Phản cảm chuyện 'người lớn hóa' nhạc Việt

Liên tục xuất hiện những ca khúc với nội dung phản cảm trong nhạc Việt khiến nhiều khán giả bức xúc.

tlinh là một trong những nữ nghệ sĩ nổi bật nhất thế hệ Gen Z. Được đánh giá cao về tư duy âm nhạc, kỹ năng cũng như trình diễn, tlinh ngày càng đạt được nhiều thành công, nắm trong tay loạt hit đình đám được đông đảo khán giả yêu mến.

Tuy nhiên, tlinh sẽ không còn là tlinh nếu thiếu đi những tranh cãi xoay quanh nữ nghệ sĩ trẻ này. Một trong những câu chuyện nổi cộm của tlinh khiến nhiều người băn khoăn nhất chính là việc nữ nghệ sĩ thích hát những ca khúc có nội dung người lớn. Gần đây, ca khúc Fever của tlinh và Coldzy lọt top thịnh hành âm nhạc đồng thời tạo ra nhiều phản ứng bức xúc ở một bộ phận người nghe.

Tràn lan nhạc phản cảm

Trên thực tế, những ca khúc mang nội dung ẩn dụ chuyện người lớn đã bắt đầu len lỏi vào âm nhạc Việt Nam nhiều năm trước. Điển hình nhất và gây tranh cãi nhất chắc chắn là Oh My Chuối của nữ ca sĩ Sĩ Thanh.

Bản OST của bộ phim Chung cư số 69 từng nhận về làn sóng chỉ trích dữ dội từ khán giả. Mặc dù sở hữu giai điệu vui tươi và sôi động, nhưng phần ca từ quá dung tục đã gây phản cảm nơi người nghe. Sau làn sóng tẩy chay của khán giả, bộ phim Chung cư số 69 cũng bị hủy và không ra mắt thêm tập nào cho đến hiện tại.

Như cái lò của Huyền Sambi cũng từng là một ca khúc được xếp vào hàng thảm họa nhạc Việt. Từ phần ca từ cho đến cách dàn dựng MV, Như cái lò khiến người xem đỏ mặt gai mắt bởi những tình tiết quá mức gợi cảm. Chưa kể, cách hát nhấn nhá có chủ ý của Huyền Sambi cũng khiến người nghe cảm thấy ngao ngán.

Chi Pu cũng là trường hợp gây tranh cãi với hai dự án Mời anh vào team em và Black Hickey. Xuyên suốt các sản phẩm, Chi Pu không ngần ngại biến hóa bản thân với hàng loạt tạo hình từ sexy, bí ẩn, ma mị cho đến... bị đánh giá phản cảm. Không thể phủ nhận những set quay trong MV của Chi Pu đều rất đẹp đẽ, chỉn chu, tuy nhiên lại vượt khá xa khả năng tiếp thu của khán giả tại thị trường Việt Nam. Thậm chí MV Black Hickey còn bị lên án vì những hình ảnh được cho là cổ súy tình dục chốn công sở. Những phân cảnh nóng bỏng của cặp đôi trong thang máy, bàn làm việc,... khiến nhiều người không khỏi ngượng ngùng.

Quay lại với trường hợp của tlinh, một nghệ sĩ với tư duy hiện đại, tân thời nhưng cũng không thoát khỏi sự phản cảm vì thiếu đi sự tiết chế trong cái tôi âm nhạc. Trên dưới một lần, tlinh khiến các bậc phụ huynh đắn đo về những bản hit của cô. Đối tượng khán giả của tlinh đa phần là những bạn trẻ, thế nên việc nhiều người e ngại về tác động từ âm nhạc của giọng ca này là điều hoàn toàn hợp lý.

Nếu là fan US-UK, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy sự quen thuộc của tlinh với những nghệ sĩ như Doja Cat, Meghan Thee Stallion,... những MV nóng bỏng không chỉ gói ghém trong phân cảnh trên màn hình, mà còn ẩn chứa trong vô vàn phương diện như lyric, tiểu tiết, cách hát đầy sự câu dẫn,... Tuy nhiên, khác với sự phóng khoáng của thị trường âm nhạc phương Tây, khán giả Việt Nam không dễ dàng tiếp nhận những sản phẩm quá táo bạo, thậm chí đi ngược với những định kiến về thuần phong mỹ tục, nhất là việc tình dục hóa âm nhạc.

Chấp nhận hay đương đầu?

Tình dục hóa âm nhạc, hay còn gọi là sexualization of music, là việc sử dụng các yếu tố tình dục trong âm nhạc, bao gồm ca từ, hình ảnh, video âm nhạc và vũ đạo, nhằm thu hút sự chú ý và khơi gợi ham muốn tình dục của người nghe. Hiện tượng này ngày càng phổ biến trong nhiều thể loại nhạc, đặc biệt là nhạc pop, rap và R&B. Những ca khúc với chủ đề này bắt đầu nổi lên ở thị trường phương Tây nhiều năm trước và trở thành một xu hướng âm nhạc tới tận ngày nay.

Việc những nghệ sĩ trẻ của Việt Nam bắt kịp xu hướng âm nhạc thế giới là điều rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, thành quả và hệ quả từ sự tiếp cận đó mới chính là điều mà khán giả quan tâm. Và chìa khóa để tạo nên một sản phẩm vừa vặn chính là sự cân bằng và tiết chế. Bên cạnh đó, những nghệ sĩ cũng có thể chủ động trong việc định hướng đối tượng khán giả của các sản phẩm này thông qua việc gắn nhãn.

Bảo Anh từng cho ra mắt ca khúc 18+ mang tên Lần đầu. Nhưng nhờ việc sử dụng câu từ hoa mỹ và tinh tế, nên ca khúc không tạo ra sự phản cảm. Văn Mai Hương cũng khiến khán giả mê đắm với Martini - Một sáng tác đầy sự nóng bỏng của Hứa Kim Tuyền. Hay gần đây, hiện tượng Wren Evans cũng gây sốt với ca khúc Bé ơi từ từ đậm đà màu "đen tối".

Từ đó có thể thấy được, những ca khúc mang nội dung người lớn hoàn toàn có thể chinh phục được tai nghe khán giả nếu nó được đóng khung trong một giới hạn vừa đủ. Khán giả Việt Nam chưa bao giờ ngừng mong muốn âm nhạc nước nhà được phát triển, nhưng đi cùng đó vẫn là việc giữ được tính chất thuần phong mỹ tục từ lâu đời.

Dễ dàng nhận thấy lứa nghệ sĩ Gen Z đang chiếm ưu thế trong việc trở thành bộ mặt mới của âm nhạc Việt Nam. Những tài năng trẻ phát triển như vũ bão từ tư duy âm nhạc cho đến làm nghề. Những nghệ sĩ với tư duy cởi mở và hào phóng mang đến cho bản đồ nhạc Việt những nét chấm phá vô cùng thú vị. Nhưng đi cùng với đó, nhận thức về thị trường mình đang hoạt động vẫn cần thiết là kim chỉ nam để đưa âm nhạc phát triển theo cách tích cực và văn minh.

Minh Quân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/am-nhac/phan-cam-chuyen-nguoi-lon-hoa-nhac-viet-202406190040461757.html