Phân bổ chi tiết dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 trước ngày 31/12/2019
Đó là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 với tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.512.300.000 triệu đồng; Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.747.100.000 triệu đồng. Tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2020 là 488.921.352 triệu đồng.
Quốc hội thông qua mức bội chi ngân sách nhà nước được thông qua là 234.800.000 triệu đồng, tương đương 3,44% GDP. Trong đó, bội chi ngân sách trung ương là 217.800.000 triệu đồng, tương đương 3,2% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 17.000.000 triệu đồng, tương đương 0,24% GDP...
Để triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, tại Quyết định số 1704/QĐ-TTg ngày 29/11/2019, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao có nhiệm vụ đôn đốc các doanh nghiệp nhà nước nộp đầy đủ vào ngân sách, nhà nước phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quy định; chỉ đạo người đại diện phần vốn Nhà nước đôn đốc doanh nghiệp nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước số thu cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác phân bổ chi tiết mức vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2020, danh mục, mức vốn bố trí của từng dự án cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới trước ngày 31/12/2019, gửi phương án phân bổ chi tiết cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiêm túc chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập.
Đối với ngân sách của các địa phương, phần kinh phí dành ra từ giảm chi hỗ trợ hoạt động thường xuyên trong lĩnh vực hành chính và hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập, được sử dụng theo nguyên tắc: dành 50% bổ sung nguồn cải cách tiền lương để thực hiện chi trả tiền lương tăng thêm do tăng mức lương cơ sở trong từng lĩnh vực chi tương ứng; dành 50% còn lại thực hiện chi trả các chính sách an sinh xã hội do địa phương ban hành và tăng chi cho nhiệm vụ tăng cường cơ sở vật chất của lĩnh vực tương ứng. Việc quyết định chi cho từng nội dung do địa phương quyết định theo đúng thẩm quyền quy định tại Luật ngân sách nhà nước.
Sau khi đã bảo đảm nhu cầu cải cách tiền lương, các địa phương chủ động sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách một số địa phương phần nhu cầu kinh phí còn thiếu theo quy định.
Các địa phương có điều tiết về ngân sách trung ương, trường hợp xác định bảo đảm nguồn kinh phí cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành cho cả lộ trình đến năm 2025, không đề nghị ngân sách trung ương hỗ trợ, thì được phép trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc sử dụng nguồn làm lương còn dư này để đầu tư các dự án theo quy định của pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan trong phạm vi quản lý được giao hoàn thiện các văn bản quy định và đẩy mạnh tiến độ thực hiện về cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập của từng lĩnh vực, bảo đảm tính đồng bộ, kịp thời; Tiếp tục rà soát, tổ chức sắp xếp lại, đổi mới cơ chế hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách bảo đảm theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, căn cứ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2020 được giao, Thủ trưởng các bộ, cơ quan trung ương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc, đơn vị cấp dưới bảo đảm: Chi ngân sách nhà nước, bao gồm cả chi từ nguồn vốn vay ODA và vay ưu đãi, được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, trong phạm vi dự toán được giao; chống thất thoát, lãng phí; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính - ngân sách nhà nước, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Luật phòng, chống tham nhũng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, phân bổ dự toán chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước theo thứ tự ưu tiên đã được quy định trong Luật và Nghị quyết của Quốc hội có liên quan, ưu tiên, thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản, thu hồi vốn ứng trước; kiên quyết cắt giảm số vốn bố trí không đúng quy định; xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; tuân thủ nghiêm danh mục kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được cấp có thẩm quyền quyết định.
Bố trí chi thường xuyên đảm bảo các chế độ chính sách cho con người, kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quan trọng được giao. Thực hiện tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên; chống lãng phí, giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, bảo đảm xây dựng nền hành chính quốc gia hiện đại, kết nối thông suốt, đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước...
Căn cứ nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước được Thủ tướng Chính phủ giao, các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai giao dự toán thu, chi ngân sách năm 2020 đến từng đơn vị trước ngày 31/12/2019, thực hiện công khai và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết quả phân bổ, giao dự toán theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.