Phân cấp mạnh mẽ thẩm quyền quản lý nội ngành của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong nhiều lĩnh vực

Thẩm quyền quản lý nội ngành của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đã được phân cấp mạnh mẽ từ ngày 1/7/2025.

Thẩm quyền quản lý nội ngành của Bộ trưởng Bộ Tài chính được phân cấp trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: internet

Thẩm quyền quản lý nội ngành của Bộ trưởng Bộ Tài chính được phân cấp trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: internet

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư quy định phân cấp thẩm quyền quản lý nội ngành của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.

Thông tư này áp dụng với đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính (bao gồm Cục loại 1 thuộc Bộ Tài chính, các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính và các đơn vị dự toán cấp 2 khác); Đơn vị sử dụng ngân sách thuộc Bộ Tài chính; Đơn vị sử dụng ngân sách thuộc Cục loại 1; Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phân cấp quản lý ngân sách, tài sản công, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Tài chính.

Trong đó, Cục loại 1 là Cục Thuế, Cục Hải quan, Cục Dự trữ nhà nước, Kho bạc nhà nước, Cục Thống kê, Ủy ban Chứng khoán nhà nước. Đơn vị dự toán cấp 2 là đơn vị dự toán ngân sách được Bộ trưởng Bộ Tài chính (đơn vị dự toán cấp 1) giao dự toán ngân sách nhưng không phải là đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Trong quản lý ngân sách, Thông tư quy định, thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định phân bổ và giao dự toán, điều chỉnh dự toán ngân sách đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách thuộc phạm vi quản lý theo quy định; Quyết định giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý (không bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quyết định giao quyền tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập cấp trên trực tiếp thuộc đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính).

Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp 2 thuộc Bộ Tài chính còn có quyền quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở (bao gồm dự toán kinh phí thực hiện) theo quy định về tổ chức và hoạt động của đơn vị; Quyết định phê duyệt và phê duyệt điều chỉnh các nhiệm vụ theo quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng làm căn cứ lập dự toán ngân sách hằng năm.

Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách thuộc Bộ Tài chính có thẩm quyền quyết định phê duyệt nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở (bao gồm dự toán kinh phí thực hiện) theo quy định về tổ chức và hoạt động của đơn vị.

Trong quản lý đầu tư xây dựng, một trong những thẩm quyền của Cục trưởng Cục loại 1 là quyết định chủ trương đầu tư, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định việc dừng chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công từ nguồn thu hợp pháp của Cục dành để đầu tư.

Cục trưởng Cục loại 1 còn có quyền quyết định đầu tư, điều chỉnh quyết định đầu tư và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành đối với dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công; Quyết định phê duyệt, điều chỉnh nhiệm vụ và dự toán kinh phí chi thường xuyên thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới hạng mục công trình trong các dự án đã đầu tư xây dựng có tổng dự toán kinh phí thực hiện không quá 20 tỷ đồng/nhiệm vụ.

Tại Thông tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ trong quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; Phân cấp thẩm quyền liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công.

Bên cạnh các quy định về phân cấp thẩm quyền, Thông tư cũng quy định cụ thể việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm trong vấn đề này.

Theo đó, hoạt động giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp được thực hiện đồng thời thông qua các phương thức: Giám sát định kỳ theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giám sát đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm hoặc theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Hoạt động kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp được thực hiện đồng thời thông qua phương thức tự kiểm tra; Phương thức kiểm tra định kỳ, đột xuất theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc khi có dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật trong các lĩnh vực quản lý ngân sách, quản lý, sử dụng tài sản công, đầu tư xây dựng, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về phân cấp thẩm quyền theo quy định hoặc thực hiện không đúng các quy định pháp luật chuyên ngành có liên quan sẽ bị xử lý. Cụ thể, có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý trực tiếp, cơ quan cấp trên, cơ quan thanh tra, kiêm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành;Bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại theo quy định pháp luật; Tùy theo mức độ vi phạm bị xử lý theo quy định pháp luật.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức không trực tiếp vi phạm nhưng để xảy ra tình trạng thực hiện không đúng quy định về phân cấp cũng có trách nhiệm giải trình theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân cấp trên, cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành; Tùy theo mức độ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Thông tư nêu rõ, tổ chức, cá nhân đã được phân cấp thẩm quyền theo quy định tại Thông tư này không được phân cấp tiếp nhiệm vụ, quyền hạn mà mình được phân cấp, chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về kết quả thực hiện nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp, không lấy thêm ý kiến của các đơn vị khác thuộc Bộ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ làm ảnh hưởng đến tiến độ, thời hạn giải quyết nhiệm vụ được giao.

Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định điều chỉnh việc phân cấp một số nội dung cụ thể khác với Thông tư này.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/phan-cap-manh-me-tham-quyen-quan-ly-noi-nganh-cua-bo-truong-bo-tai-chinh-trong-nhieu-linh-vuc.html