Phấn đấu năm 2045: Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế

Phát biểu tham luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII ngày 27/1, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nêu rõ 5 định hướng lớn và 3 khâu đột phá của Thành phố thời gian tới, với mục tiêu đến năm 2045, Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại

Đứng trước bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, nhất là dịch COVID-19 đang tạo ra những thay đổi lớn trên thế giới về thương mại, đầu tư… và tác động cả tới tình hình chính trị. Trong nước, vị thế và tiềm lực của đất nước sau gần 35 năm đổi mới đã lớn mạnh hơn nhiều, nhưng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức và rủi ro. Đối với Hà Nội, với vị trí, vai trò đặc biệt, thế, lực và uy tín của Thủ đô ngày càng được nâng cao.

Hà Nội vừa được Quốc hội đồng ý về cơ chế thí điểm quản lý hành chính theo mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù, tăng cường tính chủ động, nâng cao năng lực giải trình của chính quyền trong xử lý công việc. Thành phố cũng có quy mô dân số lớn, lực lượng lao động chất lượng cao... Tuy nhiên, nhiều vấn đề phức tạp, vướng mắc nảy sinh trong quá trình phát triển chưa được giải quyết căn cơ. Năng lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; Thủ đô luôn phải đối mặt với các nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất cao...

Có thể thấy, thuận lợi và thách thức đan xen lẫn nhau nhưng thuận lợi và cơ hội cho đất nước, cho Hà Nội vẫn là chủ đạo để phát triển. Với truyền thống văn hiến, anh hùng, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo” được Nhân dân cả nước tin yêu và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, đặc biệt với vị thế, yêu cầu phát triển ngày càng cao của Thủ đô trong giai đoạn hiện nay như Tổng Bí Thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Nếu nói đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ như ngày nay, thì Hà Nội chưa bao giờ có được quy mô, vị thế, tầm vóc và yêu cầu cao như bây giờ”, “Yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn các địa phương khác. Hà Nội phải gương mẫu, đi đầu về tất cả mọi phương diện. Đây là yêu cầu khách quan được đặt ra”. Nhận thức sâu sắc về điều đó cùng với tầm nhìn chiến lược rộng mở và quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, xây dựng Đảng bộ thành phố có năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu cao và hệ thống chính trị - xã hội trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu; phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa Thủ đô, GRDP/người đạt 8.300-8.500 USD.

Đến năm 2030, Hà Nội trở thành thành phố “Xanh - Thông minh - Hiện đại”; phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh khu vực và quốc tế; Đến năm 2045, Hà Nội có chất lượng cuộc sống cao; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, bền vững; là thành phố kết nối toàn cầu, có sức cạnh tranh quốc tế, GRDP/người đạt trên 36.000 USD.

Đề ra 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm

Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội cho biết thành phố sẽ tiếp tục tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu, bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả việc thí điểm tổ chức thành công mô hình chính quyền đô thị, củng cố chính quyền nông thôn.

Tranh thủ thời cơ từ hội nhập quốc tế, những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược. Tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cơ chế, chính sách để khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển Thủ đô. Sớm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính-ngân sách đặc thù đối với TP. Hà Nội. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực chỉ số cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các chuẩn mực của OECD.

Giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa-xã hội với bảo vệ tài nguyên, môi trường. Quản trị xã hội hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực đô thị và nông thôn. Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô và hội nhập quốc tế. Chú trọng phát triển văn hóa và con người Hà Nội, là sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô.

Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đô thị, dân cư, trật tự xây dựng, an toàn giao thông, đảm bảo kỷ cương, văn minh đô thị. Nâng cao chất lượng, hiệu quả chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng bền vững. Tiếp tục đẩy mạnh chất lượng xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu; tạo cho được chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông... Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội…

Tiếp tục tập trung vào 3 khâu đột phá trên các lĩnh vực

Một là, ưu tiên hiện đại hóa, phát triển nhanh và đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, xây dựng các công trình tiêu biểu, không gian kiến trúc cảnh quan đặc sắc, mang đặc trưng của Thủ đô. Tập trung phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô. Phát triển mạnh hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu…, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tăng cường công tác tổ chức thực thi pháp luật, nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, quản lý đô thị; cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng và hiệu quả phục vụ doanh nghiệp và nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Ba là, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản lý xã hội, quản trị kinh tế, nhân lực ngành văn hóa, du lịch…Xây dựng và phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn Thành phố. Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng Thủ đô thành nơi đáng sống. Đề cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức xã hội, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng quyết định phát triển Thủ đô.

TSCT

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phan-dau-nam-2045-ha-noi-la-thanh-pho-ket-noi-toan-cau-co-suc-canh-tranh-quoc-te-n185837.html