Phấn đấu đưa kim ngạch thương mại Việt - Séc lên 1 tỷ USD
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng với tiềm năng to lớn để thúc đẩy hợp tác kinh tế và sự nỗ lực của hai bên, kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc sẽ sớm đạt 1 tỷ USD.
Hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc tuy có tăng đều qua các năm nhưng vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng. Năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đạt mức 307 triệu USD, trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Séc đạt 180 triệu USD và nhập khẩu từ quốc gia châu Âu này là 127 USD.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Séc - Việt Nam tổ chức ngày 22/11, Phó Chủ tịch VCCI Đoàn Duy Khương cho rằng, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt trên 300 triệu là điều rất cần phải suy nghĩ nếu nhìn vào tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 500 tỷ USD của Việt Nam hiện nay. “Rõ ràng là tiềm năng phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn”, ông Khương nhấn mạnh.
Với quan hệ ngoại giao tốt đẹp giữa hai nước, cộng đồng người dân công tác, học tập tại hai nước là những nguồn lực hết sức quý báu để phát triển quan hệ hợp tác hai nước.
Ngoài ra, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đã được ký kết với trên 85% dòng thuế quan được dỡ bỏ, tương đương hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam sang EU, trong đó có Cộng hòa Séc sẽ hết sức phát triển, ngược lại Séc cũng có cơ hội rất lớn để xuất khẩu hàng hóa sang Việt Nam.
Việt Nam và Séc được đánh giá có nhiều tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, đặc biệt là công nghệ xử lý môi trường. Việt Nam hiện phát triển mạnh mẽ về kinh tế, nhưng một trong những thách thức lớn của Việt Nam trong thời gian tới là phát triển bền vững và xử lý môi trường.
Theo Phó Chủ tịch VCCI, việc tận dụng thế mạnh của Cộng hòa Séc trong xử lý môi trường vào giải quyết thách thức trên sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác kinh tế thương mại song phương.
Ngoài những tiềm năng hợp tác song phương, hai nước cần tận dụng những lợi thế từ hợp tác đa phương. Việt Nam là thành viên tích cực của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, do vậy doanh nghiệp Séc không chỉ phát triển tốt tại Việt Nam mà còn từ Việt Nam vươn ra khu vực ASEAN rộng lớn với hơn 600 triệu dân.
Bộ trưởng Môi trường Cộng hòa Séc Richard Brabec cho biết, ngoài trao đổi hàng hóa dịch vụ và công nghệ, Cộng hòa Séc còn sẵn sàng chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực xây dựng hệ thống quản lý, điều hành giao thông công cộng đô thị, xây dựng hạ tầng, phát triển đô thị xanh - thông minh nhằm giảm thiểu tình trạnh tắc nghẽn mạng lưới giao thông, gây ô nhiễm không khí.
“Chúng tôi tin tưởng diễn đàn hôm nay mở ra những cơ hội hợp tác đầu tư mới giữa hai nước. Hiện Cộng hòa Séc có 35 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD và các dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị triển khai,” ông Brabec nói.
Theo Bộ trưởng Richard Brabec, Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành mía đường trong khi đây cũng là ngành có thế mạnh của Séc. Thêm một lĩnh vực đầy tiềm năng hợp tác giữa hai bên là cung cấp các thiết bị cho các nhà máy thủy điện nhỏ.
EVFTA có hiệu lực đầu năm 2020, sẽ mang lại nhiều cơ hội phát triển kinh doanh cho cac công ty Séc tại Việt Nam và các nhà xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang EU. Do vậy, hai bên cần nỗ lực hết sức để thực thi EVFTA có hiệu quả, ông Brabec đề nghị.