Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) nỗ lực vượt thách thức, đẩy lợi nhuận quý I gấp đôi kế hoạch năm
Kể từ đầu năm đến nay, nhu cầu sử dụng phân bón của nông dân giảm mạnh, từ 15 - 20%. Tình hình xâm nhập mặn ngày càng gia tăng, giá cả nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục chiều hướng suy giảm. Tình trạng nhập khẩu phân bón nói chung và urê nói riêng từ nước ngoài vào thị trường nội địa duy trì xu hướng gia tăng, trong khi nguồn cung trong nước dồi dào.
Ðại dịch Covid-19 khiến thương mại toàn cầu, cũng như việc giao thương bị gián đoạn, nên xuất khẩu thêm phần khó khăn. Bên cạnh đó, Quốc hội chưa thông qua phương án sửa đổi, bổ sung Luật 71/2014/QH13 thuế giá trị gia tăng về phân bón, ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Tất cả những khó khăn trên khiến CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) xác định phải nỗ lực ngay từ đầu năm, nhờ đó, Công ty đã đạt kết quả khả quan trong quý I.
Cụ thể, sản lượng sản xuất ở mức cao với 226.000 tấn; sản lượng tiêu thụ đạt gần 200.000 tấn, chiếm 88,5% sản lượng sản xuất, cho thấy khả năng bán hàng để giảm lượng tồn kho khi thấp vụ; lợi nhuận đạt 91 tỷ đồng, gấp đôi kế hoạch cả năm 2020.
Kết quả kinh doanh khả quan góp phần giúp thị giá cổ phiếu DCM tăng 50% từ đầu năm đến nay.
Song song với nỗ lực vượt khó, DCM cũng nhận thấy tình hình thị trường sẽ tích cực hơn trong quý II khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát phần nào ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tại Việt Nam, Chính phủ nỗ lực vực dậy nền kinh tế bằng nhiều biện pháp, mở lại giao thương, tạo hành lang pháp lý để các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh phân bón không bị giảm sức cạnh tranh qua việc sửa Luật 71 - đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế VAT.
Bên cạnh đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh khi nhu cầu lương thực trở nên cấp bách sau đại dịch. Cùng với đó, quý II bước vào cao điểm hè thu, xu hướng sử dụng phân bón cũng tăng cao.
Ðể đón đầu cơ hội, từ cuối quý I, ngoài tích cực tìm kiếm thị trường mới, DCM cũng tăng cường xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như Thái Lan, Myanmar để tăng sản lượng tiêu thụ, giảm hàng tồn kho trong điều kiện diện tích canh tác trong nước bị thu hẹp.