Phân bổ chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức liệu còn có ý nghĩa?

Dự kiến, trong năm 2025 các nhà trường bắt buộc phải thực hiện điểm trúng tuyển từ các phương thức khác nhau phải được quy đổi về một thang điểm chung để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong tuyển sinh. Nếu thực hiện điều đó, thì điểm trúng tuyển sẽ được xét tuyển từ cao xuống thấp.

Nhiều kỳ thi tuyển sinh, nhiều mặt trái

Hiện nay, để phục vụ cho mục tiêu tuyển sinh đại học nhiều trường đã tổ chức các kỳ thi riêng. Trong đó, có những kỳ thi thu hút số lượng khá thí sinh tham gia thi để lấy kết quả tuyển sinh.

Theo thông tin đã được công bố, Kỳ thi Đánh giá năng lực (HSA) của Đại học Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 6 đợt thi trong năm 2025, bắt đầu từ tháng 3, với quy mô khoảng 85.000 lượt thi.

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức hai đợt vào ngày 30/3 và 1/6/2025, tại 25 tỉnh/thành phố, với hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển.

Kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến tổ chức 3 đợt trong năm 2025, tại 30 điểm thi, với khoảng 75.000 lượt dự thi.

Kỳ thi Đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh dự kiến tổ chức 3-5 đợt thi tại nhiều điểm, với số lượng trên 30.000 lượt thi, sử dụng để tuyển 40-50% chỉ tiêu đầu vào.

Kỳ thi Đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, dự kiến tổ chức với sự tham gia của 22 trường đại học sử dụng kết quả để xét tuyển. Mới đây có thêm Kỳ thi VSAT được hứa hẹn có sự tham gia của 18 trường đại học trong việc tổ chức và sử dụng kết quả để xét tuyển.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều trường tổ chức các kỳ thi để phục vụ cho việc tuyển sinh đại học.

 Tuyển sinh đại học ngày càng được quản lý một cách khoa học (ảnh nguồn Đại học Quốc gia).

Tuyển sinh đại học ngày càng được quản lý một cách khoa học (ảnh nguồn Đại học Quốc gia).

Việc xuất hiện nhiều kỳ thi riêng đã nảy sinh nhiều bất cập. Như tạo gánh nặng tài chính và tâm lý áp lực thi cử cho thí sinh. Thí sinh có thể phải dự thi nhiều kỳ thi ở nhiều trường, gây tốn kém thời gian, tiền bạc, và công sức.

Việc có nhiều kỳ thi, tạo ra nguy cơ thiếu công bằng. Một số trường có thể tổ chức kỳ thi không minh bạch hoặc bị chi phối bởi yếu tố xã hội, dẫn đến mất công bằng.

Nhiều kỳ thi cũng dẫn tới thí sinh và phụ huynh có thể khó theo dõi và lựa chọn, gây rối loạn hệ thống tuyển sinh.

Đảm bảo công bằng giữa các phương thức tuyển sinh

Trước thực trạng này, báo chí và dư luận xã hội đã có những phản ánh cho thấy kỳ vọng về việc tuyển sinh đại học đơn giản, gọn nhẹ, tiết kiệm hơn so với hiện nay.

Trong vài năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có xu hướng từng bước siết chặt các kỳ thi riêng, trong đó quy định quy đổi điểm chuẩn giữa các phương thức xét tuyển được xem là một điều chỉnh nhằm tạo sự công bằng giữa các phương thức xét tuyển.

Đặc biệt tạo sự công bằng dựa trên kết quả của các kỳ thi riêng với kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tránh tình trạng, thủ khoa các khối vẫn trượt đại học vì bất bình đẳng giữa các phương thức tuyển sinh.

Theo đó, dự kiến năm 2025, điểm trúng tuyển từ các phương thức khác nhau phải được quy đổi về một thang điểm chung để đảm bảo tính công bằng và minh bạch trong tuyển sinh.

Với thay đổi như trên, đề án tuyển sinh của các nhà trường chắc chắn sẽ có thay đổi. Vì khi quy đổi điểm chuẩn thì sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp, do đó % chỉ tiêu phân chia theo từng phương thức tuyển sinh sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Một số trường từ chỗ ưu tiên xét tuyển theo kỳ thi riêng nay có xu hướng ưu tiên xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp. Điển hình nhất là Đại học Quốc Gia Hà Nội. Theo dự kiến, Đại học Quốc gia Hà Nội xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2025, dự kiến chiếm 80% tổng chỉ tiêu.

Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia tổ chức: Kết hợp với điểm tổng kết học bạ cả năm lớp 10, 11, 12 của 3 môn theo tổ hợp xét tuyển, dự kiến chiếm 5% chỉ tiêu.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số trường lại giảm tỷ lệ tuyển sinh đại học dựa theo kết quả thi tốt nghiệp. Đơn cử như Đại học Bách Khoa Hà Nội, dự kiến chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp sẽ giảm từ 50% xuống còn 40% tổng chỉ tiêu tuyển sinh.

Sự khác biệt trong quan điểm tuyển sinh của các nhà trường liên quan đến việc lựa chọn ưu tiên tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp hoặc ưu tiên theo kỳ thi riêng. Tuy nhiên, có một thực tế Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 đã có sự thay đổi. Nếu trước đây nặng về kiểm tra kiến thức thì nay lại thiên về đánh giá năng lực.

Ông Huỳnh Văn Chương - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với điểm khác biệt là thiên về đánh giá năng lực người học thay vì đánh giá kiến thức và kỹ năng như những kỳ thi trước.

Sự thay đổi đó của Kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ dẫn tới không có sự khác biệt nhiều về cách đánh giá giữa thi tốt nghiệp và các kỳ thi riêng. Vì Kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc Gia hay đánh giá Tư Duy của Đại học Bách Khoa cũng có mục đích đánh giá năng lực. Chính sự không có sự khác biệt lớn trong mục đích nên việc có nhiều kỳ thi thực tế không còn mang nhiều ý nghĩa như trước đây.

Với những thay đổi trong năm 2025 về quy chế tuyển sinh và cách thi cử của Kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể hiểu những sự phân chia chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức tuyển sinh sẽ không còn quá quan trọng. Bên cạnh đó, việc lấy đầu vào từ kỳ thi tốt nghiệp hay đầu vào từ các kỳ thi riêng cũng không còn tạo ra sự khác biệt. Bởi, tất cả các kỳ thi đều hướng đến điểm chung là đánh giá năng lực thí sinh.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phan-bo-chi-tieu-tuyen-sinh-giua-cac-phuong-thuc-lieu-con-co-y-nghia-post329221.html