. Vì vậy, nếu không có quá trình khởi động hợp lý trước khi ra ngoài tập thể dục, rất dễ bị tái phát các cơn đau, khiến việc đi lại, vận động càng khó khăn hơn.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phan-biet-xu-tri-trung-gio-va-dot-quy-nao-post551931.antd