Phần dân sự các đại án: Xử lý ra sao?
Nhiều đại án kinh tế đã được đưa ra xét xử thời gian qua, sau khi bản án có hiệu lực, đến phần thi hành án thì gặp khó… như lên trời. Làm thế nào để bảo đảm tài sản nhà nước và quyền lợi chính đáng của các bên liên quan?
Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án Dân sự (Bộ Tư pháp), việc thu hồi tài sản tham nhũng, tham ô gặp nhiều khó khăn, tỉ lệ tài sản thu hồi còn thấp hơn rất nhiều so với tổng số thiệt hại mà các bị cáo chiếm đoạt, gây thất thoát.
Trước đó, báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại phiên họp sáng 26-10-2020, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, về công tác thi hành án năm 2020, cho biết: Kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế đã thi hành xong 3.605 việc có điều kiện thi hành, đạt tỉ lệ 80,33%. Tuy nhiên, số tiền thu được hơn 15.417 tỉ đồng, chỉ đạt tỉ lệ 38,43%. Con số này được cho là rất "khiêm tốn".
Tuyên bồi thường nhiều, thi hành án chẳng bao nhiêu
Điển hình như việc thu hồi tài sản cho nhà nước trong các vụ án liên quan đến bị cáo Đinh La Thăng, cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Trịnh Xuân Thanh, cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Theo tìm hiểu của phóng viên, từ khi bị bắt vào tháng 7-2017, ông Đinh La Thăng đã 4 lần hầu tòa. Sau 4 bản án đã tuyên, bị cáo Thăng phải lãnh tổng cộng 30 năm tù giam (mức án cao nhất với tù có thời hạn) và bồi thường tổng cộng 830 tỉ đồng.
Tương tự, trường hợp ông Trịnh Xuân Thanh sau vụ án cũng bị tuyên tổng cộng tù 30 năm, số tiền bồi thường gần 300 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến nay bị cáo mới thi hành án được 31 tỉ đồng.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Sơn cho biết đến nay, bị cáo Đinh La Thăng mới chỉ thi hành án 4,5 tỉ đồng/830 tỉ đồng phải bồi thường. Bị cáo chỉ có duy nhất tài sản là căn hộ chung cư của hai vợ chồng ở Khu đô thị Sudico Sông Đà (phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Vợ ông Thăng đã nộp số tiền tương đương một nửa giá trị căn nhà ("cưa đôi") để thi hành án cho chồng, tức 4,5 tỉ đồng.
"Khó khăn, vướng mắc chung trong những vụ án như thế này là số tiền phải thi hành án rất lớn. Nhưng khi xét xử và triển khai thi hành án thì tài sản bị kê biên không nhiều và không xác minh được. Chúng tôi đã báo cáo các cơ quan có thẩm quyền về những vấn đề này để tìm giải pháp" - ông Nguyễn Văn Sơn thông tin.
Chỉ biết khuyến khích nộp thêm!
Về việc thu hồi tài sản đã gây thất thoát đối với bị cáo Đinh La Thăng, PGS-TS Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, cho rằng số tiền bồi thường hơn 830 tỉ đồng đối với ông Thăng là quá lớn. Do đó, nếu ông Thăng không nhờ bạn bè, người thân đóng góp và bồi thường thay thì rất khó có khả năng chi trả.
Theo đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp), số tiền thi hành án 4,5 tỉ đồng của ông Đinh La Thăng "không thấm vào đâu" so với mức tòa tuyên phải bồi thường, cho nên nếu bị cáo không thi hành án thêm thì khó được giảm mức án phạt tù. "Ngoài số tiền đã thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự cần động viên gia đình 2 bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh tiếp tục bồi thường thêm để được nhận sự khoan hồng của pháp luật, giảm án tù. Đây là phương án hay và thể hiện tính nhân văn của pháp luật" - ông Phạm Văn Hòa nêu, đồng thời cho rằng pháp luật Việt Nam cần cương quyết, cứng rắn hơn đối với các trường hợp ngoan cố không chịu ăn năn hối cải, cố tình tẩu tán tải sản.
Một thẩm phán TAND TP Hà Nội cho biết trong trường hợp toàn bộ tài sản của ông Đinh La Thăng đã bị kê biên nhưng không đủ khả năng bồi thường dân sự thì cơ quan thi hành án sẽ treo khoản nợ đó và vẫn bắt buộc bị cáo chấp hành án. Nếu bị cáo chưa có điều kiện về kinh tế để chấp hành án thì cơ quan thi hành án sẽ tạm đình chỉ khoản nợ đó chứ không xóa đi. Nếu bị cáo bồi thường đủ thì cơ quan chức năng sẽ xem xét trong việc giảm án, ra tù trước thời hạn.
Giao viện kiểm sát kiện đòi
Muốn thu hồi được phần lớn tài sản tham nhũng, thất thoát tương tự trường hợp vụ án ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, theo PGS-TS Trần Văn Độ, cần phải sửa đổi luật.
"Trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng, chỉ có cơ quan điều tra mới đủ thẩm quyền kê biên, phong tỏa tài sản của người bị điều tra. Do đó, khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần phải giao ngay cho cơ quan điều tra kê biên tài sản để bảo đảm khắc phục hậu quả, đồng thời người phạm tội không kịp tẩu tán tài sản" - nguyên phó chánh án TAND Tối cao nêu, đồng thời đề nghị những vụ án tham nhũng về kinh tế nên để VKSND Tối cao thay mặt nhà nước khởi kiện dân sự đòi lại tài sản. Nếu tài sản chuyển sang người thừa kế thì người đó phải chịu trách nhiệm hoàn trả. Các nước đều làm thế nhưng chúng ta thì chưa.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/phan-dan-su-cac-dai-an-xu-ly-ra-sao-20210523214132171.htm