Phân bón không được áp thuế GTGT: Nông dân không được lợi, ngành phân bón 'thua trên sân nhà'!

Không áp dụng thuế GTGT với mặt hàng phân bón thì phân bón từ nước khác tuồn vào Việt Nam và cuối cùng là người nông dân không được hưởng lợi mà doanh nghiệp của Việt Nam lại chịu thiệt.

Bắt đầu từ năm 2015, với sự ra đời của Luật 71/2014/QH13, mặt hàng phân bón đã chuyển từ diện áp dụng thuế suất thuế Giá trị gia tăng (GTGT) 5% sang đối tượng không chịu thuế GTGT. Việc này nghe qua tưởng như sẽ có lợi cho doanh nghiệp (DN) và nông dân, nhưng thực tế thì không những không giúp nông dân hưởng lợi từ giá phân bón như mục tiêu đề ra ban đầu của chính sách này, mà còn gây ra hiệu ứng ngược hoàn toàn.

Việc phân bón không chịu thuế GTGT dẫn đến toàn bộ thuế GTGT đầu vào phục vụ cho sản xuất kinh doanh phân bón không được khấu trừ, và doanh nghiệp phải hạch toán vào chi phí. Điều này làm cho giá thành sản phẩm tăng từ 5-8%, dẫn đến giá phân bón đến tay bà con nông dân cũng bị tăng theo. Và kéo theo đó là chi phí đầu tư cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng lên đáng kể, do phân bón là vật tư thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp, chiếm khoảng 40-50% chi phí sản xuất.

Cả người nông dân, doanh nghiệp và nền nông nghiệp đều bị thiệt hại vì những bất cập từ Luật 71

Cả người nông dân, doanh nghiệp và nền nông nghiệp đều bị thiệt hại vì những bất cập từ Luật 71

Theo tính toán, riêng các đơn vị sản xuất phân bón trong Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thì một năm đã bị mất khoảng 800 tỷ vì không được khấu trừ thuế GTGT. Và con số này sẽ tăng lên nếu tính trong toàn ngành phân bón của Việt Nam, khoảng 4.000 tỷ đồng/năm.

Không chỉ thế, Bộ Công Thương đánh giá rằng, khi không được khấu trừ thuế GTGT thì tự nhiên phân bón nội địa bị “thua trên sân nhà” với sản phẩm nhập khẩu. Bởi thực tế cho thấy, Luật 71/2014/QH13 còn tạo điều kiện cho phân bón nhập khẩu tràn vào Việt Nam một cách đột biến do giá thành cạnh tranh hơn so với phân bón trong nước vì chính sách thuế GTGT. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, lượng phân bón nhập khẩu các loại năm 2014 (thời điểm trước khi Luật 71/2014/QH13 được áp dụng) chỉ là 3,7 triệu tấn thì đến năm 2017 con số này đã là hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 2 triệu tấn, riêng đạm urê tăng gần 2,5 lần.

Đặc biệt, với việc hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu ở Việt Nam theo cam kết của các Hiệp định Thương mại tự do (FTA), doanh nghiệp nước ngoài càng có điều kiện hạ giá bán phân bón mạnh để cạnh tranh với phân bón nội địa. Thực tế là các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong khu vực, kể cả các doanh nghiệp sử dụng công nghệ lạc hậu, đều được hậu thuẫn để chen chân vào thị trường Việt Nam. Điều này được các nhà kinh tế, nông nghiệp cảnh báo có nguy cơ đẩy ngành sản xuất phân bón Việt Nam đi thụt lùi.

Ngoài ra, sản phẩm nông nghiệp và môi trường có khả năng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bởi lẽ các loại sản phẩm được sản xuất bằng công nghệ lạc hậu giá rẻ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới môi trường và nông sản đầu ra, và đây chính là nguy cơ rất lớn cho ngành nông nghiệp nước nhà. Đó là chưa nói đến việc phụ thuộc vào nguồn cung phân bón từ nước ngoài sẽ khiến nền nông nghiệp và an ninh lương thực của nước nhà trở nên lệ thuộc và hết sức mong manh!

Trước những thực tế bất lợi đó, các bộ ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp đều đồng tình ủng hộ việc việc sửa đổi Luật 71. Gần đây, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng về vấn đề thuế GTGT phân bón và Thủ tướng Chính phủ đồng ý sửa đổi nhưng chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá sửa đổi với nhiều vấn đề không chỉ riêng về thuế GTGT phân bón. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính xử lý vấn đề này.

Mới đây, tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với PVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đã một lần nữa đề cập đến việc phải sửa Luật 71/2014/QH13. Theo Thứ trưởng Đặng Hoàng An thì trước khi PVN có các văn bản kiến nghi sửa Luật 71 thì Bộ Công Thương đã có nhiều văn bản về việc này.

"Cái này không phải kiến nghị của dầu khí mà nó liên quan đến cả Tập đoàn Hóa chất, các nhà máy sản xuất phân bón khác sản xuất trong nước. Chúng ta không được khấu trừ thì tự nhiên mình thua trên sân nhà với sản phẩm nhập khẩu. Chúng tôi kêu 3 năm rồi, ngành phân bón sang Bộ Nông nghiệp rồi, cũng tiếp tục kêu", Thứ trưởng Đặng Hoàng An nói.

Cùng chia sẻ về câu chuyện của Luật 71/2014/QH13, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho hay, vấn đề áp dụng thuế GTGT cho mặt hàng phân bón không phải vấn đề mới. Trước đây khi Chính phủ trình thì cũng thảo luận vấn đề này rồi nhưng Quốc hội không đồng ý với lý do muốn hạ giá phân bón để có lợi cho người nông dân bởi vì Nghị định thuế GTGT có lợi cho doanh nghiệp mà không có lợi cho người nông dân. Nhưng thời gian qua nó lại phát sinh một câu chuyện là không áp dụng thuế GTGT thì phân bón từ nước khác tuồn vào Việt Nam và cuối cùng là người nông dân không được hưởng lợi mà doanh nghiệp của Việt Nam lại chịu thiệt.

Để tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến trình tự, quy trình sửa đổi phức tạp, Bộ Tư pháp cho biết, Bộ Tài chính có thể áp dụng theo thủ tục rút gọn để đẩy nhanh tiến độ xử lý vấn đề. Như cần thiết có thể báo cáo trình Chính phủ cho sửa trước 1 điều quy định về thuế GTGT với phân bón. Về phía Văn phòng Chính phủ mới đây cũng có ý kiến rằng, trong quá trình chờ thay đổi Luật 71 thì Bộ Tài chính nên có kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết để thay đổi.

Rất mong những bất cập của Luật 71 sẽ sớm được sửa đổi để người nông dân, doanh nghiệp và nền nông nghiệp trong nước được nhờ!

L.T

Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/phan-bon-khong-duoc-ap-thue-gtgt-nong-dan-khong-duoc-loi-nganh-phan-bon-thua-tren-san-nha-578583.html