Phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ triệt để các vùng lõi nghèo

Trong năm 2024, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) đạt mục tiêu đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%; phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ triệt để các vùng lõi nghèo.

Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ LĐTB&XH sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện, từng bước xóa bỏ chính sách "cho không", phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Phóng viên VOV phỏng vấn ông Phạm Hồng Đào, Phó Chánh Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐTB&XH) về nội dung này.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ triệt để các vùng lõi nghèo

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phấn đấu đến năm 2030 xóa bỏ triệt để các vùng lõi nghèo

PV: Thưa ông, nhìn lại năm 2023, công tác giảm nghèo đạt được kết quả cụ thể như thế nào?

Ông Phạm Hồng Đào: Năm 2023 là năm mà chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo thực hiện đánh giá giữa kỳ và đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện. Qua một thời gian triển khai, chương trình cũng đạt được một số kết quả nhất định như: Các hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình thì đã được ban hành tương đối đầy đủ; vốn triển khai chương trình cũng đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng như Thủ tướng Chính phủ kịp thời bố trí cho các bộ, ngành và các địa phương cũng chủ động bố trí vốn đối ứng để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến chung tay vì người nghèo cũng được Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức thành viên, các cơ quan, địa phương quan tâm và đẩy mạnh tăng cường. Công tác giám sát được Quốc hội cũng như là cơ quan chủ quản chương trình, cơ quan chủ chương trình các dự án thành phần tích cực thực hiện. Do vậy, đã đạt được các kết quả tổng thể mà Chính phủ cũng như Quốc hội giao đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 1 đến 1,5 % mỗi năm.

PV: Vậy, đối với các xã nghèo, huyện nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, diện mạo đã thay đổi như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hồng Đào: Các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo có thể coi là lõi nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và là các đối tượng chính để chương trình thực hiện hỗ trợ, nhằm giảm tỷ lệ nghèo ở các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn này. Ở đây, tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo cũng như các xã đặc biệt khó khăn cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ nghèo chung cả nước. Vì vậy, chương trình đặt ra là phải thiết kế tổng thể, đầu tư có trọng tâm trọng điểm và mục tiêu là giảm tỷ lệ nghèo trên địa bàn này.

Có thể nói rằng Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo là ưu tiên phát triển kinh tế xã hội hạ tầng các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu đến hơn 90% đầu tư cho các địa bàn này. Qua đó đã cải thiện hạ tầng cơ sở, liên kết phát triển sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân ở đây có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, rồi có được việc làm, có thu nhập.

Thời gian qua cho thấy hiện tại so với giai đoạn trước đây, Chương trình ngày đã giải quyết được phần lớn các vấn đề mà chương trình cũ còn chưa giải quyết được hết. Qua đó diện mạo các huyện cũng như các xã nghèo đã có sự thay đổi đáng kể. Người dân thu nhập đã cơ bản được nâng lên.

PV: Thưa ông, hiện nay công tác giảm nghèo được tiếp cận theo hướng đa chiều, vậy chúng ta cần phải khắc phục những khó khăn nào để có thể bù đắp các chiều thiếu hụt mà người dân đang gặp phải?

Ông Phạm Hồng Đào: Nghèo đa chiều chúng ta đã triển khai từ giai đoạn 2016 trở lại đây, tuy nhiên, giai đoạn này chúng ta sẽ làm chặt chẽ hơn để đi vào bản chất của nghèo để xử lý triệt để hơn gốc rễ của nghèo. Đó là các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản và nâng cao thu nhập các dịch vụ thiếu hụt xã hội cơ bản ấy. Chương trình mục tiêu cũng hướng tới đầu tư vào các dự án, tiểu dự án nhằm mục tiêu giảm tỷ lệ thiếu hụt của các chiều này. Ví dụ như là các chiều về nhà ở, hỗ trợ về dinh dưỡng rồi là thông tin truyền thông. Qua đó, nhằm giảm bớt các chiều thiếu hụt và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn mới.

Trong quá trình triển khai thực hiện cũng tồn tại nhiều khó khăn. Thứ nhất là về hệ thống pháp luật, thực ra đã ban hành đầy đủ, nhưng vẫn còn một số vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn. Do vậy, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 38, kịp thời sửa đổi để các địa phương có căn cứ pháp lý để thực hiện. Về phần tiền, chúng ta đã phân bổ nhưng còn một số nguồn vốn như về dinh dưỡng hay nhà ở vẫn phân bổ vốn chưa kịp thời, dẫn tới việc các địa phương triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, các cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở thì còn rất thiếu và yếu khiến công tác triển khai cũng gặp nhiều khó khăn.

PV: Vâng thưa ông, hiện nay việc giải quyết lõi nghèo cần tập trung vào các giải pháp trọng tâm nào?

Ông Phạm Hồng Đào: Theo Chỉ thị số 05 chúng ta phấn đấu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ triệt để các vùng lõi nghèo này. Để làm được việc này, chúng ta cần có kế hoạch tổng thể. Trước tiên, cần phải rà soát lại các hệ thống văn bản về giảm nghèo. Thứ hai là cần phải nghiên cứu, bố trí nguồn lực cân đối để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thứ ba là phải nâng cao năng lực triển khai các đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến cơ sở. Thứ tư, chúng ta cần phải tăng cường công tác thông tin truyền thông để cho cả xã hội đều biết đến công tác giảm nghèo có vai trò quan trọng như thế nào. Cuối cùng là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và huy động các nguồn lực xã hội hóa để việc giảm nghèo mang tính bền vững.

PV: Thưa ông, ngay trong năm 2024 này, Bộ LĐTBXH sẽ tập trung vào những giải pháp nào để có thể đạt mục tiêu giảm nghèo mà Quốc hội và Chính phủ giao và theo ông, bản thân người nghèo cần phải chủ động vươn lên ra sao?

Ông Phạm Hồng Đào: Năm 2024 là năm đặc biệt quan trọng, bởi vì là năm đề xuất cho Chương trình đầu tư công cho giai đoạn tới. Năm 2024 chúng ta đang phấn đấu đó là tỷ lệ hộ nghèo giảm đạt trên 1%, vẫn nằm trong khoảng mà Quốc hội và Chính phủ giao. Vì vậy, chúng ta phải đánh giá lại toàn bộ các kết quả đã triển khai chương trình để có thể định hướng cho chương trình giai đoạn tới, nhằm các mục tiêu như: Đạt được tỷ lệ hộ nghèo như Quốc hội và Chính phủ giao.

Vì vậy, cần thiết trong năm 2024 này, trước tiên chúng ta phải triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát, đánh giá chương trình và nghị quyết về các chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi triển khai chương trình, triển khai các nghị quyết đấy.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thiết là phải tiếp tục thực hiện việc đẩy nhanh việc phân bổ và giải ngân vốn vì hiện tại tỷ lệ giải ngân vốn đang rất thấp. Do vậy mà cả Quốc hội, Chính phủ đều quan tâm đến việc này và Thủ tướng cũng thường xuyên chỉ đạo. Bộ Lao động Thương binh và xã hội là cơ quan chủ chương trình thì cũng có rất nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương triển khai. Do vậy, trong năm 2024 này phải đặc biệt nhấn mạnh đến công tác giám sát và đánh giá, vì nó là năm gần cuối để triển khai chương trình rồi để triển khai chương trình theo kế hoạch đặt ra.

Các vùng lõi nghèo cũng như hộ nghèo là đối tượng hướng tới của chương trình. Cho nên họ sẽ được hưởng đầy đủ các điều kiện và hỗ trợ từ chương trình mục tiêu quốc gia. Bên cạnh đó thì họ còn được hỗ trợ bởi các chính sách giảm nghèo thường xuyên khác. Cái quan trọng nhất ở đây theo tôi là vai trò của địa phương cũng như là ý thức của người dân. Đặc biệt là các hộ nghèo phải chủ động và tự vươn lên thoát nghèo chứ không trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Khi Nhà nước hỗ trợ nhưng mà bản thân người nghèo không muốn thoát nghèo thì cũng rất khó để có thể đạt được mục tiêu mà Quốc hội với Chính phủ giao.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông.

Hà Nam/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phan-dau-den-nam-2030-xoa-bo-triet-de-cac-vung-loi-ngheo-post1072580.vov