Phấn đấu cao nhất thực hiện các chỉ tiêu khó đạt

Dự báo năm 2023, tỉnh có 7 chỉ tiêu không đạt, bao gồm: Tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người, tổng đầu tư toàn xã hội, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN), năng suất lao động, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), tỷ lệ khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung chỉ đạo các ngành, các cấp thực hiện kịch bản tăng trưởng cho từng ngành, địa phương, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu đề ra.

Công ty nhựa Lạc Sơn (Lạc Sơn) giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động.

Đồng chí Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và đầu tư cho biết: Qua tổng hợp từ các ngành, địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2023, có một số chỉ tiêu đạt thấp so với kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh ước đạt 0,73%, trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,45%; công nghiệp - xây dựng giảm 2,05%; dịch vụ tăng 3,59%; thuế sản phẩm giảm 2,68%, đó là mức thấp trong nhiều năm qua. Thu NSNN khó khăn, đạt 26% dự toán của HĐND tỉnh, đặc biệt là thu tiền sử dụng đất và thu từ bán tài sản dôi dư theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, ngày 31/12/2017 của Chính phủ chỉ đạt 2,4% kế hoạch năm. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư còn chậm, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thấp, chỉ đạt 14% kế hoạch vốn đã giao cho các dự án.

Những chỉ tiêu quan trọng đạt thấp như: tốc độ tăng trưởng GRDP, GRDP bình quân đầu người; tổng đầu tư toàn xã hội; năng suất lao động là do diễn biến bất lợi của thế giới và khu vực tiếp tục tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư, thị trường bất động sản... Nhiều đơn hàng bị cắt giảm, dẫn tới tình trạng ngừng sản xuất và thu hẹp quy mô doanh nghiệp; nhiều lao động mất việc làm. Sản xuất công nghiệp sụt giảm, đặc biệt sụt giảm mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023, ước giảm 5,08% so với cùng kỳ năm 2022, do ngành sản xuất và phân phối điện bị ảnh hưởng bởi tình hình hạn hán, thiếu nước kéo dài, sản lượng điện sản xuất đạt thấp; ngành công nghiệp chế biến chế tạo giảm do SXKD khó khăn, giá cả đầu vào cho SXKD tăng cao, nhất là giá nhiên liệu và vật liệu xây dựng cùng với thị trường tiêu thụ khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công chưa cao. Vì vậy, tốc độ tăng trưởng GRDP dự báo khó đạt so với kế hoạch, dẫn tới các chỉ tiêu khác có liên quan như GRDP bình quân đầu người, năng suất lao động, tổng đầu tư toàn xã hội cũng dự báo khó đạt. Dự kiến năm 2023 giảm thu NSNN khoảng 454,6 tỷ đồng do thực hiện các chính sách thuế; số thu tiền sử dụng đất dự báo không đạt kế hoạch do thị trường bất động sản trầm lắng, năng lực tài chính của các nhà đầu tư còn hạn chế. Dự kiến thu tiền sử dụng đất cả năm đạt 2.500 tỷ đồng, bằng 125% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 71% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, tương ứng giảm 1.000 tỷ đồng so với chỉ tiêu HĐND tỉnh…

Tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương khẩn trương thực hiện hiệu quả kịch bản tăng trưởng các quý còn lại của năm 2023, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm các cấp, các ngành, cán bộ, công chức, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm tháo gỡ khó khăn, phấn đấu đạt kết quả cao nhất đối với 7 chỉ tiêu dự báo khó đạt. Theo đó, rà soát các khoản thu còn dư địa, tập trung các giải pháp để thu hồi nợ thuế, thu từ hoạt động khai thác khoáng sản, bán tài sản công sau rà soát, sáp nhập... phấn đấu hoàn thành 100% chỉ tiêu thu từ thuế, phí theo chỉ tiêu HĐND tỉnh đề ra. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tập trung tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, nguồn đất đắp cho các công trình; đẩy nhanh thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư để triển khai thi công công trình.

Tập trung thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh thu hút đầu tư; tăng cường nắm bắt, kịp thời giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm có tính chất đột phá, tạo động lực phát triển của tỉnh như: Dự án khu đô thị sinh thái và quần thể khu vui chơi giải trí cao cấp và hệ thống cáp treo Cuối Hạ (Kim Bôi); dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Đồi Thung; dự án khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp hồ Khả (Lạc Sơn).

Chủ động nắm bắt tình hình hoạt động SXKD của các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các DN trong các khu, cụm công nghiệp hoạt động lĩnh vực xuất nhập khẩu, các DN chủ lực trong lĩnh vực may mặc, sản xuất linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng... Hỗ trợ, khuyến khích DN đẩy mạnh ứng dụng và đa dạng hóa phương thức kinh doanh thương mại điện tử, mua bán trực tuyến; tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, duy trì, mở rộng thị trường tiêu thụ. Triển khai đồng bộ, linh hoạt các chính sách kích cầu du lịch, tổ chức các hoạt động xúc tiến, hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP Hồ Chí Minh; mở rộng liên kết với các tỉnh trong vùng, toàn quốc cũng như quốc tế, các đơn vị lữ hành... để tuyên truyền, quảng bá về văn hóa, du lịch tỉnh Hòa Bình.

Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 KCN Phú Bình và KCN Nhuận Trạch; sớm hoàn thiện các thủ tục để đủ điều kiện triển khai hạng mục hệ thống xử lý nước thải tập trung trong KCN. Kiểm tra, rà soát, đôn đốc các đơn vị, DN tham gia bảo hiểm xã hội, BHYT cho người lao động, phát triển đối tượng tham gia BHYT là hộ gia đình làm nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, hộ gia đình tại các xã ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn không còn được cấp thẻ BHYT từ nguồn ngân sách; triển khai công tác BHYT học sinh, sinh viên năm học 2023 - 2024 tại các cơ sở giáo dục…

Lê Chung

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/180468/phan-dau-cao-nhat-thuc-hien-cac-chi-tieu-kho-dat.htm