Phân bổ không gian hợp lý để khai thác hiệu quả tài nguyên thủy sản
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 389/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là quy hoạch quan trọng đối với ngành thủy sản nói chung và kinh tế biển nói riêng, bởi việc lập lại trật tự và phân bổ không gian khai thác, sử dụng tài nguyên thủy sản là công việc cấp bách trong điều kiện nguồn lợi thủy sản suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn, đồng thời đây là nghề lâu đời của bà con ngư dân.
Mục tiêu cụ thể của Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản là đến năm 2030 thành lập được 27 khu bảo tồn biển, hoạt động hiệu quả với tổng diện tích vùng biển được khoanh vùng bảo tồn chiếm khoảng 0,463% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Cùng với đó, khoanh vùng 149 khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển và 119 khu vực nội địa, trong đó phân bố không gian cho khu vực bảo vệ, khu vực cấm và khu vực cư trú nhân tạo. Về khai thác thủy sản, phấn đấu tổng số tàu cá tối đa khoảng 83.600 chiếc.
Theo lộ trình điều chỉnh cơ cấu nghề, giảm số lượng tàu cá của cả nước; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giảm tối thiểu 12% tổng số tàu cá so với năm 2020 để bảo đảm phát triển khai thác thủy sản hiệu quả và bền vững. Đồng chí Lê Trần Nguyên Hùng, Trưởng phòng Bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Kiểm ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết: “Các tỉnh cần phải giảm số lượng tàu cá, tàu kéo lưới, trong đó tập trung giảm ở vùng ven bờ. Cùng với đó, phải cơ giới hóa được đội tàu cá thì mới có thể tăng năng suất khai thác thủy sản”.
Tại tỉnh Bình Thuận, Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản được ban hành vào thời điểm đang quyết liệt triển khai các giải pháp gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu (EC). Đây là công cụ pháp lý rất quan trọng để tỉnh Bình Thuận đề ra mục tiêu, xác định động lực, không gian phát triển của ngành nghề khai thác thủy sản, bảo đảm sự phát triển đồng bộ, thống nhất trong tương lai. Đồng chí Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết: “Ngay sau khi Quy hoạch bảo tồn các khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản được ban hành, trên cơ sở tiếp thu thêm ý kiến của các cơ quan, ban, ngành, chúng tôi sẽ điều chỉnh quy hoạch lại số lượng tàu cá cũng như triển khai các khu cấm khai thác thủy sản. Hiện nay, tỉnh đang rà soát lại để điều chỉnh khu bảo tồn Hòn Cau, cùng với đó sẽ triển khai quy hoạch lại khu vực đảo Phú Quý trên cơ sở hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, quốc phòng, an ninh”.
Góp ý cho kế hoạch triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, đồng chí Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, trong 81 dự án ưu tiên của quy hoạch thì chủ yếu các địa phương là chủ đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát thực hiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, các địa phương cần chủ động ban hành kế hoạch riêng để kịp thời triển khai các hạng mục dự án. Nhất là đối với các khu vực cấm khai thác để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cần sớm có thông báo cho người dân và các đơn vị đang khai thác được biết để người dân nắm được và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Để triển khai Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản, thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thúc đẩy các nhóm chính sách chuyển đổi nghề, chính sách đầu tư hạ tầng các khu bảo tồn... Cùng với đó, các tỉnh, thành phố cần tập trung thực hiện quy hoạch; căn cứ tình hình thực tế, địa phương rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, các dự án bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: “Việc lập Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cần thiết. Quy hoạch chính là cơ sở quan trọng để phân bố lại không gian cho bảo tồn, bảo vệ, khai thác thủy sản phù hợp với khả năng cho phép của nguồn lợi, của hệ sinh thái. Nếu chúng ta không làm tốt quy hoạch thì nguồn lợi thủy sản sẽ sớm cạn kiệt, khó có thể phục hồi lại được”.
Việc lập lại trật tự khai thác thủy sản trong 20-30 năm tới là công việc rất khó khăn trong điều kiện nguồn lợi thủy sản đang suy kiệt, lượng tàu cá còn rất lớn. Do đó, cần có sự vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các địa phương trong việc đưa ra các giải pháp để quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản phát huy hiệu quả trong thực tiễn.