Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt Nam - Thái Lan sớm đạt 25 tỷ USD
Hai bên khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và đầu tư; tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của hai nước, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn.
Ngày 11/4, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Parnpree Bahiddha-Nukara đồng chủ trì kỳ họp lần 5 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương.
Kỳ họp đã đánh giá toàn diện quan hệ hợp tác hai nước, đề ra những phương hướng trên tất cả lĩnh vực, đồng thời chuẩn bị cho việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đón Thủ tướng Thái Lan thăm chính thức Việt Nam và đồng chủ trì kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 hai nước tới đây.
Thái Lan tiếp tục giữ vững vị trí là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương đã vượt mốc 20 tỷ USD từ năm 2022.
Hợp tác quốc phòng - an ninh, giáo dục và đào tạo, văn hóa, du lịch, tài chính, giao lưu nhân dân… tiếp tục phát triển tốt đẹp. Hai nước có số lượng cặp kết nghĩa địa phương nhiều nhất trong khu vực (19 cặp).
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác Chiến lược với Thái Lan. Còn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan nhấn mạnh, Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu của Thái Lan ở khu vực và mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư luôn là điểm sáng, hai bên khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh và đầu tư; tạo thuận lợi cho tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của hai nước thông qua việc hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn.
Hai bên cũng nhất trí tìm kiếm khả năng hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số, chính phủ điện tử; thúc đẩy hợp tác về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị, các tập đoàn bán lẻ của Thái Lan tiếp tục phát huy vai trò cầu nối đưa hàng hóa của Việt Nam đến với người tiêu dùng thông qua hệ thống phân phối tại Thái Lan, đẩy nhanh tiến trình đánh giá rủi ro, cấp phép và mở cửa thị trường cho một số loại trái cây tươi của Việt Nam (bưởi, na, vú sữa, chôm chôm, chanh leo).
Chính phủ hai nước cần lập nhóm công tác để xây dựng kế hoạch triển khai lĩnh vực hợp tác tiềm năng trong chiến lược “Ba kết nối”, đặc biệt là dự án cụ thể về chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng công bằng, phát triển hệ sinh thái ô tô điện, nông nghiệp công nghệ cao...
Hai bên nhất trí cần tăng cường hiểu biết và gắn kết nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ hai nước, thông qua giao lưu văn hóa, thế thao, du lịch, giáo dục đào tạo; thúc đẩy giảng dạy tiếng Thái tại Việt Nam và tiếng Việt tại Thái Lan. Tiếp tục hợp tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử Việt Nam tại Thái Lan; khuyến khích phát triển dự án vì cộng đồng bền vững của Thái Lan tại Việt Nam.
Hai Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, khẳng định ủng hộ Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, thúc đẩy triển khai Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN đến năm 2045, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.... Hai bên nhất trí phối hợp và cùng các thành viên ASEAN duy trì lập trường nguyên tắc của ASEAN về vấn đề Biển Đông, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển.
Gặp Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ, Thủ tướng Phạm Minh Chính luôn mong được đón Thủ tướng Thái Lan. Một trong những mục đích quan trọng nhất trong chuyến thăm Thái Lan lần này là trao đổi với Bộ Ngoại giao Thái Lan để chuẩn bị chu đáo cho chuyến thăm tới đây.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp hơn bao giờ hết. Bộ trưởng khẳng định lợi ích của việc kết nối nền kinh tế hai nước nhằm khắc phục những điểm bất lợi, bổ trợ trên tinh thần “hợp tác cùng có lợi và cùng phát triển”.
Thủ tướng Srettha Thavisin khẳng định, Thái Lan coi trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Ông mạnh mong muốn cụ thể hóa hợp tác thông qua triển khai dự án cụ thể trong chiến lược “Ba kết nối”; đề nghị Việt Nam cùng phối hợp triển khai sáng kiến “Nhiều quốc gia, một điểm đến” nhằm tăng cường hợp tác du lịch và gắn kết nhân dân.
Thủ tướng cũng mong muốn Việt Nam khuyến khích các hãng hàng không nghiên cứu sớm thiết lập đường bay thẳng tới thành phố Udon Thani, nơi có đông kiều bào Việt Nam sinh sống, để thúc đẩy du lịch, giao lưu nhân dân hai nước.