Phận đá - Đời người
Dưới bàn tay quai búa, những tảng đá nứt ra mang theo mồ hôi, nước mắt và cả máu của người phu chẻ đá. Ở đó, họ neo mình trên vách cao nhọc nhằn với cuộc mưu sinh.
Cheo leo bám đá
Huyện Sông Hinh (Phú Yên) hiện được xem là “mỏ đá” của tỉnh Phú Yên với nhiều ngọn núi có trữ lượng đá lớn. Phần lớn đá được khai thác tại đây là đá granite màu trắng xám và màu hồng phấn. Loại đá này rất được ưa chuộng trong xây dựng và trang trí các công trình kiến trúc. Và chính vì thế, các mỏ đá nơi đây là chốn mưu sinh của hàng ngàn người lao động không chỉ ở trong tỉnh, mà ở các nơi khác cũng đổ về làm nghề.
Sau một thời gian các mỏ khai thác đá nhiều xã thuộc huyện Đông Hòa, nằm dưới chân đèo cả ngừng sản xuất vì quyết định của tỉnh Phú Yên thì các cơ sở khai thác đá ở huyện Sông Hinh lại được dịp tấp nập. Nghề khai thác và chế tác đá xây dựng tại đây đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nhưng đây là nghề nặng nhọc, lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật nên cực chẳng đã người ta mới phải làm công nhân chẻ đá.
Đi dọc đoạn đường gần 15km qua các xã Ea Bia, Đức Bình Tây, Suối Trai... có nhiều cơ sở khai thác đá lớn nhỏ. Nhiều cơ sở ở đây không có bảng hiệu nhưng rất dễ nhận ra bởi ở đâu cũng thấy la liệt đá. Từng khối đá đủ mọi kích cỡ đổ tràn xuống xung quanh. Cảnh vật khắp nơi đều nhuốm một màu bạc phếch của bụi đá.
Từ 6 rưỡi sáng, khu khai thác đá của mỏ đá ở xã Ea Bia đã nhộn nhịp bởi nhiều âm thanh hỗn tạp của vô số các loại máy móc lớn nhỏ, của tiếng cưa cắt, tiếng đục đập và tiếng í ới của những người gọi nhau trong nắng sớm. Giữa những lán trại dựng tạm bợ là ngổn ngang đất đá, tiếng máy cưa xẻ đá rền vang. Đôi lúc lại rúc lên những chuỗi âm thanh re ré rát tai của những chiếc máy công suất lớn nghiến vào đá phiến phá tan không gian im vắng của vùng bán sơn địa. Quanh đó là những tiếng búa nện vào đá chát chúa, đinh tai nhức óc. Dưới cái nắng hè oi ả, từng đám bụi đá trắng xóa quyện với khói xe và bụi đỏ từ những con đường vào các công trường. Không khí ở vùng đá càng thêm ngột ngạt, oi nồng.
Gần một khu lán trại tạm bợ, mấy người đàn ông đang hì hục vần một tảng đá lớn vào lán chẻ nhỏ để tránh cái nắng gay gắt chiếu xoáy trên đầu. Anh Đào Văn Thao với bàn tay trái tím bầm vì đá cứa rách, máu rịn đỏ qua lớp vải băng sơ sài, mồ hôi nhễ nhại, đang cố chẻ đôi phiến đá granite ốp tường. Nhưng càng đập thì phiến đá càng vỡ nát thành nhiều mảnh nhỏ. Anh Thao vứt búa sang một bên, ngồi bệt xuống đất thở phì phò: “Cực chẳng đã mới phải làm nghề này. Suốt ngày bầm giập cả chân tay mới kiếm được mấy chục ngàn đồng, khổ lắm!”.
Để có được 12 ngàn đồng cho 1 viên đá móng xây nhà cỡ 30x20x10cm là cả một quá trình đầy vất vả. Công việc tưởng như rất đơn giản này lại cần đến cả một quy trình kỹ thuật khá rắc rối và nghiêm ngặt. Để tách đôi phiến đá, đòi hỏi người thợ phải có sự khéo léo, cẩn trọng từng ly từng tí. Mạnh tay quá thì vỡ nát phiến đá mà nhẹ tay quá cũng không được.
Anh Thao giảng giải: “Trước tiên phải đo kích cỡ, chia 2 phần bằng nhau rồi đục một đường viền xung quanh, tìm thớ rồi thì cứ từ từ đục và tách đôi. Nói thì tưởng dễ nhưng không cẩn thận là hỏng hết”. Ngồi nghỉ một lúc, anh lại cầm búa lên và tỉ mẩn gõ từng nhát cẩn trọng và chắc nịch vào tảng đá, để biến nó thành một sản phẩm đẹp mắt...
Trong khu lán trại nhỏ ghép bằng những tấm bạt cũ kỹ để che nắng. Anh Đào Văn Bình, 26 tuổi, đang ra sức quai chiếc búa nặng 6kg xuống khối đá lớn chừng vài tấn. Mặc những giọt mồ hôi chảy thành dòng trên khuôn mặt đen sạm vì nắng và gió, anh Bình kể: “17 tuổi tôi đã theo người anh lớn đi làm phu chẻ đá ở vùng Đèo Cả, rồi phiêu bạt vào với những ngọn núi đá vùng Sông Hinh, giờ dừng lại nơi đây. Những ngày đầu mới vào nghề, ngày nào toàn thân cũng mỏi nhừ, chân tay đau nhức, rát bỏng vì những vết phồng rộp. Làm lâu rồi cũng quen!”.
Anh Bình cho biết ở các mỏ đá quanh đây, người từ miền Bắc vào, người từ miền trong ra cũng không phải là ít. Có nhiều người vì nghèo khổ phải làm, có nhiều người vì phải kiếm kế sinh nhai nên không thể làm gì khác.
Dưới cái nắng hầm hập phả vào mặt, đầu tóc trắng xóa bụi đá nhưng những người thợ đá vắt hết sức mình cũng chỉ kiếm được từ vài chục ngàn đến hơn trăm ngàn đồng/ngày. Ở vùng khai thác đá này, hầu như các chủ khai thác đều trả công cho thợ bằng cách khoán sản phẩm. Một viên đá đúng quy cách kích cỡ 60cmx30cm, độ dày 15cm được bán với giá 11.500đ, trong khi công thợ chỉ được 2.500đ. Tính trung bình, người thợ đá nào dày dạn kinh nghiệm kiếm được từ 180.000 - 250.000 đồng/ngày, thợ phụ hoặc mới vào nghề kiếm được từ 140.000 - 160.000 đồng/ngày. Trong khi chi phí đầu tư cho các loại dụng cụ lên tới hơn 4 triệu đồng mới dùng được, mà hầu hết đều phải đặt làm, còn dụng cụ mua ngoài chợ chỉ dùng được một lúc là bỏ đi.
Anh Trần Đức Hải là một phu chẻ đá lâu năm cho biết: “Nếu làm đủ 6 ngày/tuần thì mỗi tháng anh có thể để dành được từ 3,5 - 4,5 triệu đồng. Nhưng mỗi tháng phải sửa lại dụng cụ một lần, tốn gần triệu bạc, chưa tính đến chi phí ăn uống, thuốc men và vô vàn thứ khác nên tiền công cũng chẳng được là bao!”. Anh Hải kể, anh trai của anh gần 20 năm làm thợ đá mà đến lúc giải nghệ về quê cũng chẳng tích cóp được chút vốn liếng nào.
Anh Hải tâm sự: “Mỗi tháng, tôi phải cố gắng chi tiêu tằn tiện lắm để có tiền gửi về quê nuôi mẹ già và đứa con nhỏ. Mỗi khi nhà có công việc, tôi lại phải xin chủ tạm ứng rồi làm trả nợ sau chứ ngoài quê chỉ có mấy sào ruộng, biết trông nhờ vào đâu!”.
Cùng hoàn cảnh xa quê lên núi làm phu đá, anh Nguyễn Văn Hạnh, quê Quảng Trị cũng từng đi phụ hồ, đánh lưới, làm vườn thuê trước khi chọn nghề đá mưu sinh. Anh Hạnh chia sẻ: “10 năm làm đá, năm nay tôi đã ngoài 40 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều nên mỗi ngày chỉ kiếm được từ hơn 200.000 đồng. Mấy bữa nay trời nắng nóng, muốn nghỉ ngơi vài ngày nhưng nghĩ tới đứa con đang chuẩn bị thi đại học, tôi phải cố sức làm để có tiền cho cháu đi thi”.
Đời đá, đời người
Nhiều cơ sở chẻ đá, bãi đá nhưng tuyệt nhiên không thấy người thợ nào sử dụng đồ bảo hộ lao động và những người thợ này cũng không hề biết tới bảo hiểm nghề nghiệp. Họ chỉ mặc áo quần bình thường, không găng tay, không mũ bảo hộ, không khẩu trang...
Trong các bãi đá đang chan chát những tiếng búa, anh Võ Phàm đang ra sức đục một tảng đá lớn. Nhìn người thanh niên đứng cheo leo trên một giàn giáo được thiết kế sơ sài bằng một vài thân cây gác lại với nhau, chúng tôi không khỏi giật mình vì quá nguy hiểm. Biết đâu đấy khi tảng đá tách ra, một vài tảng rơi vào chiếc giàn giáo kia hay lăn về phía người thanh niên ấy, hậu quả sẽ ra sao trong khi anh không có một dụng cụ gì bảo hộ, dây bảo hiểm cũng không dù phía dưới là dốc núi sâu. Mới 32 tuổi nhưng anh Võ Phàm đã có thâm niên gần mười năm cầm búa đi chẻ đá cho nhiều mỏ đá trong vùng.
Lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, anh tâm sự: “Những người thợ chẻ đá như chúng tôi đây phải đối mặt với rất nhiều nguy hiểm như đá lăn, đá lở, búa tụt cán, dăm đá bắn vào mặt mũi, mảnh vỡ của đầu chạm, đầu số bắn vào mắt..., đôi khi leo lên cao mà không có dụng cụ bảo hộ nghĩ cũng lạnh sống lưng. Nhưng đã làm nghề thì phải chấp nhận thôi!”. Tai nạn nghề nghiệp đối với nghề đá là chuyện thường ngày ở công trường đá. Nhẹ thì bầm giập chân tay do bị búa đập phải. Nặng thì bị đá rơi nguy hiểm đến tính mạng, cứ sau mỗi trận mưa lại lo thon thót, chỉ sợ đá lở bất cứ lúc nào.
Nghề đá nhọc nhằn, nguy hiểm! Ai làm nghề này cũng hiểu như thế nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên họ cố bám trụ với mong muốn sẽ dành dụm được lưng vốn kha khá rồi về quê kiếm kế khác sinh nhai. Nhưng rất khó, chỉ cần sẩy chân sẩy tay tai nạn là coi như tiền thuốc tiền viện không thể bù lại được. Chưa kể đến cả những sự cố dẫn tới thiệt mạng. Nhiều người vẫn còn ám ảnh về cái chết của một phu đá mới xảy ra tháng trước.
Vụ việc xảy ra vào chiều 12-5-2020 tại một triền núi có nhiều tảng đá ven suối thuộc địa phận xã Ea Bia, huyện Sông Hinh. Trong lúc anh Lý Thành Hoan (SN 1983, trú ở thôn Đồng Phú, xã Đức Bình Tây, huyện Sông Hinh) đang đục, chẻ đá thì một tảng đá từ phía trên bất ngờ đổ sập xuống. Cuộc đời của người đàn ông này đã dừng lại dưới phiến đá vô tri ấy.
Làm việc trong môi trường ô nhiễm tiếng ồn, bên cạnh những đống đá khổng lồ, không ít lần những người thợ bị đá lăn đè lên người, gãy chân tay. Còn hàng trăm vết sẹo ngắn dài từ những mảnh vụn từ đá găm vào da thịt là chuyện thường ngày. Anh Phàm bộc bạch: “Làm nghề này nguy hiểm lắm vì chẳng lường trước được tai nạn ập đến khi nào. Đá văng vào người, vào mắt mũi, đá lăn đá đè, hay ngay nghe tiếng ồn đục đẽo inh tai suốt ngày cũng khiến tai bị nặng. Còn chuyện bị đá dăm hoặc sáo, chạm bật vào người thì như cơm bữa vậy. Ngay tôi đây này, toàn thân chi chít sẹo vì đá bắn vào”.
Đến với những người thợ đá tại các mỏ đá, lúc đứng dậy bước đi chúng tôi mới chợt giật mình khi thấy lớp bụi trắng li ti phủ kín bề mặt của những cuốn sổ ghi chép và chiếc máy ảnh. Thật sự lo ngại thay cho những người thợ chẻ đá nơi đây khi họ phải thường xuyên hít bụi đá. Rồi khi đã giải nghệ, lúc tuổi xế chiều chắc nhiều người sẽ mắc các bệnh về đường hô hấp. Đấy là chưa kể đến những vết thương bị nhiễm trùng, những mảnh dăm đá nhỏ bé bay vào mắt, là những lần con chạm, con ải lệch lưỡi búa văng vào chân mạnh đến gãy xương như thường...
Trong khi đó, hiểu sự nhọc nhằn của cái nghề này, nên nhiều chủ cơ sở khai thác đá ở đây cũng thường xuyên động viên anh em, nhiều lúc mua thêm chất tươi, tăng khẩu phần ăn cho mọi người để đảm bảo sức khỏe. Những khi có đơn hàng quá gấp cũng không dám nhận, bởi không thể ép những người thợ chẻ đá cực nhọc kia phải vắt kiệt sức mình trong cái nắng nghiệt ngã của miền Trung mùa này.
Ông Ka Sô Chiểu, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bia chia sẻ: “Cũng đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra tại những mỏ đá này bởi người phu bất cẩn, bởi dụng cụ bảo hộ hầu như không được trang bị, cũng bởi tâm lý chủ quan của người làm đá và ý thức tự bảo vệ mình còn bị xem thường. Công việc quá cực nhọc nên phải mặc những trang phục thoải mái và tiện lợi nhất, trong khi các dụng cụ bảo hộ lại cản trở hoạt động, gây nên sự bất tiện trong vận động nên rất ít người sử dụng. Bên cạnh đó, chế độ với người lao động cũng không được đảm bảo bởi không nhiều người có thể theo đuổi được nghề chẻ đá lâu dài. Mỗi khi có tai nạn, hay người thợ bệnh tật, các chủ cơ sở có quan tâm nhưng vẫn chưa được nhiều. Chủ yếu vẫn là người thợ tự lo cho bản thân mình!”.
Những người thợ đá mà chúng tôi tiếp xúc ở cơ sở khai thác đá ở Ea Bia đều đã gắn bó với nghề nhiều năm. Họ lam lũ, vất vả với nghề ngoài mục đích mưu sinh còn với mong muốn có một việc làm ổn định lâu dài. Nghề đá thực sự đã đem lại cơm ăn, áo mặc và cả chuyện học hành cho con cái họ. Nhiều người tâm sự, họ cũng tự hào rằng, các sản phẩm do họ làm ra hầu như có mặt trong các công trình xây dựng lớn nhỏ khắp mọi miền đất nước, thậm chí là xuất khẩu ra nước ngoài... Và họ mong muốn được là một công nhân thực thụ, được hưởng các quyền lợi chính đáng của người lao động như được khám chữa bệnh, được tập huấn các kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động, được trang bị đồ bảo hộ lao động, được đào tạo nghề hẳn hoi.
Nhọc nhằn là thế, nguy hiểm là vậy nhưng như nhiều người nói vẫn phải bám đá mà sống như cái nghiệp không thể khác trong cuộc mưu sinh đầy khốn khó này...
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/phan-da-doi-nguoi-601974/