Phân bón bằng bột đá vôi làm mưa làm gió trên thị trường
Phân bón của Công ty CP Đầu tư Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi. Phân bón của Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng 53% nhưng kiểm định chỉ có 7,2%.
Báo cáo Hội thảo Quốc gia lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam cho thấy, tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng luôn luôn âm ỉ gây thiệt hại cho bà con nông dân.
Ảnh: Hà Giang
Nhà nước đã có nhiều nghị định và thông tư ban hành về quản lý phân bón như: Nghị định 113, nghị định 191 và Nghị định 15 CP, Nghị định 163, Nghị định 185 và mới nhất là Nghị định 202 của Chính phủ… và 8 thông tư của các Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, Bộ Công Thương, nhưng tình hình phân bón giả, phân bón kém chất lượng vẫn đang tiềm ẩn gây bức xúc cũng như thiệt hại lớn chưa giải quyết được. Không những thế, tình hình ngày càng phát triển tinh vi, phức tạp hơn.
Những hành vi này xảy ra trong các cơ sở sản xuất phân bón, trong các đại lý kinh doanh phân bón và ngay cả trong các phòng kiểm nghiệm, kiểm định.
“Đặc biệt, hệ thống lợi ích nhóm, bảo kê của các lực lượng thi hành công vụ đã tham gia tiếp tay cho gian thương. Các thành phần này như “quả bom nổ chậm” phá hoại Nghị định, Thông tư, bóp méo sự thật, pháp luật, gây thiệt hại cho hàng chục triệu nông dân cũng như nền nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua”, Báo cáo viết.
Một trong những “gian thương” về phân bón trong thời gian qua có thể kể đến Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai). Công ty này đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53% nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.
Hay như Công ty CP Đầu tư Khoa học kỹ thuật và Công nghệ Việt Pháp Hà Nội, công ty này bị phát hiện 600 tấn phân bón NPK, nhiều bao bì giả mạo in tên các công ty phân bón có uy tín khác. Theo kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an thì thành phần chính trong phân bón NPK tổng hàm lượng dinh dưỡng trong 600 tấn phân bón của công ty này chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi…
Đặc biệt, mới đây là vụ án Công ty CP Thuận Phong (Đồng Nai). Mặc dù sản phẩm phân bón giả của công ty này đã bị Văn phòng thường trực 389 quốc gia phát hiện, các Bộ: Khoa học Công Nghệ, Quốc Phòng, Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 03 kết luận… nhưng trớ trêu là đã hơn 1 năm qua khi vụ việc chưa được Thủ tướng kết luận thì tỉnh Đồng Nai đã cho dỡ niêm phong và tha, xử hành chính đối với công ty này…
Cũng dẫn chứng về vấn đề này, đại diện Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh hiện có 17 công ty sản xuất phân bón với sản lượng thấp, chỉ đáp ứng khoảng 3% thị trường, với 1.018 cơ sở, đại lý kinh doanh phân bón và trong đó đa phần kinh doanh vừa và nhỏ.
Thời gian qua, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người nông dân, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh phân bón đã sản xuất, bán phân bón giả, kém chất lượng… làm ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng gây thiệt hại lớn về kinh tế của bà con nông dân.
“Do có quá nhiều loại phân bón, nhất là phân bón NPK. Do vậy, đa số các hộ nông dân chưa phân biệt thực – hư khi mua phân bón, phần lớn nghe theo các công ty, cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm. Khi mua phải phân bón giả, kém chất lượng sẽ khiến cây vàng lá, rụng lá và quả, giảm năng suất, ảnh hưởng chất lượng vườn cây, gây ô nhiễm môi trường…”, đại diện này bức xúc.
Một số đại diện đến từ các doanh nghiệp, tổ chức cũng chung nhận định, hiện Việt Nam đang có quá nhiều nhà sản xuất phân bón, trong khi chỉ càn 3 nhà sản xuất là đã đủ cạnh tranh.
Vì thế, các đại diện này kiến nghị, phải lập lại trật tự thị trường phân bón để hạn chế các tiêu cực cũng như lập lại vai trò quản lý Nhà nước. Bởi thực tế, nhiều cơ quan quản lý mặt bằng phân bón nhưng lại không có chuyên môn.
Ngoài ra, lĩnh vực phân bón Việt Nam vẫn còn thiếu tiêu chuẩn quy chuẩn, thiếu phòng phân tích trọng tài.. để tránh việc cơ quan này phân tích ra kết quả này nhưng cơ quan khác phân tích lại cho ra kết quả khác.
“Nếu giải quyết được vấn đề phân bón giả, kém chất lượng thì sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường, hạn chế ảnh hưởng sức khỏe, hạn chế tác hại đến kinh tế của người nông dân, đảm bảo chất lượng sản phẩm nông nghiệp để cạnh tranh trên thị trường thế giới. Nói chung, muốn chống phân bón giả phải có con người thật, để từ đó mang lại niềm tin cho người nông dân”, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới nhấn mạnh tại Hội thảo.
Trước những vấn đề đặt ra, Báo cáo của Bộ Công Thương cũng thừa nhận, cơ quan này đã phát hiện nhiều vụ việc vi phạm quy định về chứng nhận hợp quy chất lượng phân bón rất lớn với quy mô, loại hình hoạt động rất khác nhau, sản phẩm đa dạng phong phú. Trong khi đó, lực lượng quản lý còn mỏng cả về nhân lực, phương tiện và kinh phí hoạt động nên công tác quản lý phân bón còn gặp nhiều khó khăn.
Cụ thể hơn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, thị trường phân bón của Việt Nam có tác động tới trên 60% bà con nông dân là những khách hàng của mặt hàng này. Trong khi đó, tình hình thị trường phân bón phức tạp, chưa được kiểm soát một cách hiệu quả là có thật.
“Vì thế, có nhiều vấn đề cần phải điều chỉnh trong thời gian tới. Việc phân định vai trò quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công Thương trong Nghị định 202 đã rất rõ ràng, tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện còn nhiều bất cập”, Thứ trưởng cho biết.
Thứ trưởng cũng nhận sai sót thời gian qua chưa hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật, pháp lý…khiến chưa phân định rõ trách nhiệm, quản lý. Do vậy, trong năm tới sẽ cố gắng chấn chỉnh lại thị trường phân bón ổn định hơn. Cụ thể, sẽ rà soát lại các khuôn khổ pháp lý, rà soát lại Nghị định 202, thông tư 29 cùng với một loạt nội dung sẽ được điều chỉnh như: Quy mô, điều kiện… của doanh nghiệp sản xuất phân bón…
Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc thời gian tới giao lĩnh vực phân bón cho một đầu mối quản lý.
Ông Lại Xuân Môn, Ủy viên TW Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam, đại diện Chủ tịch đoàn chủ trì Hội thảo cũng cho biết, từ những kiến nghị tại Hội thảo, sẽ xem xét, tiếp thu, tập hợp các ý kiến của đại biểu để kiến nghị Quốc hội. Trước mắt sẽ đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ sửa đổi Nghị định 202 để đáp ứng mong mỏi của người nông dân, hạn chế những thiệt hại về kinh tế do nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng gây ra./.