Phấn đấu có 5.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2030

Đây là nội dung trong Đề án Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 được trình bày tại hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ với các bộ ngành, địa phương sáng 8.6.

Sáng 8.6, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến với các bộ ngành Trung ương và 48 địa phương có đường cao tốc đi qua để tham gia ý kiến về Đề án Thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 (dưới đây gọi là Đề án).

Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương có các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và đại diện các sở, ngành liên quan.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu của Đề án sẽ góp phần thực hiện đột phá chiến lược về hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đại hội XIII của Đảng đã đặt ra. Phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác trên 5.000 km đường bộ cao tốc. Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương có đường cao tốc đi qua tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến để hoàn thiện Đề án, góp phần tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, các vùng và cả nước.

Tại hội nghị, các đại biểu nghe Bộ trưởng Giao thông vận tải đọc Tờ trình về Đề án. Theo đó, mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam được quy hoạch, đầu tư xây dựng giai đoạn 2001-2020 và 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Cụ thể, giai đoạn 2001-2010, cả nước đưa vào khai thác 89 km đường bộ cao tốc; giai đoạn 2011-2020 đưa vào khai thác thêm 1.074 km, gấp hơn 10 lần giai đoạn trước. Qua đó nâng tổng số chiều dài đường bộ cao tốc của Việt Nam đến hết năm 2020 lên 1.163 km, trong đó có 951 km bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc và 212 km phân kỳ đầu tư. Mạng lưới đường bộ cao tốc đã mang lại hiệu quả rõ rệt về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường. Giai đoạn 2015-2020, Hải Dương là một trong số các địa phương có đường cao tốc đi qua đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân cao với 8,62%/năm.

Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Các đồng chí: Phạm Xuân Thăng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Hải Dương

Theo nội dung tờ trình, tỷ trọng vốn nhà nước đầu tư đường bộ cao tốc tuy vẫn chiếm tỷ lệ cao nhưng đã giảm dần qua từng giai đoạn. Bên cạnh đó đã có sự tham gia của vốn ngân sách địa phương, đặc biệt là sự tham gia của vốn ngoài ngân sách với xu thế ngày càng tăng. Tổng vốn đầu tư đường bộ cao tốc giai đoạn 2001-2020 gần 413.400 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2001-2010 trên 18.300 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương. Giai đoạn 2011-2015, con số này là gần 141.700 tỷ đồng, ngân sách Trung ương chiếm 85%, huy động ngoài ngân sách 15%; giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư gần 253.400 tỷ đồng, ngân sách Trung ương chiếm 68%, ngân sách địa phương chiếm 5%, huy động ngoài ngân sách 27%. Trong quá trình thực hiện đã dần hình thành hành lang pháp lý, thể chế chính sách, hình thành một số mô hình mới, hiệu quả như mô hình địa phương tiếp nhận hỗ trợ một phần vốn từ ngân sách Trung ương hoặc hoàn toàn chủ động, tự cân đối ngân sách địa phương.

Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 đưa vào khai thác trên 5.000 km đường bộ cao tốc. Trong đó ưu tiên tập trung hoàn thành tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông, cao tốc vành đai đô thị tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và miền núi phía bắc. Cụ thể, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu hoàn thành khoảng 1.800 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 3.000 km. Giai đoạn 2026-2030 phấn đấu hoàn thành thêm khoảng 2.000 km, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc đưa vào khai thác lên khoảng 5.000 km. Trong đó, Hải Dương có đoạn tuyến đường vành đai 5 vùng Thủ đô Hà Nội với chiều dài 52,7 km, tương ứng phạm vi kết nối từ địa phận tỉnh Thái Bình đến nút giao quy hoạch đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Nhu cầu vốn triển khai đầu tư đến năm 2030 khoảng 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 khoảng 389.000 tỷ đồng.

Để đạt mục tiêu Đề án, Bộ Giao thông vận tải đề xuất 3 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù, gồm phân cấp, quản lý; huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Cũng trong buổi sáng, một số ban, ngành, địa phương đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với nội dung Tờ trình Đề án, đồng thời đưa ra một số đề xuất, kiến nghị.

Chiều cùng ngày, hội nghị tiếp tục làm việc và bế mạc.

HÀ KIÊN

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/phan-dau-co-5000-km-duong-bo-cao-toc-vao-nam-2030-169697