Phân cấp quản lý nghệ thuật biểu diễn: Tăng quyền lợi và trách nhiệm của địa phương

Tại Hội nghị Tổng kết công tác nghệ thuật biểu diễn năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024 diễn ra cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông yêu cầu các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, cấp phép, kiểm soát kỹ lưỡng về chất lượng các sự kiện biểu diễn nghệ thuật, các hoạt động cấp phép các cuộc thi hoa hậu phù hợp với điều kiện, mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Theo Thứ trưởng Nghị quyết 04 của Chính phủ và Nghị định số 144, việc cấp phép các cuộc thi hoa hậu đã phân cấp rõ ràng về các địa phương.

Phân cấp quản lý- tăng quyền lợi và trách nhiệm của địa phương

Nghị quyết 04/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 10/01/2022 về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý Nhà nước. Theo đó, đẩy mạnh và hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền nhằm phân định rõ nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm giữa Chính phủ với các bộ, ngành; giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành với chính quyền địa phương gắn với hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ thống nhất, kịp thời, khả thi, ổn định, công khai, minh bạch, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm, bảo đảm phát huy tính chủ động, sáng tạo, đề cao tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, nhất là người đứng đầu; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực hiện quyền lực Nhà nước chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, của pháp luật, góp phần xây dựng nền hành chính Nhà nước dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và phục vụ nhân dân.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ tại Hội nghị

Thứ trưởng Tạ Quang Đông chia sẻ tại Hội nghị

Theo quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn có hiệu lực thi hành ngày 01/02/2021 (Nghị định 144/2020/NĐ-CP), công tác chỉ đạo, điều hành và phân cấp, ủy quyền quản lý lĩnh vực biểu diễn nghệ đã được các địa phương trên cả nước khẩn trương, kịp thời chỉ đạo tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Trong đó trọng tâm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước tại địa phương thực hiện việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ biểu diễn nghệ thuật theo đúng thẩm quyền được quy định tại Nghị định số 144/2020/NĐ-CP, bên cạnh đó cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại địa phương đã tích cực chủ động trong công tác hậu kiểm để xử lý các vấn đề vi phạm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Theo Cục Nghệ thuật biểu diễn, việc phân cấp quản lý nghệ thuật biểu diễn cho thấy đã làm tăng quyền lợi và trách nhiệm của địa phương trong công tác quản lý, giúp địa phương trực tiếp giám sát được chất lượng nội dung nghệ thuật của các đơn vị tổ chức, từ đó kiểm tra, xử lý các tình huống phát sinh thuận tiện, nhanh chóng.

Đồng thời, việc phân cấp quản lý theo địa bàn giúp địa phương quản lý sát nội dung chương trình, hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn, các hoạt động biểu diễn nghệ thuật được theo dõi sát sao, công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm được kịp thời, thuận lợi hơn... Nhờ đó các hoạt động biểu diễn nghệ thuật ngày càng đi vào nề nếp, hạn chế những tiêu cực, lệch lạc trong việc tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở địa phương.

Vấn đề phân cấp trong quản lý nghệ thuật biểu diễn được quan tâm tại Hội nghị

Vấn đề phân cấp trong quản lý nghệ thuật biểu diễn được quan tâm tại Hội nghị

Các biện pháp quản lý và xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trên thực tế đảm bảo tính khả thi, phù hợp với hệ thống pháp luật của Nhà nước và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước tại địa phương, cũng như đối với người bị xử lý và người dân, công chúng đảm bảo công khai, minh bạch.

Nghị định 144/2020/NĐ-CP hướng tới việc tăng cường hậu kiểm, tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng biên độ sáng tạo. Bởi, có nhiều hình thức biểu diễn nghệ thuật mới lạ, độc đáo, giá trị, thậm chí đến thời điểm này chưa xuất hiện, nhưng là xu hướng của tương lai và đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới, cần được giới thiệu để công chúng thẩm định.

Đồng thời, việc tạo điều kiện cho nghệ sĩ mở rộng sáng tạo chính là nhân tố quan trọng giúp thúc đẩy nghệ thuật biểu diễn phát triển. Hậu kiểm làm cho chủ thể sáng tạo nghệ thuật, tổ chức biểu diễn nghệ thuật nâng cao ý thức bảo vệ cho chính doanh nghiệp, tổ chức của mình, tác phẩm của mình phải tuân thủ đúng pháp luật (cụ thể là tại Điều 3 Nghị định 144/2020/NĐ-CP, Quy định cấm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn). Tuy nhiên, việc phân cấp này cũng đòi hỏi các địa phương cần nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng thẩm định và phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu để bảo đảm thời hạn giải quyết thủ tục chấp thuận tổ chức biểu diễn.

Các địa phương có quyền cấp phép hay không cấp phép các sự kiện, cuộc thi hoa hậu phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương (ảnh minh họa)

Các địa phương có quyền cấp phép hay không cấp phép các sự kiện, cuộc thi hoa hậu phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương (ảnh minh họa)

Địa phương toàn quyền trong cấp phép hay không cấp

Chia sẻ về việc phân cấp quản lý ở địa phương, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cho biết, cụ thể như vấn đề cấp phép các cuộc thi hoa hậu, đã phân cấp về địa phương từ lâu nhưng một số địa phương còn khá lúng túng trong quản lý.

"Trong những văn bản gửi về các địa phương, Bộ đều hướng dẫn rõ các tỉnh, các Sở Văn hóa có quyền lựa chọn các chương trình nghệ thuật biểu diễn, các cuộc thi hoa hậu sao cho phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội của địa phương để cấp phép, miễn sao đúng quy định của pháp luật. Có thể có 10-20 chương trình gửi hồ sơ đề nghị cấp phép nhưng địa phương chỉ quyết định chọn cấp phép cho 1,2 thậm chí không chọn chương trình nào nếu không phù hợp với mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội ở địa phương"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Quy định rõ ràng là thế nhưng Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: "Thực trạng có địa phương nói cái này rất khó, người ta gửi hồ sơ chuẩn bị hồ sơ từ A tới Z nên phải cấp. Có những chương trình, đơn vị tổ chức không xin được giấy phép địa phương này nhưng được cấp phép ở địa phương khác".

Cũng theo Thứ trưởng, Bộ đã phải nhắc nhở nhiều, trong Nghị định 144 đã phân quyền rõ ràng, các địa phương có quyền quyết định cấp hay không cấp tùy vào tình hình phát triển kinh tế chính trị của địa phương để loại bỏ bớt.

Để hạn chế những vấn đề này, theo Thứ trưởng, cần có sự liên kết chặt chẽ hơn giữa các sở, ban ngành liên quan và Cục Nghệ thuật biểu diễn. "Kết nối giữa các Sở với nhau và với Bộ cần chặt chẽ hơn nữa. Đề nghị Cục NTBD trong năm tới cần đẩy mạnh kết nối, để có mạng lưới vận hành nhịp nhàng, hiệu quả"- Thứ trưởng yêu cầu./.

Hồng Hà

Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/phan-cap-quan-ly-nghe-thuat-bieu-dien-tang-quyen-loi-va-trach-nhiem-cua-dia-phuong-2024011515505974.htm