Phân công ngẫu nhiên Thẩm phán phải bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan

Đây là một trong những nội dung được nêu tại Chỉ thị số 04/2024/CT-CA ngày 31/7/2024 vừa được Chánh án TAND tối cao ban hành về việc triển khai thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND).

Chỉ thị nêu rõ, Luật Tổ chức TAND số 34/2024/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 7 ngày 24/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Đây là đạo luật quan trọng về tổ chức và hoạt động của Tòa án, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án, bảo đảm Tòa án thực sự là chỗ dựa của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Luật được xây dựng trên tinh thần thể chế hóa các quan điểm lớn, tiến bộ của Đảng về cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và các nghị quyết, văn kiện của Đảng;

Đồng thời, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về TAND thực hiện quyền tư pháp, về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

 Quang cảnh phiên tòa hình sự trực tuyến rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. (Ảnh minh họa)

Quang cảnh phiên tòa hình sự trực tuyến rút kinh nghiệm theo tinh thần cải cách tư pháp. (Ảnh minh họa)

Để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thi hành Luật Tổ chức TAND kịp thời, đồng bộ, thống nhất và hiệu quả, Chánh án TAND tối cao yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc TAND tối cao, Chánh án các TAND, Tòa án quân sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện các nội dung được nêu tại Chỉ thị này.

Cụ thể là tổ chức phổ biến, quán triệt Luật Tổ chức TAND; xây dựng, ban hành văn bản triển khai thi hành Luật; kiện toàn tổ chức bộ máy TAND; thành lập Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia; ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; Quy chế tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán TAND; xây dựng và đề xuất về chế độ bảo vệ Thẩm phán; bậc Thẩm phán; chế độ tiền lương, phụ cấp đối với Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án; đồng thời, sắp xếp, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo, cán bộ có chức danh tư pháp, công chức khác, viên chức trong TAND…

Đáng chú ý, một trong những nội dung quan trọng được Chỉ thị đề cập là tăng cường kỷ cương, kỷ luật và kiểm soát quyền lực. Trong đó, tiếp tục thực hiện công khai hoạt động xét xử và hoạt động khác của Tòa án theo quy định của pháp luật. Việc quy định phân công ngẫu nhiên Thẩm phán giải quyết, xét xử vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền phải bảo đảm nguyên tắc vô tư, khách quan.

Nghiên cứu sửa đổi quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong TAND ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-TANDTC ngày 19/6/2017. Yêu cầu các Thẩm phán nghiên cứu và thực hiện nghiêm túc những quy định mới về trách nhiệm của Thẩm phán, những việc Thẩm phán không được làm.

Chế độ bảo vệ Tòa án, Nội quy phiên tòa, phiên họp phải được ban hành và bảo đảm thực hiện nhằm duy trì an ninh, trật tự và sự tôn nghiêm của Tòa án. Các Tòa án tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định về việc tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp.

Các TAND tổ chức sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị mình; nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan để bảo đảm tổ chức và hoạt động của Tòa án hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, các đơn vị thuộc TAND tối cao có trách nhiệm nghiên cứu xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế về tổ chức và hoạt động của đơn vị mình cho phù hợp ngay sau khi Luật có hiệu lực thi hành.

P.V

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/phan-cong-ngau-nhien-tham-phan-phai-bao-dam-nguyen-tac-vo-tu-khach-quan-162223.html