Phân công chuyên môn ở các trường đầu năm, làm sao để vẹn cả đôi đường?
Phân công chuyên môn để 'vui cả trường', tạo được sự đoàn kết nội bộ và nâng cao chất lượng giảng dạy trong nhà trường thể hiện cái tài của hiệu trưởng.
Cứ vào đầu năm học, câu chuyện phân công chuyên môn ở các trường, các cấp học luôn nhận được sự quan tâm của rất nhiều người và trở thành “đề tài nóng” được thầy cô bàn luận sôi nổi.
Phụ huynh quan tâm con mình sẽ học lớp nào? Giáo viên nào sẽ dạy? Thầy cô nào làm công tác chủ nhiệm? Giáo viên quan tâm con mình sẽ dạy khối lớp mấy? Có làm giáo viên chủ nhiệm hay không? Hoặc sẽ làm chủ nhiệm lớp nào?
Còn hiệu trưởng lại đau đầu trong việc biên chế lớp, biên chế giáo viên sao cho hợp lý nhất, để tránh gặp phải phản ứng trái chiều khi một ai đó chưa thật sự toại nguyện.
Phụ huynh, giáo viên mong gì?
Con đi học, phụ huynh nào cũng đều muốn con được học với những thầy cô giáo vừa dạy giỏi lại nhiệt tình, tận tụy với học sinh. Đặc biệt với những học sinh đầu cấp, học sinh bậc học mầm non, tiểu học đang rất cần sự dạy dỗ, chăm chút kỹ lưỡng từ mỗi thầy cô.
Vì thế mới có chuyện, một số phụ huynh có nhu cầu chọn lớp để được học giáo viên ưng ý. Thực tế, đã có những hiệu trưởng vì nhiều lý do đã cho những phụ huynh này toại nguyện. Điều này dẫn đến những bất ổn, xáo trộn trong các mối quan hệ ở nhà trường.
Giáo viên vào đầu năm học cũng có nhiều mong muốn để có lợi cho bản thân nhất. Thầy cô đều mong dạy khối lớp ít vất vả. Họ mong nhận được lớp có lực học tốt hơn những lớp còn lại. Có người lại mong được phân công vào lớp nhiều học sinh gia đình khá giả để thuận lợi cho việc dạy thêm.
Với giáo viên bậc trung học, một số thầy cô mong được dạy khối lớp ôn thi để có cơ hội tăng thu nhập. Một số người khác lại không thích dạy khối lớp ấy vì sợ vất vả.
Có thầy cô khác lại mong được dạy lớp có nhiều học sinh giỏi để có cơ hội thể hiện năng lực bản thân và khẳng định danh tiếng. Người lại thích dạy nhiều tiết để nhận được thêm tiền tăng giờ.
Ngoài ra, giáo viên lại mong ước có được thời khóa biểu đẹp. Chữ "đẹp” được hiểu là tới trường dạy một lèo rồi về nhà mà không phải dạy một hoặc vài tiết rồi ngồi chơi sau đó lại vào dạy tiếp (gọi là thời khóa biểu lủng lỗ) hoặc muốn được dạy luôn vào một buổi mà không phải đi dạy vào buổi khác.
Mong ước của giáo viên thì nhiều vô vàn. Trường có vài chục người đã có hàng trăm mong ước, giải quyết ổn thỏa nguyện vọng của tất cả các thầy cô để ai cũng vui vẻ, toại nguyện, đương nhiên là điều không thể.
Tuy nhiên, có những hiệu trưởng lại đáp ứng yêu cầu của người này mà phản bác nguyện vọng của người kia. Điều này dẫn đến những thắc mắc, hiềm khích âm ỉ, thậm chí những kiện cáo xảy ra trong nhà trường.
Phân công chuyên môn thế nào để "vui cả trường", tạo được sự đoàn kết nội bộ và nâng cao chất lượng giảng dạy. Điều này đã làm đau đầu không ít hiệu trưởng hiện nay.
Chuyện phân công chuyên môn ở các trường, làm sao để vẹn cả đôi đường?
Từ năm học 2023 - 2024, thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) đã tổ chức bốc thăm chọn lớp, chọn giáo viên đối với lớp 1 và lớp 6.
Được biết, các trường tiểu học và trung học cơ sở công trên địa bàn sẽ tổ chức bốc thăm chọn lớp cho phụ huynh và giáo viên khối lớp 1 và lớp 6 (trừ học sinh lớp 6 Trường Trung học cơ sở Lê Văn Thiêm và các lớp 6 thực hiện mô hình thí điểm lớp tiên tiến).
Quy trình bốc thăm chọn lớp diễn ra dưới hình thức tổ chức họp toàn thể phụ huynh khối lớp đầu cấp. Giáo viên đọc tên học sinh, phụ huynh lên bốc thăm tại hòm phiếu.
Sau bốc thăm, phụ huynh công khai tên lớp trước toàn thể hội trường. Ban giám hiệu lập danh sách ghi lại tên lớp, học sinh và yêu cầu phụ huynh ký xác nhận. Không chỉ phụ huynh mà giáo viên cũng thực hiện việc bốc thăm lớp ngẫu nhiên và công khai.[1]
Không tổ chức bốc thăm cho học sinh như ở Thành phố Hà Tĩnh, nhiều trường học tại Bình Thuận đã thực hiện việc chia lớp ngẫu nhiên. Ví dụ như, ngày tuyển sinh lớp 1, có 50 phụ huynh đến trường xin nhập học. Bộ phận tuyển sinh sẽ sắp hồ sơ vào 5 lớp (mỗi lớp có 10 em). Cứ thế, cho những ngày tiếp theo.
Năm học 2023-2024, các trường tuyển sinh trực tuyến nên không sắp hồ sơ vào từng lớp như trước đây. Sau khi kết số lượng học sinh được tuyển vào thì bộ phận tuyển sinh sẽ chia thành các lớp.
Về phần giáo viên, sau khi phân công biên chế ở các khối lớp, có trường tổ chức cho các thầy cô bốc thăm lớp. Có trường quy ước năm này giáo viên A. dạy lớp A. thì năm sau sẽ dạy lớp B. năm sau nữa sẽ là lớp C…
Về việc phân công dạy các khối lớp, đây là điều mà nhiều thầy cô giáo quan tâm nhất. Có những hiệu trưởng cho giáo viên được đề đạt nguyện vọng, sau đó mới cân đối để sắp xếp. Trường hợp không thể sắp xếp theo nguyện vọng, sẽ có những buổi nói chuyện để “đả thông tư tưởng”, động viên các thầy cô cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Khi các lớp đã ổn định sĩ số, giáo viên đã nhận lớp thì không nên chuyển lớp cho bất cứ học sinh nào dù với bất cứ lý do gì.
Để việc phân công chuyên môn ở các trường vẹn cả đôi đường, ngoài hiệu trưởng công tâm cũng cần thầy cô chia sẻ và giảm bớt kỳ vọng mang lợi cho mình. Có như vậy, chuyện phân công chuyên môn ở các trường đầu năm mới bớt căng thẳng.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://giaoducthoidai.vn/boc-tham-chon-lop-phu-huynh-phan-ung-ra-sao-post650901.html