Phấn đấu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Ước tính đến cuối tháng 11/2024, toàn tỉnh giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 4.394 tỷ đồng, bằng trên 60,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 54,3% kế hoạch tỉnh phấn đấu. Để hoàn thành kế hoạch cả năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình, bảo đảm giải ngân vốn theo đúng quy định.

Theo tổng hợp của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện Quyết định 1164/QĐ-UBND ngày 21/8/2024 của UBND tỉnh về kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, địa phương đã giao là 8.094 tỷ 962 triệu đồng, bằng 111,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Cụ thể, trong tổng nguồn vốn trên, vốn ngân sách địa phương là 7.219 tỷ 362 triệu đồng; trong đó vốn ngân sách tập trung 539 tỷ 112 triệu đồng, vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất 5.800 tỷ đồng; nguồn xổ số kiến thiết 45 tỷ đồng; bội thu ngân sách địa phương 23 tỷ đồng, vốn từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách cấp tỉnh năm 2023 là 740 tỷ đồng; vốn từ nguồn tăng thu ngân sách tỉnh từ nguồn thu khác ngân sách phát sinh chưa được giao trong dự toán năm 2024 là 72 tỷ 250 triệu đồng. Về nguồn vốn Trung ương là 875 tỷ 600 triệu đồng; trong đó vốn Trung ương trong nước 697 tỷ 940 triệu đồng, vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 177 tỷ 660 triệu đồng. Lũy kế giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn toàn tỉnh đến cuối tháng 11/2024, ước đạt hơn 4.394 tỷ đồng, bằng trên 60,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và hơn 54,3% kế hoạch tỉnh phấn đấu.

Để hoàn thành kế hoạch trên, ngay từ những tháng đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, ban quản lý dự án phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố tập trung thu ngân sách, giải phóng mặt bằng các dự án, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ nhà thầu giải quyết các thủ tục hành chính, thi công công trình, bảo đảm giải ngân vốn theo đúng quy định. Nhiều công trình thi công đang được đẩy nhanh tiến độ như dự án Nút giao Phú Thứ; cầu Tân Lang, cầu Liêm Chính (giai đoạn II), cầu vượt nút giao đường sắt nối đường Lê Duẩn với QL1A; đường T4 trên địa bàn huyện Thanh Liêm... Đây là các dự án trọng điểm phấn đấu hoàn thành và đưa vào khai thác trong năm 2025, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025.

Thi công cầu Liêm Chính giai đoạn II.

Thi công cầu Liêm Chính giai đoạn II.

Ông Phạm Quang Hưng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết: Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối từ QL1A giao với đường cao tốc Cầu Giẽ -Ninh Bình bằng nút giao Liêm Sơn đi qua huyện Bình Lục giao với QL21A, QL21B, đường nối 2 cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và Hà Nội – Ninh Bình; kết nối 2 di tích quốc gia đặc biệt là đền Trần Thương (tỉnh Hà Nam) và Khu di tích lịch sử – văn hóa đền Trần (tỉnh Nam Định) được chia làm 2 tuyến. Tuyến 1 dài 32km, kết nối QL1 theo đường 495B (giai đoạn 1) với đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, QL21A, QL21B, nối lên cầu Thái Hà, cầu Hưng Hà. Tuyến 2 dài 14,6km kết nối hai đền Trần điểm đầu ở khu vực xã Trần Hưng Đạo, điểm cuối ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân). Tổng mức đầu tư dự án 3.600 tỷ đồng do ngân sách Trung ương hỗ trợ kết hợp với vốn địa phương, được thực hiện trong giai đoạn từ năm 2022 – 2025. Đến thời điểm này, nhà thầu đã thi công ước được khoảng hơn 70% khối lượng công việc và chủ đầu tư cũng đã cơ bản giải ngân vốn theo tiến độ khối lượng hoàn thành. Năm 2024, đơn vị phấn đấu giải ngân vốn cho dự án theo đúng kế hoạch được giao.

Theo đánh giá của các ngành chức năng, bình quân giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh so với cả nước đạt cao, song so với kế hoạch chung của cả tỉnh đến cuối tháng 11/2024 vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là do nguồn cung vật liệu tại một số địa bàn không đáp ứng được yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các dự án; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng ở một số địa phương nơi có dự án đi qua chưa được giải quyết kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ thi công. Cùng với đó, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng ở một số địa phương còn hạn chế, nhiều dự án có vốn song lại phải đợi mặt bằng.

Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2024 trong điều kiện kinh tế suy thoái, các dự án vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn thu ngân sách từ đất thời điểm đầu năm đạt thấp so với kế hoạch. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả nguồn thu ngân sách, tập trung giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm phấn đầu hoàn thành trong năm 2024 – 2025; đối với các nhà thầu cần đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, bảo đảm chất lượng và hoàn thành theo kế hoạch đề ra. Hiện nay, nhiều dự án đang được đẩy nhanh tiến độ thi công phấn đấu hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch.

Với mục tiêu hoàn thành 100% kế hoạch được giao, trong tháng cuối năm 2024, các ngành, địa phương, đơn vị trong tỉnh đang quyết liệt chỉ đạo, điều hành, thực hiện các biện pháp để đẩy nhanh tiến độ các dự án; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, chủ động giải pháp thi công phù hợp để bảo đảm tiến độ đã được phê duyệt, góp phần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các địa phương, UBND tỉnh chỉ đạo cần tập trung thực hiện đồng bộ các chính sách nhằm khai thác hiệu quả nguồn thu ngân sách từ các lĩnh vực kinh tế đi đôi với tạo nguồn thu, nuôi dưỡng nguồn thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được HĐND tỉnh giao ở mức cao nhất, bảo đảm nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển; tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Trần Thoan

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/dau-tu/phan-dau-hoan-thanh-ke-hoach-giai-ngan-von-dau-tu-cong-142499.html