Phấn đấu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 nghìn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa ban hành Quyết định số 4085/QĐ-BNN-TT về việc phê duyệt Đề án Phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030.
Phấn đấu đến năm 2025, kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD (Ảnh: B.T)
Đề án nêu rõ quan điểm, phát triển cây ăn quả phải phù hợp với Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, phát triển cây ăn quả trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế các vùng sinh thái; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh của sản phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ. Đẩy mạnh liên kết tại vùng sản xuất cây ăn quả chủ lực tập trung, áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, bảo quản và chế biến sản phẩm cây ăn quả.
Mục tiêu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,2 triệu ha, sản lượng trên 14 triệu tấn; trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 960 nghìn ha, sản lượng 11-12 triệu tấn. Tại các vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, tỷ lệ giá trị sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 30-35%; tỷ lệ diện tích trồng mới, trồng tái canh sử dụng giống chất lượng cao đạt 70-80%; tỷ lệ diện tích cây ăn quả áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP và tương đương…) 30%; diện tích được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 20-30%. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt trên 5 tỷ USD.
Đến năm 2030, diện tích cây ăn quả cả nước đạt 1,3 triệu ha, sản lượng trên 16 triệu tấn. Trong đó, diện tích cây ăn quả chủ lực 1 triệu ha, sản lượng 13-14 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu trái cây đạt khoảng 6,5 tỷ USD.
Cụ thể, Đề án nêu rõ định hướng đến năm 2030, đối với cây thanh long, ổn định diện tích với khoảng 60 - 65 nghìn ha, sản lượng 1,3 - 1,5 triệu tấn. Các vùng sản xuất thanh long tập trung gồm: Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Xây dựng cơ cấu giống thanh long ruột trắng, ruột đỏ, thanh long vỏ vàng phù hợp nhu cầu thị trường. Bố trí diện tích thanh long rải vụ thu hoạch khoảng 60% diện tích, thanh long chính vụ 40% diện tích. Áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất tiên tiến, an toàn, ứng dụng kỹ thuật trồng thanh long theo dàn chữ T, tưới nước tiết kiệm, sử dụng đèn chuyên dụng điều khiển ra hoa; đốn tỉa và xử lý cành đốn trên cây thanh long. Từng bước hình thành các vùng sản xuất thanh long theo thị trường xuất khẩu có chứng nhận hoặc cấp mã số vùng trồng.
Đối với cây xoài, đến năm 2030, định hướng phát triển khoảng 130-140 nghìn ha, sản lượng 1,1-1,5 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất xoài trọng điểm gồm: Vùng trung du miền núi phía Bắc (Sơn La), vùng Nam Trung bộ (Bình Thuận, Khánh Hòa), vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai, Tây Ninh), vùng đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Tiền Giang, Hậu Giang).
Đối với các tỉnh phía Bắc, bố trí hợp lý bộ giống xoài theo hướng các giống chính vụ khoảng 70% diện tích, các giống rải vụ thu hoạch chiếm khoảng 30% diện tích. Ngoài việc sử dụng bộ giống rải vụ, kết hợp biện pháp thâm canh có thể kéo dài thời gian thu hoạch từ 2 - 3 tháng. Tại các tỉnh phía Nam, diện tích xoài rải vụ thu hoạch 50% diện tích, chính vụ 50% diện tích. Chú trọng phát triển giống xoài vỏ dày phục vụ xuất khẩu và giống làm gốc ghép có khả năng chịu hạn, mặn, phèn ở các tỉnh phía Nam.
Đối với cây chuối, định hướng phát triển khoảng 165-175 nghìn ha, sản lượng 2,6-3 triệu tấn. Các tỉnh sản xuất chuối trọng điểm gồm: Vùng đồng bằng sông Hồng (TP. Hà Nội, Hưng Yên), vùng trung du miền núi phía Bắc (Sơn La, Phú Thọ, Lai Châu), vùng Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị), vùng Nam Trung bộ (Quảng Nam, Phú Yên, Khánh Hòa), vùng Đông Nam bộ (Đồng Nai), Tây Nguyên (Gia Lai) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cà Mau). Tiếp tục nghiên cứu chọn tạo, tăng cường sử dụng các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh,…
Trên cơ sở đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố xác định quy mô vùng sản xuất cây ăn quả tập trung trong phương án quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan khác; gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm.
Các địa phương tiếp tục thực hiện chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm cây ăn quả; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp định hướng quy mô vùng trồng các loại cây ăn quả chủ lực; thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết sản xuất cây ăn quả từ xây dựng vùng trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Để xây dựng liên kết bền vững giữa danh nghiệp với hộ sản xuất cây ăn quả, Hợp tác xã có vai trò cầu nối quan trọng. Các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển Hợp tác xã cả về chiều rộng và chiều sâu, đặc biệt chú trọng hỗ trợ thành lập mới và nâng cao năng lực cho các thành viên Hợp tác xã.
Đối với hộ gia đình, cần chủ động liên kết với doanh nghiệp thông qua Hợp tác xã để hình thành vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, gắn với xây dựng mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, tích cực tham gia các khóa đào tạo nghề làm vườn, tăng cường kỹ năng sản xuất, kiến thức thị trường về cây ăn quả.
Ngoài ra, các hộ gia đình đầu tư phát triển vùng trồng cây ăn quả chủ lực để hình thành theo vùng nguyên liệu tập trung. Hợp tác xã, liên kết với các hộ gia đình và doanh nghiệp đầu tư nhà sơ chế, kho chứa sản phẩm. Doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến, tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả,…/.